Chứng khoán BSI cho rằng, kết quả quý 1/2023 không gây nhiều bất ngờ, phản ánh sự thận trọng từ kế hoạch kinh doanh 2023, tuy nhiên các chính sách hỗ trợ được liên tiếp ban hành thời gian qua có thể là yếu tố thay đổi cục diện ngành.
Tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,1% sau 1Q2023 nhưng có nhiều tín hiệu để kỳ vọng trong các quý sau
Sau 2022 tăng trưởng tín dụng nóng, NHNN đã thận trọng hơn trong việc cấp hạn mức 2023 cho các ngân hàng (hạn mức lần 1 hầu hết giao động 9-10%). Điều này xuất phát từ việc lãi suất tăng cao vào cuối 2022 và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy yếu khi các doanh nghiệp nhìn chung hạn chế mở rộng SXKD trong bối cảnh thiếu vắng đơn hàng và tiêu dùng ảm đạm.
BSC nhận thấy các ngân hàng có danh mục cho vay tập trung đối tượng bán lẻ tiêu dùng, tiểu thương như ACB, VIB, STB, ... đang có mức tăng trưởng tín dụng kém hơn mặt bằng chung.
Ngoài nhóm sản xuất, tín dụng chảy vào lĩnh vực BĐS hạ nhiệt (ước tính tăng 3,51% YTD tính đến 25/4/2023), đặc biệt là sự sụt giảm các khoản vay mua nhà, cũng là nguyên nhân khiến tổng tín dụng tăng trưởng yếu trong 1Q2023.
Theo đó, tín dụng toàn hệ thống tăng 2,06% YTD sau 1Q2023 và 2,75% YTD tính đến 25/4/2023, so với định hướng cả năm 14-15% vẫn được NHNN giữ nguyên.
Tăng trưởng tín dụng YTD trong 1Q2023 của các ngân hàng và toàn hệ thống suy yếu |
Tuy nhiên, BSC cho rằng cầu tín dụng có thể sẽ được cải thiện từ 2Q2023 sau khi NHNN đưa ra tín hiệu về việc nới lỏng chính sách tiền tệ qua 2 đợt hạ lãi suất điều hành trong chưa đầy 1 tháng cũng như đưa ra các chính sách mạnh tay nhằm kích cầu nền kinh tế.
Nhìn chung, BSC giữ nguyên dự báo tăng trưởng tín dụng 2023 của toàn hệ thống đạt 12% trong kịch bản cơ sở, thấp hơn định hướng đầu năm 14-15% của NHNN.
Thanh khoản hệ thống không còn là vấn đề đáng lo ngại
Trái ngược với tình trạng căng cứng thanh khoản vào cuối 2022, câu chuyện thanh khoản có lẽ không còn là chủ đề chính của ngành ngân hàng trong 2023. Với Thông tư 26 được ban hành vào cuối 2022 sửa đổi cách tính LDR, NHNN cho phép hệ thống ngân hàng được sử dụng thêm 50% phần tiền gửi KBNN để tài trợ cho vay trong 2023. Điều này giúp hỗ trợ thanh khoản thị trường và các ngân hàng quốc doanh sẽ được hưởng lợi chính, bù đắp cho việc các ngân hàng quốc doanh đang đi đầu về hạ lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế.
Ngoài ra, việc đồng USD suy yếu và ổn định hơn cũng tạo điều kiện để NHNN liên tục mua vào USD từ đầu 2023, bù đắp cho lượng dự trữ ngoại hối đã sụt giảm khá mạnh trong 2022 (ước tính NHNN đã mua vào được 5,8 tỷ USD đến tháng 4/2023). Việc này đã tạo dư địa cho NHNN hạ lãi suất điều hành tới 2 lần trong chưa đầy 1 tháng, trái ngược với tình hình thắt chặt chung vẫn diễn ra ở các NHTW trên thế giới. Theo đó, NHNN đã dừng việc hút thanh khoản qua kênh tín phiếu và lãi suất liên ngân hàng qua đêm cũng có thời điểm giảm mạnh về gần 0%.
Tuy nhiên, tình hình huy động vẫn chưa quá tích cực, đặc biệt là tiền gửi từ nhóm doanh nghiệp. BSC cho rằng các nguyên nhân đến từ (1) triển vọng kinh tế suy yếu khiến các doanh nghiệp gặp áp lực thanh khoản và cần ưu tiên dòng tiền cho hoạt động SXKD, (2) hệ quả của việc lãi suất USD và tỷ giá USD-VND tăng mạnh trong 2022 khiến các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn để tiền gửi ở nước ngoài và (3) tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 2023 có cải thiện nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng.
