Gia truyền
Thôn 6, xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) có 35 hộ dân người Giẻ Triêng sinh sống. Ngôi làng ở dưới đỉnh núi Ngọc Linh cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Thôn 6 được biết đến là nơi xa nhất huyện miền núi này.
Từ trung tâm huyện theo đường mòn Hồ Chí Minh khoảng 5km khi đến dưới chân đèo Lò Xo - nơi giáp ranh tỉnh Kon Tum có một con đường rẽ vào. Từ đây, chúng tôi vượt quãng đường dốc dựng đứng băng qua các ngọn đồi. Sau gần một giờ thôn 6 hiện ra.
Ngôi làng với những nếp nhà gỗ ẩn mình giữa núi rừng giống như một Đà Lạt thu nhỏ. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ nên rau quả trồng được quanh năm, trên rừng có nhiều loài hoa sinh trưởng. Đời sống người dân đang phụ thuộc vào thiên nhiên là chủ yếu, thế nhưng cuộc sống khá giả hơn so với các ngôi làng khác trong xã.
Đơn cử như gia đình anh Hồ Văn Thước. Ngôi nhà làm bằng gỗ rộng hơn 100 m2 khang trang, nền nhà lát gạch hoa sáng bóng và nhiều tài sản có giá trị khác. “Tài sản này từ khai thác mật ong mà ra, chứ ở vùng núi rừng xa xôi này lấy đâu ra tiền để làm?”, anh Thước khoe.
Một tổ ong đóng trong bộng cây |
Để chứng minh lời nói của mình, anh Thước mang bốn can đựng hơn 30 lít mật ong. Anh bảo rằng, đây là mật ong rừng nguyên chất được lấy về cách đây mấy tháng nhưng đang cất trữ trong nhà. Loại mật này để được lâu ngày mà không hư hỏng.
Theo anh Thước, chờ Tết Nguyên đán sẽ bán chúng, bởi thời điểm này nhiều người mua làm quà biếu nên giá đắt hơn. “Ngày thường bán với giá 400.000 đồng mỗi lít nhưng cận tết bán hơn 500.000 đồng, có lúc “cháy hàng” giá bán cao hơn”, anh chia sẻ.
Anh Thước hiện giữ chức vụ phó thôn 6 nhưng cũng giống như người dân trong làng cứ đến mùa ong làm tổ là bắt đầu hành nghề. Anh kể, quanh ngôi làng, rừng nguyên sinh bao phủ, bạt ngàn cây cổ thụ sinh sống.
Anh bật mí câu chuyện rằng, từ nhiều đời này người Giẻ Triêng giữ gìn nghề bắt ong và truyền tay nhau, người lớn tuổi chỉ cho người nhỏ. “Cách bắt ong của chúng tôi khác hoàn toàn với những nơi khác. Họ bắt những tổ ong trong rừng treo lơ lửng trên những cành cây, để bắt được chúng phải mất nhiều ngày tìm kiếm. Khi phát hiện tổ ong, họ phải leo lên để bắt, có nhiều người rơi xuống tử vong, còn người Giẻ Triêng dụ ong về gần nhà làm tổ và khai thác mật”, anh Thước nói và chia sẻ cách bắt này dễ dàng, không ảnh hưởng đến tính mạng.
Bản thân Thước cũng không nhớ cách lấy mật này có từ bao giờ, khi anh lớn lên theo cha đi lấy và được truyền lại. Anh có kinh nghiệm rằng, cuối mùa xuân ong bắt đầu làm tổ - loại ong mật có đặc tính chọn những cây thân bị mục rỗng, tạo thành bộng rồi chui vào ở. Biết được đặc điểm này, người Giẻ Triêng đục cây tạo thành bộng làm nhà cho ong.
Quanh làng có những cánh rừng cổ thụ, mỗi người dân chọn những thân cây có đường kính gần 1m để đục. Ở mỗi cây, họ dùng dụng cụ đục một lỗ vào thân sâu từ 25 đến 30 cm, cách mặt đất 0,5 m. Khi công việc này hoàn thành, họ dùng những hòn đá mỏng rồi bịt lại và để một lỗ nhỏ bằng ngón tay cho chui ra, chui vào.
