Theo các chuyên gia, cách làm này hoàn toàn phản khoa học, không được áp dụng trong bất kỳ trường hợp y tế nào. Thậm chí, dùng mùn thớt gây nôn còn có thể gây ngộ độc nặng hơn bởi mức độ nhiễm khuẩn và nấm men độc.
Ông đau bụng, bà cho uống mùn thớt
Sau bữa cơm chiều, ông Nguyễn Xuân Trường (Hà Nội) cảm thấy đầy bụng, vỗ kêu bình bịch, kèm theo cảm giác đau âm ỉ. Càng về tối, cơn đau càng mạnh, bụng cứng hơn rất nhiều. Thấy bất ổn trong dạ dày, ông đã cố móc họng để nôn ra nhằm tạo cảm giác dễ chịu nhưng không có kết quả. Bà vợ đứng bên cạnh thấy ông không thể nôn đã nhanh tay dùng thớt gỗ thái thức ăn, cho vào một ít nước rồi dùng dao cạo lấy mùn. Một lớp màng phía trên thớt được bà dùng dao gạt ra có màu nâu đen, quện đặc với các mùn gỗ lợn cợn... Toàn bộ nước mùn thớt này được bà cho ông uống. Chỉ sau vài ngụm, cảm giác tanh trong cổ họng, xông lên mũi, sốc qua não khiến ông nôn toàn bộ thức ăn. Tuy nhiên, cơn đau vẫn không dứt, ông được đưa vào bệnh viên cấp cứu, bác sĩ cho hay, ông bị tắc ruột.
Theo người vợ của ông Nguyễn Xuân Trường, đây là cách làm dân gian nên nhiều người vẫn thường xuyên áp dụng. Bởi mùn thớt có mùi tanh, người uống vào dễ nôn hết thức ăn ra nên không còn khó chịu ở bụng hay ngộ độc. Trước đây bà đã từng một vài lần cho cháu của mình uống nước mùn thớt này khi bị đầy bụng, đi ngoài không tiêu...
PGS.TS Nguyễn Gia Khánh, nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay, cách dùng mùn thớt để gây nôn là cách làm phản khoa học, người dân không nên áp dụng. Ngoài ra, trong bất cứ đơn vị y tế nào cũng không áp dụng cách này. Bởi mùn thớt rất bẩn, chứa nhiều vi khuẩn, nấm mốc do quá trình thái thức ăn, thực phẩm cũ còn bám lại trên thớt gây lên men. Nếu áp dụng, khả năng nôn được ra thức ăn không cao bằng nguy cơ bị nhiễm độc.
Vi khuẩn và nấm mốc lên men phát triển mạnh trên bề mặt thớt mà mắt thường đôi khi không nhìn thấy được. Ảnh minh họa. |
Vi khuẩn, nấm mốc nhiều không tính nổi
Đồng quan điểm, ThS.BS Phạm Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Thành An phân tích, mùn thớt chứa nhiều vi khuẩn bởi nhiều nguồn như không khí, môi trường, đặc biệt là thức ăn được thái trên thớt. Nhất là các thức ăn sống vốn chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh như tiêu chảy... Khi dùng thớt thái sẽ bám vào thớt, vào phần mùn này để sống.
Đặc biệt là thái thức ăn sống như thịt, cá. Quá trình rửa cũng khó có thể tiêu diệt được hết. Sau đó, vi khuẩn này sẽ sinh sôi, phát triển nhiều hơn. Nếu uống mùn thớt, chắc chắn sẽ đưa một lượng vi khuẩn nhiều đến mức không thể tính nổi vào cơ thể, từ đó gây nên nguy cơ nhiễm khuẩn, gây bệnh. Ngoài ra, những người có cơ địa đang bị viêm như viêm lợi, viêm amidan... khả năng phát triển bệnh càng nặng hơn.
Bên cạnh đó, thớt gỗ dùng để thái thức ăn nên khả năng tồn lại thực phẩm cũ trên đó là rất cao. Chúng có thể rất nhỏ, lẫn vào các thớ và xơ gỗ mà đôi khi chỉ rửa bằng cách thông thường không thể loại bỏ hết. Sau một thời gian ngắn, thức ăn này bị vi khuẩn phân hủy, lên men gây ra các nấm mốc độc.
“Vi khuẩn và nấm mốc lên men phát triển mạnh trên bề mặt thớt mà mắt thường đôi khi không nhìn thấy được. Đây cũng là lý do vì sao chúng ta nên dùng hai loại thớt để chế biến thức ăn sống và thức ăn chín để tránh nhiễm khuẩn. Vậy cớ sao lại đưa nguy cơ này vào trực tiếp trong cơ thể chúng ta!”, BS Phạm Thái Nguyên nhấn mạnh.
“Cách khoa học nhất để đưa thức ăn ra khỏi cơ thể khi bị ngộ độc chính là bơm nước vào để rửa dạ dày, rửa ruột. Tuy nhiên, cách làm này cần đến các đơn vị y tế. Trong trường hợp khẩn cấp hoặc bị nhẹ, gia đình muốn xử lý tại nhà có thể xử lý bằng cách dùng tay hoặc lông gà (đã được vệ sinh và sát khuẩn) kích thích khó chịu ở họng mà nôn thức ăn ra. Cách làm cần nhẹ nhàng tránh xây xát niêm mạc họng”.
BS Phạm Thái Nguyên