Sau một thời gian nghiên cứu, Đại học Exeter (Anh) và Viện nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu Barcelona (thành viên Tổ chức Y tế Thế giới – WHO) đã đưa ra lời kêu gọi khắp Châu Âu nhằm giảm tình trạng phơi nhiễm ánh sáng xanh từ đèn LED.
Một trong những phần quan trọng của nghiên cứu này là bản phân tích chi tiết sự thay đổi hormone trong cơ thể 4.000 tình nguyện viên ở Tây Ban Nha, những người sống ở thành phố lớn, thường xuyên hoạt động về đêm và phơi nhiễm nặng với ánh sáng mạnh có quang phổ màu xanh từ đèn LED, các bảng hiệu, các thiết bị công nghệ. Nếu không bị điều chỉnh màu sắc (như ở các bảng hiệu), ánh sáng này khi nhìn bằng mắt thường sẽ có màu trắng.
Loại hormone bị ảnh hưởng nặng nề nhất là melatonin. Lượng melatonin tiết ra trong cơ thể những người này bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, melatonin lại đóng vai trò quan trọng việc điều chỉnh chu kỳ ngày – đêm của nồng độ sinh học, là một chất chống oxy hóa, kháng viêm tự nhiên cực mạnh của cơ thể.
Đi chơi đêm nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư do phơi nhiễm đèn Led. Ảnh minh họa |
Những thay đổi hormone này đã khiến nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở các tình nguyện viên nam tăng gấp đôi và nguy cơ ung thư vú ở các tình nguyện viên nữ tăng 1,5 lần.
Một số cộng đồng khác cũng được khảo sát thông qua các báo cáo dịch tễ và các hình ảnh ban đêm được chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế, để xác định các khu vực có ánh sáng ban đêm quá cao.
Tiến sĩ Manolis Kogevinas, đến từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu Barcelona, cho biết: "Cơ quan Quốc tế về Nghiên cứu ung thư của WHO đã phân loại công việc ca đêm là có thể gây ung thư cho con người. Có bằng chứng chỉ ra mối liên quan giữa phơi nhiễm với ánh sáng nhân tạo ban đêm với sự gián đoạn nhịp sinh học, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt".
Tiến sĩ Alejandro Sánchez de Miguel (Đại học Exeter) cho biết ánh sáng quang phổ xanh trong điện thoại di động và máy tính vào ban đêm cũng đưa đến nguy cơ tương tự.
Đầu tháng 4, nhiều quan chức y tế ở Châu Âu cảnh báo rằng loại đèn đường LED với ánh sáng mạnh đang được ưa chuộng ở nhiều thành phố có thể làm gián đoạn giấc ngủ của mọi người và làm hỏng thị lực. Hiệp hội Y khoa Mỹ cũng vừa kêu gọi các thành phố ở Mỹ sử dụng đèn LED ở cường độ thấp nhất có thể và có biện pháp che chắn để giảm độ chói.
Còn ở Anh, sau khi nghiên cứu trên được công bố, hàng chục hội đồng thành phố đang gấp rút lên kế hoạch thay thế đèn đường LED bằng loại đèn quang phổ màu cam truyền thống (đèn vàng).
Nhiều nghiên cứu trước đó cũng cho thấy, tình trạng ô nhiễm ánh sáng đã gia tăng trên toàn thế giới do sự phổ biến của đèn LED tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, vấn đề không phải là do những chiếc đèn này. Vấn đề ở đây là thế giới đang dần trở nên sáng hơn do đèn LED đang chiếu đến những nơi mà chúng ta trước kia cần chiều đèn. Và điều này gây ra những tổn hại đối với môi trường.
Các phát hiện được công bố trên tạp chí Science Advances cho biết diện tích các bề mặt ngoài trời được chiếu sáng bằng ánh đèn nhân tạo đang tăng trưởng với tốc độ 2,2% mỗi năm từ năm 2012 cho đến năm 2016.
"Sự phát triển mặt sáng chủ yếu diễn ra ở Nam Mỹ, Châu Phi và Châu Á". Thông tin trích ra từ bài báo cáo phân tích ánh sáng ban đêm sử dụng thiết bị đo phóng xạ. Nhà vật lí và tác giả chính của bài báo cáo, ông Chris Kyba cho hay: "Chúng ta đang thắp sáng cả những nơi mà trước kia chúng ta không chiếu sáng đến".
Các nhà nghiên cứu ghi nhận sự sụt giảm hiếm hoi ở những nơi bị chiến tranh tàn phá như Syria và Yemen; trong khi Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ, những tụ điểm sáng nhất thế giới, vẫn liên tục được thắp sáng một cách ổn định. Khi có quá nhiều ánh sáng sẽ có nguy cơ dẫn tới một số vấn đề mới. Bài báo cáo chỉ ra rằng phát xạ ánh sáng nhân tạo vào môi trường sẽ "tiếp tục gia tăng, làm xói mòn những phần đất có chu kì chiếu sáng đêm-ngày bình thường. Điều này rất đáng lo ngại do ánh sáng nhân tạo chính là một tác nhân ô nhiễm môi trường".
Bài báo cáo còn trích dẫn một nghiên cứu ngoài mà chỉ ra tác hại của ô nhiễm ánh sáng đến các loại động vật, thực vật và vi sinh vật sống vào ban đêm. Người ta còn lo ngại rằng ánh sáng nhân tạo còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Ánh sáng tác động đến đồng hồ sinh học của con người và làm ảnh hưởng đến chu kì ngủ. Khi con người thiếu ngủ sẽ dẫn đến nhiều các vấn đề sức khoẻ khác như tiểu đường, huyết áp cao, và trầm cảm.