Thành quả của vắc xin Quinvaxem
Tháng 6/2010, Quinvaxem được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng và được chỉ định tiêm miễn phí cho các trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi.Vắc xin Quinvaxem được đưa vào danh mục tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 6/2010. Ảnh: Internet. |
Vắc xin Quinvaxem là loại vắc xin 5 trong 1 phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh này, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Sử dụng vắc xin phối hợp Quinvaxem giúp giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình đồng thời trẻ em có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin Quinvaxem đã được khẳng định qua các con số mắc ho gà, bạch hầu giảm sau thời gian triển khai vắc xin này.
Từng bị tẩy chay
Việt Nam bắt đầu sử dụng Quinvaxem do WHO tài trợ từ tháng 6/2010. Từ tháng 10/2012 đến 3/2013 có 12 ca tử vong sau khi được tiêm mũi Quinvaxem. Do đó, Bộ Y Tế Việt Nam đã ngừng sử dụng Quinvaxem cho đến tháng 10/2013, khi chuyên gia độc lập quốc tế, chuyên gia của WHO và chuyên gia của Việt Nam khẳng định là 12 ca tử vong kể trên không do Quinvaxem.
Ảnh: Internet. |
Từ khi Quinvaxem được dùng lại, vẫn có nhiều ca tử vong sau khi tiêm vắc xin này.
Theo Hội đồng đánh giá tai biến vắc-xin của Bộ Y tế, năm 2015 có tổng số 3.000 trẻ có phản ứng sau tiêm vắc-xin, 32 trường hợp phản ứng nặng có 16 trường hợp tử vong. Trong số này, tử vong sau tiêm vắc-xin lao là 5 trường hợp, Quinvaxem 8 trường hợp và viêm gan B có 3 trường hợp. Trong số các ca tử vong sau tiêm chủng có 31% là do trùng hợp ngẫu nhiên, tử vong không rõ nguyên nhân và do cơ địa của trẻ. Bên cạnh đó, Quinvaxem có số lượng liều gấp 3 lần so với vắc xin phòng lao và viêm gan B (do cần tiêm đủ 3 mũi).
Video "Tiêm vắcxin để chủ động phòng bệnh". Nguồn: VTC1
Trước hàng loạt trẻ tử vong sau tiêm chủng mở rộng, Quinvaxem bỗng trở thành kẻ sát nhân trong mắt người dân, nhiều người chuyển sang tiêm dịch vụ với vắc xin Pentaxim.
Thời điểm năm 2015, rất nhiều gia đình chen lấn xô đẩy trước các trung tâm tiêm chủng dịch vụ để đăng ký tiêm Pantaxim cho con. Nhiều người chạy theo Pentaxim, thậm chí đưa con ra nước ngoài tiêm phòng. Còn lại một phần lớn người không đủ khả năng bỏ tiền cho con chích Pentaxim nhưng lại sợ Quinvaxem đến mức không cho con chích ngừa.
Tuy nhiên, theo PGS - TS Phạm Nhật An, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội trao đổi trên Báo Đất Việt: “Vắc-xin cũng giống các loại thuốc khác, khi tiêm vào cơ thể sẽ có những phản ứng phụ, gây tai biến, thậm chí là tử vong. Quinvaxem được WHO đánh giá là an toàn. Ở Việt Nam, tai biến trong ngưỡng an toàn, ngưỡng cho phép”.
TS Phạm Nhật An cũng cho rằng, những thông tin hỗn loạn về truyền thông đã khiến nhiều người tẩy chay Quinvaxem, dù đó là một loại vắc-xin an toàn, miễn phí, phù hợp với đông đảo người dân Việt Nam.
Việt Nam ngưng sử dụng Quinvaxem từ tháng 5/2018
Từ tháng 4 tới đây, Việt Nam sẽ bắt đầu sử dụng loại vắc xin 5 trong 1 mới ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib cho trẻ em, thay thế cho loại vắc xin quen thuộc Quinvaxem của Hàn Quốc, vì lý do nhà máy sản xuất Qiunvaxem ở Hàn Quốc ngưng sản xuất sản phẩm này.
Từ tháng 4 tới đây, Việt Nam sẽ bắt đầu sử dụng loại vắc xin 5 trong 1 mới. Ảnh: Internet. |