Theo PGS.TS.BS Vũ Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Nội tiết, Chuyển hóa, Di truyền và Liệu pháp Phân tử, Bệnh viện Nhi T.Ư, chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ có thể do một số nguyên nhân như suy dinh dưỡng, bị các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng…
Mức tăng trung bình khi trẻ bình thường, đủ dinh dưỡng và hormone cần thiết, là 4 - 7,0 cm/ năm. Ảnh tư liệu |
Mức tăng trung bình khi trẻ bình thường, đủ dinh dưỡng và hormone cần thiết là 4 - 7,0cm/ năm (tính từ sau 4 tuổi đến trước dậy thì 2 - 3 năm, khoảng 9 tuổi).
Dưới 5 tuổi, mức biến động chiều cao của trẻ lớn hơn nhiều, cụ thể là: 0 - 1 tuổi: tăng trung bình 25cm/năm; 1-2 tuổi: tăng trung bình 12cm/năm; 2 - 3 tuổi: tăng trung bình 8 cm/năm.
1000 ngày đầu đời được tính từ khi trẻ được mang thai cho đến 24 tháng tuổi là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai.
Tuy nhiên, ngoài những trẻ đạt được các mốc chiều cao phù hợp với độ tuổi, còn rất nhiều trẻ chưa đạt chuẩn chiều cao, thậm chí là kém tăng trưởng, thấp hơn nhiều so với con số cần có.
Nguyên nhân của chiều cao thấp có thể do sự khác nhau của thể trạng, do di truyền hoặc chiều cao thấp vô căn.
Theo PGS.TS.BS Vũ Chí Dũng, chiều cao thấp còn cảnh báo một số bệnh lý về dinh dưỡng như cung cấp năng lượng thiếu, hấp thu kém, viêm ruột mạn tính; bệnh lý về nội tiết như thiếu hụt GH đơn thuần hoặc kết hợp thiếu nhiều hormone tuyến yên, suy giáp bẩm sinh, hội chứng Cushing, dậy thì sớm, suy cận giáp...
Trong đó, nguyên nhân bệnh lý thiếu hormone tăng trưởng GH với tỷ lệ rất thấp 1/4000 – 1/10.000, nhưng lại là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra chậm tăng trưởng ở trẻ và rất khó nhận biết sớm.
Theo PGS.TS.BS Vũ Chí Dũng, bên cạnh xét nghiệm, chẩn đoán trẻ thiếu hụt hormone tăng trưởng còn dựa vào các biểu hiện ra bên ngoài.
Ở giai đoạn sơ sinh, những triệu chứng bao gồm hạ glucose máu, vàng da kéo dài, dương vật nhỏ ở bé trai.
Còn đối với trẻ lớn, tình trạng thiếu hormone có biểu hiện u sọ hầu, các u khác của não,…
Bệnh viện Nhi T.Ư từng tiếp nhận là bệnh nhi sơ sinh có dấu hiệu vàng da kéo dài, xuất hiện từ ngày thứ 5 sau sinh và nhập viện trong tình trạng vàng sẫm toàn thân, tăng cân chậm (200g/1,5 tháng), da khô, táo bón.
Sau các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị hormone thay thế, trẻ có thể đuổi kịp tăng trưởng và duy trì tốc độ tăng trưởng bình thường, đạt đỉnh tăng trưởng tuổi dậy thì, đạt chiều cao trưởng thành và chuyển hóa.
PGS.TS.BS Vũ Chí Dũng khuyên, bên cạnh chế độ dinh dưỡng và hoạt động vận động, một bí quyết để tăng chiều cao cho bé là đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc và đúng tư thế. Điều này sẽ có lợi cho sự phát triển và tăng trưởng chiều dài xương.
Nếu nghi ngờ trẻ có vấn đề về tăng trưởng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa Nội tiết Nhi để được chẩn đoán và điều trị chính xác. Ảnh minh họa |
Tuyến yên tiết ra hormone tăng trưởng GH cả ngày, nhưng vào ban đêm, lượng hormone này được giải phóng cao hơn gấp nhiều lần; thậm chí đạt cao nhất nếu trẻ đi ngủ trong “khung giờ vàng” là từ 21 giờ tối đến 2 giờ khuya và từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng.
Bên cạnh đó, nếu trẻ ngủ ở tư thế thoải mái, cơ thể thả lỏng hoàn toàn, xương và sụn không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ áp lực hay sức ép nào thì sẽ rất có lợi cho sự phát triển của chiều cao.
Nếu nghi ngờ trẻ có vấn đề về tăng trưởng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa Nội tiết Nhi để được chẩn đoán và điều trị chính xác, không tự ý sử dụng các hormone tăng trưởng khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
(Nguồn: VTV24)