Năm 2015, David Hole đang thực hiện tìm kiếm ở Công viên Vùng Maryborough gần Melbourne, Úc. Được trang bị máy dò kim loại, anh ta phát hiện ra một thứ khác thường - một tảng đá rất nặng, màu đỏ, bên ngoài lẫn một ít đất sét màu vàng.
Anh ta mang nó về nhà và thử mọi cách để đập vỡ tảng đá vì bản thân chắc chắn sẽ có một cục vàng bên trong tảng đá - bởi, dù sao thì Maryborough nằm ở vùng Goldfields, nơi cơn sốt tìm vàng của Úc lên đến đỉnh điểm vào thế kỷ 19.
Để khám phá bên trong tảng đá, David Hole đã thử cưa đá, máy mài góc, máy khoan, thậm chí ngâm thứ đó trong axit. Tuy nhiên, ngay cả một chiếc búa tạ khi đập vào tảng đá cũng không thể tạo ra tiếng.
Đó là bởi vì thứ mà người này đã rất cố gắng để khám phá không phải là vàng. Thứ đó thậm chí còn giá trị hơn vàng rất nhiều lần.
Gía trị thật của tảng đá Vì không thể mở được 'tảng đá', nhưng David Hole vẫn bị nó hấp dẫn, gây tò mò. Năm 2018, người này liền mang tảng đá đến Bảo tàng Melbourne để nhận dạng.
Nhà địa chất Dermot Henry của Bảo tàng Melbourne sau khi xem xét tảng đá và nói với David Hole rằng: "Anh hãy đứng vững nhé, vì thứ anh có được quý giá hơn vàng rất nhiều lần, đó là một thiên thạch cực hiếm!".
Nghe xong, David Hole không tin vào tai mình, bởi thứ anh có thể nghĩ chỉ là vàng bên trong.
Thiên thạch Maryborough nặng 17kg, dài 39cm, rộng 14cm, và cao 14cm.
Nói với The Sydney Morning Herald, nhà địa chất Dermot Henry cho biết: "Thiên thạch quý hiếm này có vẻ ngoài như được điêu khắc và có nhiều vết lõm như lúm đồng tiền. Điều đó được hình thành khi thiên thạch lao qua bầu khí quyển Trái Đất, sức nóng của bầu khí quyển tạo nên chúng (vết lõm)".
"Tôi đã nhìn rất nhiều tảng đá mà mọi người nghĩ là thiên thạch. Trên thực tế, sau 37 năm làm việc tại bảo tàng và xem xét hàng nghìn tảng đá, chỉ có hai trong số đó là thiên thạch thật" - nhà địa chất nói.
Và đây là một trong hai.
Một nhà địa chất khác của Bảo tàng Melbourne, Bill Birch, cho biết: "Nếu bạn nhìn thấy một tảng đá trên Trái Đất như thế này và khi bạn nhặt nó lên, nó sẽ không nặng như vậy. Thiên thạch rất nặng".
Ảnh: Bảo tàng Melbourne
Hành trình tỷ năm Các nhà nghiên cứu đã xuất bản một bài báo khoa học mô tả thiên thạch 4,6 tỷ năm tuổi, được họ gọi là Maryborough theo tên thị trấn gần nơi David Hole tìm thấy.
Nó nặng 17 kg, và sau khi dùng cưa kim cương để cắt một lát nhỏ, họ phát hiện ra thành phần của nó có tỷ lệ sắt cao, và nhận định tảng đá này là một vẫn thạch H5. [Vẫn thạch là phần còn lại của thiên thạch bị cháy một phần và rơi xuống Trái Đất].
Theo Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) xác định niên đại bằng carbon, thìthiên thạch Maryborough đã có mặt trên Trái Đất từ 100 đến 1.000 năm, và có một số lần nhìn thấy thiên thạch từ năm 1889 đến 1951 có thể tương ứng với sự xuất hiện của nó trên hành tinh của chúng ta.
Sau tảng đá được cắt ra, các nhà khoa học cũng có thể nhìn thấy những giọt khoáng kim loại kết tinh nhỏ trong suốt nó, cực đẹp được gọi là chondrules.
Hình ảnh chondrules tuyệt đẹp bên trong thiên thạch. Ảnh: CSIRO
Nhà địa chất Dermot Henry của Bảo tàng Melbourne cho biết: "Các thiên thạch mang đến cho con người cách thức khám phá không gian rẻ nhất. Chúng đưa chúng ta quay ngược thời gian, cung cấp manh mối về tuổi, sự hình thành và hóa học của Hệ Mặt Trời (bao gồm cả Trái Đất)".
"Một số cung cấp cái nhìn về bên trong sâu thẳm của hành tinh chúng ta. Trong một số thiên thạch, có 'stardust' thậm chí còn lâu đời hơn cả Hệ Mặt Trời của chúng ta, cho chúng ta thấy cách các ngôi sao hình thành và phát triển để tạo ra các nguyên tố của bảng tuần hoàn. Các thiên thạch quý hiếm khác chứa các phân tử hữu cơ như axit amin; các khối xây dựng của sự sống."
Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết thiên thạch đến từ đâu và nó có thể đã ở trên Trái Đất bao lâu, nhưng họ có một số phỏng đoán.
Hệ Mặt Trời của chúng ta đã từng là một thế giới hỗn loạn của bụi và đá chondrite. Cuối cùng thì lực hấp dẫn đã kéo rất nhiều vật chất này lại với nhau thành các hành tinh, nhưng phần còn lại hầu hết kết thúc trong một vành đai tiểu hành tinh khổng lồ.
Dermot Henry nói với Channel 10 News rằng: "Thiên thạch đặc biệt này có lẽ xuất phát từ vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc, và nó bị đẩy ra khỏi đó bởi một số tiểu hành tinh đâm vào nhau, rồi một ngày nó lao vào Trái Đất" .
Các nhà nghiên cứu cho rằng thiên thạch Maryborough hiếm hơn vàng rất nhiều. Nó là một trong 17 thiên thạch từng được ghi nhận ở bang Victoria của Úc, và nó có khối lượng chondritic lớn thứ hai, sau một mẫu vật khổng lồ nặng 55kg được xác định vào năm 2003.
Năm 2018, một thiên thạch đã mất 80 năm, qua 2 đời chủ nhân và một thời gian bị dùng làm vật chắn cửa - mới trở lại được đúng thân phận cao quý của nó.
Nếu vô tình tìm thấy tảng đá nặng, khó vỡ, rất có thể bạn đang năm trong tay một mỏ vàng!
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society of Victoria.