Khoa học có thể lý giải được cho hầu hết mọi điều kỳ lạ mà bất cứ ai từng thấy. Nhưng khi nói đến những hiện tượng thần bí, siêu nhiên, những giải thích khoa học đôi khi còn “hại não” hơn cả những huyền thoại.
Hiệu ứng cử động tiềm thức và hoạt động của bảng cầu cơ
Khi bạn cùng bạn bè đặt ngón tay lên chiếc chén nhỏ trên bảng cầu cơ và thấy nó di chuyển, thì điều đó thực sự xảy ra. Bạn không cần phải dùng mưu mẹo để đẩy nó đi. Chiếc chén nhỏ đó thực sự di chuyển và những người đặt ngón tay lên nó thực sự tin rằng họ không làm gì cả.
Cuộc sống có những điều diễn ra thật thần bí mà chúng ta không giải thích được. |
Tuy nhiên, thực ra là họ có làm. Chỉ là họ không nhận ra mà thôi. Điều này được gọi là “hiệu ứng cử động vô thức” và có một thí nghiệm thú vị mà bạn có thể tự thử làm ở nhà.
Hãy treo một quả cân lên sợi dây, đu đưa nó và cố gắng giữ cánh tay hoàn toàn đứng yên. Sau đó, hãy tự hỏi một câu nào đó và tự nhủ rằng quả cân đó sẽ xoay theo chiều kim đồng hồ nếu câu trả lời là “có” và ngược chiều kim đồng hồ nếu câu trả lời là “không”. Như một phép màu, quả cân sẽ đổi hướng để trả lời câu hỏi của bạn và bạn thực sự tin rằng mình không làm gì cả.
Thí nghiệm này thực hiện được vì cơ thể chúng ta tạo ra những chuyển động nhỏ, tiềm thức. Khi bạn tự hỏi mình một câu hỏi, tiềm thức của bạn sẽ trả lời câu hỏi và kín đáo cử động các cơ mà bạn không nhận ra. Các cơ nhỏ ở ngón tay sẽ chuyển động để trả lời những câu hỏi của bạn và có vẻ như bạn thích quả cân tự chuyển động hơn.
Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn sử dụng bảng cầu cơ. Tiềm thức của bạn kín đáo di chuyển chiếc chén và với bạn, dường như nó tự di chuyển.
Thí nghiệm giả dược của Henri IV và phép trừ tà
Bị quỷ ám có vẻ là lời giải thích khá dễ dàng. Trong nhiều năm, chúng ta đã hiểu sai về bệnh tâm thần phân liệt, động kinh và vô số các vấn đề tâm thần khác và tin rằng những người đó bị ma quỷ ám. Nhưng nếu đúng như vậy thì điều gì đã diễn ra với các phép trừ tà? Nếu tất cả những người bị ám này chẳng qua chỉ là bị tâm thần phân liệt, thì tại sao việc các linh mục tụng kinh bằng tiếng Latinh lại có thể chữa trị cho họ?
Có vẻ như câu trả lời nằm trong tâm trí của chính chúng ta. Vào cuối thế kỷ 16, Vua Henri IV đã thành lập một hội đồng gồm những người bình thường để thực hiện thí nghiệm trên một người phụ nữ tuyên bố là bị quỷ ám. Họ nói với cô ấy rằng họ là linh mục, những người sẽ thực hiện phép trừ tà cho cô. Sau đó, các linh mục “giả” đã làm giả phép trừ tà và nó có tác dụng.
Đầu tiên, họ đưa cho cô gái uống nước thánh lấy từ một nhà thờ. Họ đổ nó vào một chiếc cốc bình thường và đưa nó cho cô gái uống, báo trước rằng đó chỉ là nước bình thường. Nước thánh thực sự không có tác dụng gì với cô gái. Nhưng khi họ rót nước thông thường vào cô và nói với cô ấy rằng đó là nước thánh từ nhà thờ, thì người phụ nữ co giật trong đau đớn.
Sau đó, họ đặt một miếng sắt lên người cô gái và nói rằng đó là di tích của cây thánh giá thật sự. Cô gái bắt đầu lăn lộn đau đớn trên sàn. Họ cũng đọc một cuốn sách bằng tiếng Latinh và giả vờ rằng đó là Kinh Thánh. Một lần nữa, họ khiến người bệnh hoảng sợ, mặc dù thứ họ đọc chỉ là tác phẩm Aeneid của Virgil.
Người phụ nữ không nhất thiết phải giả vờ phản ứng của mình. Tất cả đều nằm trong tâm trí cô. Và hầu như ai cũng có thể tin rằng loại phép thuật này ảnh hưởng đến họ. Gần đây, một nhóm các nhà tâm lý học đã ngồi cùng với những người hoài nghi và cố gắng thuyết phục họ rằng chuyện ma ám là có thật. Cuối cùng, 18% số đối tượng không chỉ tin vào ma quỷ mà còn bị thuyết phục rằng họ đang bị ám.
Tử vi và hiệu ứng Forer
Một người đàn ông tên Michael Gauquelin đã từng chạy một quảng cáo cung cấp phân tích cá nhân miễn phí về tính cách của bất kỳ ai hoàn toàn dựa vào dấu hiệu chiêm tinh của họ. Tất cả những gì bạn phải làm là gửi ngày sinh và anh ta sẽ trả lại một bản giải đoán về con người thực sự của bạn. Thật đáng kinh ngạc, 94% những người đăng ký nói rằng anh này đã mô tả họ chính xác một cách hoàn hảo.
Điều này lạ lùng ở chỗ Gauquelin gửi bản phân tích giống hệt nhau cho tất cả mọi người. Những giải đoán của anh ta về tính cách không thực sự dựa trên lá số tử vi của họ. Anh ta chỉ sử dụng một vài dòng chung chung, mơ hồ và nó đủ để gây ấn tượng với hầu như tất cả mọi người.
Đây được gọi là “hiệu ứng Forer”, là sự sẵn sàng của tâm trí chúng ta để tin rằng hai sự kiện không có dây mơ rễ má gì lại có liên quan. Nó được đặt theo tên của Bertram R. Forer, người đã thực hiện một thí nghiệm tương tự.