Mùa hè nên người người, nhà nhà đều có kế hoạch đi du lịch biển. Tuy nhiên, khi đi tắm biển, mọi người thường chỉ chú ý đến vấn đề chống nắng cho da, chứ ít chú ý đề phòng các sinh vật biển tấn công người như nhum biển, cá mặt quỷ “tấn công” có thể gây nguy hiểm. Thậm chí nhiều người còn lúng túng chưa biết cách xử trí khi không may gặp phải những tai nạn này.
Nguy cơ từ sứa, nhum, hàu, cá mặt quỷ...
TS Nguyễn Kiêm Sơn, nguyên cán bộ Viện Sinh thái & Tài nguyên Sinh vật cho biết: Khi đi biển về nhiều người hay than vãn bị ngứa. Ngứa có hai nguyên nhân, một là do tắm ở vùng biển bị ô nhiễm, nước biển bị ô nhiễm sẽ khiến da bị mẩn, ngứa. Một nguyên nhân khác là do bị sinh vật biển tấn công mà loài phổ biến nhất là sứa. Sứa có nhiều loại, trong đó có loại có chứa độc tố rất mạnh gây mẩn ngứa, phồng rộp, rát như phải bỏng, thậm chí sưng viêm. Trường hợp nặng nếu không được xử trí, tổn thương sẽ tiếp tục phát triển, gây đau nhức hơn, xuất hiện co giật cơ tại chỗ, có thể kèm sốt.
Theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, các rạn san hô luôn là địa điểm nhiều người ưa thích khám phá, bởi vẻ đẹp của chúng. Tuy nhiên, xung quanh san hô là nơi sinh sống, ẩn nấp của rất nhiều loài sinh vật biển nguy hiểm như nhum biển (mà nhiều người hay gọi là nhím biển, hay cầu gai), cá mặt quỷ... Nhum biển vốn là loài sinh vật có thể chế biến làm các món ăn bổ dưỡng, tuy nhiên, nhum biển có rất nhiều gai. Khi dẫm phải nhum biển, chúng ta rất dễ bị một đoạn gai của nó cắm sâu vào da thịt, gây tê buốt vô cùng, thậm chí thâm tím một vùng da quanh chỗ gai đâm và rất khó để nhổ gai ra.
Tương tự, cá mặt quỷ, loài sinh vật biển được mệnh danh là chúa tể nọc độc. Loài sinh vật biển này có chứa nọc độc ở vây lưng. Khi đâm vào da người, chất độc của nó sẽ nhanh chóng tác động đến hệ vận động, hệ thần kinh và cơ trơn của tim người, vì thế, có người sau khi bị cá mặt quỷ tấn công đã bị ngất, thậm chí có người bị tử vong. Ngay sau khi bị gai vây lưng của cá mặt quỷ đâm phải, vùng vết thương trở nên bầm tím hoặc đỏ, sưng phù, nóng, nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ dẫn đến bội nhiễm, thậm chí hoại tử cục bộ.
Trong trường hợp nhiễm độc nặng, nạn nhân có thể bị suy giảm nhịp tim, sốt, co giật, tay chân lạnh, nôn mửa, rối loạn hô hấp hoặc ngất xỉu và có thể tử vong. Điều đáng nói loài cá này trông rất xù xì và có hình dáng giống như những hòn đá biển, nên người đi biển rất dễ bị nhầm lẫn.
Ảnh minh họa. |
Xử trí đúng cách phòng biến chứng
TS Nguyễn Kiêm Sơn khuyến cáo, người dân đi du lịch biển nên tắm ở những vùng biển có đông người tắm, không nên tắm ở những vùng biển lạ. Khi đi ngắm san hồ cần đeo kính, chân vịt... và phải tuân thủ đúng hướng dẫn của các kỹ thuật viên. Ngoài ra, khi đến bất cứ vùng biển nào cũng phải tìm hiểu kỹ về vùng biển đó cũng như cách ứng xử với những sự cố khi gặp phải.
Ví dụ, đối với loài nhum biển, theo người dân địa phương, khi bị dính phải gai nhum biển có thể dùng nước tiểu (có amoniac) hoặc chanh (có axit) bôi, thoa vào để làm tan gai. Trong khi chờ người đi lấy chanh, giấm hay nước tiểu, cần táp nước biển vào vết thương nhưng không được cọ xát. Chú ý không dùng nước ngọt hay nước nóng. Khi loại bỏ gai cần chú ý không để gai đâm vào tay, nếu cần có thể đeo găng tay.
Đối với vết thương do sứa, theo ThS.BS Nguyễn Thị Thảo, Phòng khám Da liễu Beauty Clinic, Hà Nội, ngay khi bị đốt có thể dùng nước biển để rửa bớt độc tố còn sót lại trên da, sau đó dùng ngay phấn rôm hoặc bột tale để thoa lên vết đỏ. Ban ngày có thể bôi hồ nước để làm khô vết thương; buổi tối nên bôi thuốc mỡ có chứa thành phần
corticoide, ví dụ như eumovate, clorocid-H, hay hydrocortizol cho trẻ em, beproson cho người lớn. Trường hợp nặng, đau rát quá mức, loét hay phồng rộp cần đi bác sĩ khám để được kê thuốc uống kháng histamin. Đối với cá mặt quỷ, thậm chí độc tính của chúng có thể tồn tại nhiều ngày sau khi cá chết. Do đó, cần hết sức thận trọng khi tiếp xúc với chúng. Nếu không may bị các gai vây của chúng đâm chích phải, nên đến ngay các cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được chăm sóc, chữa trị đúng cách, tránh bội nhiễm, hoại tử hoặc các triệu chứng nguy hiểm khác.
Theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, những khu vực bờ đá ven biển là nơi rất nguy hiểm bởi đấy là khu vực mà con hà, con hàu hay sinh sống. Những con vật này có lớp vỏ màu rêu đá, sù sì sắc bén, thường bám lẫn vào các bờ, kè đá, rất khó để ý thấy khiến chúng ta dễ dẫm vào dẫn đến chảy máu.