Người dân khai thác mật ong đưa về nhà lọc cặn bã qua vải |
“Ra Tết âm lịch chúng bắt đầu đục bộng cây, còn bộng nào làm trước thì sửa sang lại chờ ong đến làm tổ. Đầu tháng 4 ong từ rừng sâu bay đến và chúng ở lại”, anh Thước nói và cho hay đang sở hữu hơn 50 bộng cây tập trung gần nhà, nơi xa nhất đi bộ khoảng 30 phút.
Anh Thước không gần ngại cho chúng tôi xem cách làm bộng ong. Anh dẫn ra khu rừng cách nhà khoảng 100m và tìm đến những cây cổ thụ. Ở đó anh gỡ từng hòn đá xuống thì phía trong một tổ ong làm được bốn tầng với hàng ngàn con đang cần mẫn xây tổ. Khi xem xong, anh Thước đậy lại.
“Đây là một tổ ong cuối mùa con sót lại nên mật không còn nhiều và tôi không bắt mà để chúng nuôi con lớn. Sau đó, chúng bỏ tổ bay về lại rừng sâu, sang năm chúng quay lại”, anh chia sẻ và thông tin mỗi năm ong làm mật từ tháng 4 đến 6 là hết.
Kỹ nghệ đục bộng
Tương tự, ông Hồ Văn Cân (70 tuổi) đang sở hữu hơn 30 bộng ong. Vị già làng này cho hay, việc làm tổ để ong vào ở cần có kinh nghiệm. Theo ông Cân, trước hết chọn cây cổ thụ cao nhất trong rừng để đục bộng. Loại ong có đặc tính khi tìm nơi làm tổ thì ong dẫn đường đi trước, chúng bay trên cao rồi sà xuống ngọn cây. Sau đó, chúng bay xuống gốc và tìm chỗ, khi phát hiện ra bộng sẽ về kéo cả tổ đến ở.
“Một đặc điểm quan trọng là trước khi chọn đục bộng phải chọn những cây không có nước chảy ra. Loại ong mật sẽ không ở khi thân cây rỉ nước, do đó người làm nghề phải biết cây nào không có nước, cây nào có nước để đục”, ông Cân tâm sự và cho biết thêm người thợ phải lưu ý khi đục làm sao không để cây chết.
Trước khi đục phải chọn cây có thân to, khi đục vào tỷ lệ xâm hại đến thân rất ít nên chúng sẽ sinh trưởng phát triển bình thường. Ngoài ra, để ong biết nơi tìm đến thì việc dùng hòn đá bịt phía ngoài rất quan trọng. Người thợ phải chọn những hòn đá bỏ vừa lỗ của bộng và khi lắp vào bề mặt bằng phẳng với thân cây. “Đàn ong sẽ tự tìm về tổ như tìm về chính ngôi nhà mình rồi làm mật, còn bị tác động của nước thì chúng bỏ đi liền”, ông Cân tiết lộ.
Ở ngôi làng của người Giẻ Triêng có một tập tục không lấy trộm của nhau. Người dân nơi đây ý thức việc bộng cây của người nào đục thì người đó sở hữu. “Đây là phong tục nhiều đời nay và chưa lần nào người dân trong làng bị mất trộm bộng ong, chỉ khi người nơi khác đến mới có việc này xảy ra”, vị già làng nói thêm.
Nghề đục cây cho ong làm tổ tồn tại ở thôn 6 đã góp phần giữ rừng ở xã Phước Lộc. Quanh ngôi làng những cây cổ thụ không bị chặt phá nên ong về làm tổ nhiều hơn. “Để mất rừng thì người dân sẽ hết nguồn thu lớn nên trong làng quyết giữ những cánh rừng nguyên sinh. Khi ai xâm phạm đến sẽ bị người dân ngăn cản, do đó cánh rừng nguyên sinh ở đây tồn tại và ngày càng phát triển”, ông Cân bộc bạch.
Trong thôn 6 - ông Hồ Văn Yên có nhiều bộng ong nhất làng. Ông đục khoảng 200 cái, mỗi vụ ong về thu trên 300 lít mật, với số tiền hơn 100 triệu đồng.
“Mỗi năm ong làm mật, người dân trong thôn thu về khoảng 1.000 lít mật, giá bán bình quân 400.000 đồng một lít, thu về gần nửa đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với bà con, bởi cuộc sống nhờ vào nương rẫy, làm chỉ đủ ăn. Ngoài ra nằm ở vùng cao hẻo lánh này sản phẩm làm ra không biết bán cho ai, nếu không có nghề đục bộng ong thì nghèo khổ đeo bám”, ông bày tỏ.