Nhân viên khu bảo tồn đất ngập nước (Ramsar) Láng Sen vừa giăng lưới bắt được một số con cá lù đù (còn gọi là cá đù), vốn sống ở vùng biển gần bờ.
Trao đổi với báo chí, ông Trương Thanh Sơn - giám đốc khu Ramsar Láng Sen cho biết, chuyện cá biển xuất hiện ở Đồng Tháp Mười này là chuyện chưa từng có và rất khó hiểu. Vì cá lù đù là loài cá nước mặn, sống ở biển ven bờ hoặc vùng cửa sông. Trong khi khu Ramsar Láng Sen nằm sâu trong Đồng Tháp Mười.
Theo ông Sơn, từ Láng Sen, con đường gần nhất từ biển cá có thể bơi vào là theo sông Vàm Cỏ Tây, qua các dòng kênh nhỏ, dài hơn 150 km và chỉ toàn... nước ngọt.
Không chỉ cá lù đù mà một số loài thực vật chịu mặn như dừa nước, bồn bồn... cũng đã xuất hiện tại khu Ramsar Láng Sen. Trong khi, các chỉ số quan trắc về môi trường nước tại khu Ramsar Láng Sen vẫn chưa thấy dấu hiệu bất thường về độ mặn.
Con cá lù đù bắt được tại khu Ramsar Láng Sen. |
Trước hiện tượng trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 2/7, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết: "Đây đúng là một hiện tượng lạ. Theo nguyên tắc cá biển và cá sống nước mặn là 2 loại khác nhau, dựa theo độ xác suất thẩm thấu. Nhưng trên thực tế, chỉ trừ một số loại đã tiến hóa như cá trình, cá hồi, mới có thể thích nghi được với vùng nước ngọt hoàn toàn, còn hầu hết các loài cá biển khi vào vùng nước này đều không thể sống sót.
Trước đây, cũng có những loài sống ở biển trôi dạt vào vùng nước ngọt như cá voi, nhưng lại rất ít. Nhiều loại cứ vào là chết.
Còn cá lù đù dưới biển, phát hiện trong nước ngọt mà vẫn sống, chỉ có thể là 2 lý do: Một là, quá trình mặn hóa vùng Đồng Tháp Mười đang diễn ra nhanh chóng. Để khẳng định chắc chắn thì phải có mẫu, phân tích nguồn nước.
Hai là, cần phải có mẫu xác định rõ đây có phải cá lù đù hay không, vì đôi khi ngoài hình thức có thể giống, nhưng thực tế không phải. Vì mỗi nơi lại đặt tên cho các loại cá khác nhau, như cá mú - cá song là một, nhưng mỗi nơi gọi một loại tên, bản thân nó là loại cá sống dưới rạn san hô".
Trong khi đó, ông Vũ Đình Đáp - Chủ tịch Hiệp Hội cá ngừ Việt Nam lại cho rằng, chuyện cá ngoài biển dạt vào trong bờ vẫn luôn xảy ra, như cá voi, cá ngừ vây xanh xuất hiện ở vùng biển Việt Nam, ngư dân đánh bắt được. Đó cũng là các hiện tượng lạ, nhưng vẫn thường xuyên xuất hiện.
"Việc cá lù đù trôi vào vùng Đồng Tháp Mười, có thể là do cá bị dòng nước đẩy vào, mải đi theo mồi thức ăn, đưa vào vùng ven bờ, bởi vì, nó không xác định được về địa lý như con người, nên chuyện bị lạc hoặc biến đổi thời tiết, môi trường, sẽ khiến nó di cư là giả thiết hoàn toàn có thể đưa ra", ông Đáp giải thích.
Nhưng để đánh giá đây có phải hiện tượng lạ, các nhà khoa học cần vào cuộc đánh giá hay không thì cần phải lấy mẫu, xét nghiệm nguồn nước vùng Đồng Tháp Mười, để đưa ra thêm những nhận định cụ thể, chi tiết hơn.