Nếu như trước đây giới khoa học chỉ nhận thấy mối liên hệ giữa tiêu thụ thịt đỏ và nguy cơ ung thư thì hiện các nhà nghiên cứu đến từ Đại học California phát hiện phân tử đường Neu5Gc trong loại thịt này là nguyên nhân làm tăng nguy cơ đối diện với ung thư.
|
Khi được tiêu thụ, các phân tử Neu5GC trong thịt đỏ dễ bị mắc kẹt tại các mô, gây nên tình trạng viêm mãn tính, thậm chí là ung thư. |
Phát hiện được công bố trên Tạp chí Proceedings, Viện Hàn lâm Khoa học. Trong nghiên cứu, các chuyên gia tiến hành phân tích ảnh hưởng của Neu5Gc đối với chuột. Được biết, những con chuột này có chung đặc điểm là không thể sản sinh Neu5Gc tự nhiên giống như ở người. Kết quả phân tích cho thấy, những con chuột tiêu thụ nhiều thịt đỏ dễ đối diện với ung thư nguy hiểm.
Khi đi vào cơ thể, các phân tử Neu5Gc dễ bị kẹt trong các mô, khiến hệ miễn dịch nhận ra chúng như một mối đe dọa. Từ đó, sản xuất kháng thể để ngăn ngừa. Tình trạng này lặp đi lặp lại dẫn đến viêm mãn tính, tăng nguy cơ hình thành khối u.
Điều đặc biệt, các loài động vật ăn thịt khác cũng ăn thịt đỏ song không đối diện với nguy cơ này bởi hệ miễn dịch của chúng không bị kích hoạt do đường Neu5Gc có sẵn trong cơ thể.
Các nhà nghiên cứu cũng tiến hành phân tích các loại thịt phổ biến. Tại đây, họ xác định thịt cừu, thịt lợn và thịt bò chứa thành phần Neu5Gc cao hơn cả.
Dù tiềm ẩn nguy cơ ung thư song các nhà khoa học khẳng định không nên “tẩy chay” thịt đỏ. Nó vẫn được coi là nguồn bổ sung dinh dưỡng dồi dào.
Cụ thể, thịt đỏ giàu protein, vitamin và khoáng chất. Để có lợi cho sức khỏe, không nên ăn quá 70g một ngày, tương đương với 3 lát thịt lợn, một miếng thịt cừu hoặc 2 lát thịt bò nướng mỗi ngày.