Trang Lưu, cùng với De La Tore và Payra là một trong số 30 người được nhận học bổng tôn vinh những đóng góp của người nhập cư với số tiền thưởng là 90.000 đô la. Được biết, Trang Lưu, một nữ sinh gốc Việt đã xuất sắc vượt qua 1.800 ứng cử viên khác để nhận giải thưởng danh giá này.
Nỗ lực phấn đấu
Trang Lưu tốt nghiệp Masachusetts Insitute of Technology (MIT) với bằng cử nhân kỹ thuật cơ khí vào năm 2018 và bằng Thạc sĩ kỹ thuật năm 2020. Giải thưởng Soros sau đại học của cô tại Đại học Harvard trong chương trình MBA/MS về khoa học kỹ thuật.
Trang Luu (ở giữa) là 1 trong số 3 sinh viên được nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ Paul & Daisy Soros Nguồn: Masachusetts Institute of Technology. |
Trang vốn sinh ra tại TP.HCM, Việt Nam. Vào năm 3 tuổi, cô cùng gia đình di cư đến Houston, Texas. Chứng kiến cảnh bố mẹ bươn chải kiếm sống nơi đất khách quê người, lại không am hiểu văn hóa nơi đây, cũng không thành thạo tiếng Anh, Trang muốn san sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền với gia đình.
Do đó, cô rất tích cực học hành và tìm những người cố vấn để giúp cô tìm hiểu và định hướng bản thân trong hệ thống giáo dục của Mỹ. Ở nhà, cô gái gốc Việt cũng giúp gia đình làm và sửa chữa các vật dụng trong nhà, chính điều này đã nhen nhóm tình yêu với ngành kỹ thuật của cô.
Dồn tâm huyết vào các dự án công nghệ
Khi đang là một sinh viên đại học MIT, Trang tập trung phát triển các dự án công nghệ hỗ trợ, áp dụng cơ sở nền tảng kỹ thuật của mình để giải quyết các vấn đề xảy ra trong cuộc sống thường nhật. Ví dụ như một tấm lót ổ cắm thích ứng mới cho những người bị cụt chân ở Kenya, Ethiopia và Thái Lan, một bộ chuyển đổi gậy cho xe lăn; một con trỏ máy tính dành cho bệnh nhân bị hạn chế khả năng vận động của cánh tay; hay như một thiết kế bếp nấu ăn an toàn hơn cho những người bán hàng rong ở Nam Phi; và một phương pháp nhanh hơn để thử nghiệm các thiết kế tưới nhỏ giọt mới.
Là một nghiên cứu sinh tại MIT D-Lab dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Daniel Frey, Trang đã được nhận Học bổng Nghiên cứ Sau đại học của Quỹ Khoa học Quốc gia. Trong quá trình học cao học của mình, cô đã nghiên cứu các phương pháp cải tiến thiết bị làm mát bay hơi để giảm sự hư hỏng nhanh chóng của rau quả.
Những dự án này đã củng cố và chứng minh những cam kết của cô trong việc đổi mới công nghệ và thiết bị mới vào những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống thường ngày.
Trong năm cuối Đại học, Trang đã hợp tác phát triển một mẫu thử nghiệm hoạt động của một thiết bị đeo tay cho những bệnh nhân mắc chứng bệnh Parkinson hoặc chứng run tay mức độ nhẹ.
Chứng kiến niềm vui của bệnh nhân sau khi hết run tay đã thôi thúc cô gái gốc Việt và ba người bạn cùng đồng hành tiếp tục phát triển thiết bị này sau khi học Đại học. Bốn năm sau, sáng chế Encora Therapeutics của cô đã đạt được những cột mốc quan trọng, đặc biệt là đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ công nhận đây là thiết bị mang tính đột phá.
Mời quý độc giả xem video: Nhan sắc 5 mỹ nhân gốc Việt tại Hollywood. Nguồn Vietnamnet.