Nhiệt độ toàn cầu đã tăng vọt trong những năm gần đây. Đáng ngại là xu hứng đó không có dấu hiệu chậm lại. Dự báo từ năm 2023 - 2027, có tới 66% khả năng nhiệt độ hành tinh sẽ tăng lên trên mức 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất 1 năm của giai đoạn 5 năm sắp tới. Hiện nay, diện tích các sông băng ở trên Trái Đất là khoảng 16 triệu km2.
Mỗi năm, có một ít băng tan chảy vào đại dương. Theo các nhà khoa học, cần tới hàng trăm hoặc hàng nghìn năm để toàn bộ số băng trên Trái Đất chảy hết. Tuy nhiên, nếu các sông băng trên toàn cầu đều tan chảy hết chỉ sau một đêm thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Băng tan sẽ làm mực nước biển sẽ tăng lên 66 m. Với tình trạng này, các thành phố ven biển như Thượng Hải (Trung Quốc), New York (Mỹ) và London (Anh) sẽ bị nhấn chìm bởi trận lụt khổng lồ này. Điều này sẽ khiến 40% dân số trên thế giới bị mất nhà và xảy ra nhiều sự hỗn loạn ở trên mặt đất.
Kéo theo đó là nước biển dâng lên sẽ xâm nhập vào nguồn dự trữ nước ngầm nằm sâu trong đất liền, và tiến tới tầng ngậm nước ngọt ở gần đó. Đáng chú ý là tầng ngậm nước ngọt lại là nơi cung cấp nước uống, nước tưới tiêu và nước dùng cho hệ thống làm mát của nhà máy điện. Nhưng khi các sông băng trên toàn cầu đều tan chảy, tất cả tầng ngậm nước sẽ bị phá hủy.
Ngoài ra, nó còn làm rối loạn các dòng hải lưu và mô hình thời tiết. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, lũ lụt, núi lửa, động đất diễn ra thường xuyên và mạnh hơn.
Sự tan chảy của các sông băng trên Trái Đất sẽ "đánh thức" những loại virus cổ xưa đã bị đóng băng trong một thời gian dài. Đây sẽ là một mối hiểm họa đáng sợ cho nhân loại.