* 'Phù Đổng' bất động sản công nghiệp KCN Việt Nam thua lỗ
* Lộ diện đại gia đứng sau rót vốn cho Tập đoàn KCN Việt Nam
Chỉ mới gần 4 năm tuổi, song Tập đoàn KCN Việt Nam của bà Ngô Thu Thúy đã “thu thập” được 250 ha đất với 9 dự án khu công nghiệp. Ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, "hệ sinh thái" của bà Thúy còn khá rộng lớn đặc biệt với ngành huyết mạch của nền kinh tế là Ngân hàng, hay vận tải biển, giáo dục…
Bà Ngô Thu Thúy chính là một trong 3 cổ đông sáng lập (cùng chồng và con trai) của Tập đoàn KCN Việt Nam đóng góp tổng cộng 20 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 1.140 tỷ đồng. Còn KCN Vietnam Private Limited (Singapore) rót vào 94,6% vốn với 1.078 tỷ đồng.
Ngoài KCN Việt Nam, bà Ngô Thu Thúy và ông Nguyễn Đức Hinh còn đại diện các doanh nghiệp như CTCP Hiếu Đức, CTCP Việt Nam Living, CTCP Thiên Hương Riverdale, CTCP JJN, CTCP KCN Management, Quỹ hỗ trợ Phát triển Công nghệ, CTCP 4Gamers, CTCP THS Game, CTCP KCN Hà Nội, CTCP KCN TPHCM, CTCP Quản lý và Dịch vụ KCN, CTCP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương...
Bà Ngô Thu Thúy, Chủ tịch HĐQT Âu Lạc |
Trong đó, CTCP Quản lý và Dịch vụ KCN có vốn điều lệ 10 tỷ đồng do ông Nguyễn Đức Hinh (nắm 90% vốn) và con gái là Nguyễn Thiên Hương (5%) vừa là người đại diện pháp luật và cũng là cổ đông sáng lập tại đây.
Ngoài ra, một doanh nghiệp cũng khá nổi tiếng với dự án Làng giáo dục Quốc tế nghìn tỷ là CTCP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương do bà Thúy là người đại diện pháp luật. Chúng tôi sẽ thông tin chi tiết về dự án Làng giáo dục Quốc tế ở bài sau.
Điều đáng nói, CTCP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương hiện đang sở hữu tới 58,5 triệu cổ phần Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), tương ứng 1,31%. Người có liên quan đến cổ đông tổ chức này còn nắm hơn 107,7 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 2,41% tại ACB.
Bên cạnh đó, hai người con của bà Thuý là Nguyễn Thiên Hương Jenny và Nguyễn Đức Hiếu Johnn sở hữu tổng cộng 2,41% vốn ACB. Sở hữu cổ phần của người có liên quan 2 cổ đông cá nhân này cũng lên tới gần 5,4% ACB.
Như vậy, 3 cổ đông liên quan đến doanh nhân Ngô Thu Thúy nắm trên 3,7% vốn điều lệ ACB, tương ứng trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Còn tính sở hữu cổ phần của người có liên quan trong nhóm bà Thúy lên tới 7,78% tại ACB.
Cổ đông sở hữu trên 1% tại ACB |
Trước khi đầu tư cổ phiếu ACB, CTCP Âu Lạc nơi bà Thúy làm Chủ tịch HĐQT hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đường thủy nhưng lại đầu tư vào Eximbank (EIB). Vào năm 2018, CTCP Âu Lạc đã mua 3,7 triệu cổ phần EIB với giá 53,6 tỷ đồng. Có thời điểm, bà Thúy là cổ đông nắm tới gần 5% vốn tại Eximbank và nữ doanh nhân từng giữ vị trí cố vấn cấp cao HĐQT Eximbank vào năm 2015. Ông Lê Minh Quốc - cựu Phó Chủ tịch HĐQT Âu Lạc giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank từ cuối năm 2015 đến tháng 5/2019. Một thành viên HĐQT khi đó là ông Nguyễn Thanh Tùng cũng là cựu Thành viên HĐQT Âu Lạc.
Sau khi bán cổ phần EIB, từ đầu năm 2022, Âu Lạc bắt đầu chi hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phiếu ACB. Nhưng từ năm 2023 đến đầu năm 2024, Âu Lạc bán dần số cổ phiếu nắm giữ tại ACB và cuối cùng đã thoái vốn hoàn toàn khỏi đây.
Tuy nhiên, danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ mà ACB công bố ngày 10/9/2024 lại thấy sự xuất hiện của bà Ngô Thu Thúy như trên.
Còn về CTCP Âu Lạc, doanh nghiệp này làm ăn khá tốt khi năm 2023 doanh thu đạt mốc 1.217 tỷ đồng, tăng 42% so năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh 47% lên 197 tỷ đồng.
Còn 6 tháng 2024, lợi nhuận sau thuế của Âu Lạc đạt con số 171 tỷ đồng, tăng 88% so cùng kỳ. Âu Lạc có vốn điều lệ 564 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2024, với tổng tài sản 2.546 tỷ đồng, vay nợ tài chính 985 tỷ đồng.
Như vậy, trước khi gia nhập sân chơi bất động sản khu công nghiệp cùng “trợ lực” từ nước ngoài, gia đình bà Thúy đã có thâm niên trong ngành vận tải biển và “khuynh đảo” cổ phiếu ngân hàng.
(Còn tiếp)...
Kỳ tới: Sở hữu dự án nghìn tỷ, Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương làm ăn ra sao?