Do đó, BSC cho rằng khó có thể kỳ vọng 1 sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng huy động của toàn hệ thống trong thời gian tới khi các nút thắt này chưa được cải thiện. Thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công sẽ tiếp tục là điểm được kỳ vọng trong các quý tới.
Dù nền lãi suất hiện nay đang trên xu hướng giảm, BSC cho rằng dòng tiền CASA sẽ chưa thể quay trở lại ngay trong ngắn hạn.
LDR thuần hầu hết ngân hàng tăng mạnh trong 2 năm |
Việc lãi suất tiền gửi của hệ thống ngân hàng giảm thời gian qua sau khi NHNN hạ trần lãi suất khiến LDR thuần toàn ngành tăng trở lại lên 104% sau 1Q2023 so với 103% từ đầu năm, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng quốc doanh được hưởng lợi chính với Thông tư 26. Dù đã qua giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm như 3Q2022, BSC giữ quan điểm thận trọng rằng cho đến khi LDR thị trường 1 được đưa về mức bền vững hơn thì áp lực từ việc cạnh tranh huy động tiền gửi giữa các ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng quy mô nhỏ) vẫn còn hiện hữu, nhất là khi cầu tín dụng phục hồi, điều chúng tôi kỳ vọng trong các quý sau.
NIM bình quân chung của ngành tiếp tục chịu áp lực thu hẹp
Ngành ngân hàng bước sang 2023 với triển vọng NIM suy giảm, NIM TTM toàn ngành thu hẹp xuống 3,6% ở 1Q2023 từ 3,8% ở 4Q2022.
Dù vậy, BSC nhận thấy mức độ giảm NIM này là không bất ngờ so với kỳ vọng trước đó. Điều này nhìn chung đến từ cầu tín dụng suy yếu so với 2022 cùng việc LDR toàn ngành đã bị đẩy lên mức cao khiến lãi suất đầu vào tăng nhanh hơn lãi suất đầu ra. Xu hướng hạ lãi suất thời gian qua có thể là yếu tố hỗ trợ NIM khi chi phí huy động thường sẽ giảm trước do chênh lệch kỳ hạn tài sản nợ - có, tuy nhiên BSC cho rằng cần theo dõi thêm khi tỷ lệ CASA của ngành chưa có dấu hiệu tích cực.
NIM các ngân hàng đã có sự phân hóa từ cuối 2022 |
Sự phân hóa về NIM có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn trong năm nay khi các ngân hàng có danh mục tín dụng đa dạng ngành nghề và tập trung bán lẻ được kỳ vọng sẽ duy trì NIM tích cực hơn khi nguồn CASA từ nhóm bán lẻ thường ổn định và ít nhạy cảm hơn so với nhóm doanh nghệp lớn. Nhóm ngân hàng có nhiều tỷ trọng tín dụng phân bổ vào lĩnh vực BĐS và TPDN tiếp tục được kỳ vọng NIM 2023 thu hẹp. Nhóm SOCBs đang đi đầu trong việc cắt giảm lãi vay nhằm hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế có thể sẽ ghi nhận lãi suất đầu ra giảm nhanh hơn lãi suất đầu vào, từ đó cũng khiến NIM mỏng hơn.
Chất lượng tài sản được gỡ khó đi cùng áp lực trích lập giảm bớt sau khi Thông tư 02 được ban hành
Trong 1Q2023, tỷ lệ NPL và nợ nhóm 2 toàn ngành đều tăng mạnh, lần lượt tăng 32 bps và 68 bps so với đầu năm. Tốc độ nợ xấu tăng nhanh hơn chi phí dự phòng cũng khiến bộ đệm dự phòng của ngành suy giảm khi LLCR toàn ngành ước tính giảm từ 123% ở cuối 2022 về 106% sau 1Q2023, ngang với mức cuối 2020 đầu 2021.
Tuy nhiên, Thông tư 02/2023/TT-NHNN ban hành vào 23/04/2023 có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi khi cho phép các ngân hàng (1) giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ đủ điều kiện cơ cấu lại và (2) giãn trích lập dự phòng cho các khoản nợ cơ cấu lại trong 2 năm. Thông tư này khá giống Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành vào cuối 1Q2020 trong dịch COVID-19.
Nhờ đó, BSC kỳ vọng chất lượng tài sản của ngành duy trì ổn định hơn trong các quý sau. Áp lực lên chi phí tín dụng cũng sẽ được giảm bớt trong 2023, và ngành sẽ có thêm thời gian để xử lý nợ và làm dày bộ đệm dự phòng khi các ngân hàng vẫn thực hiện trích lập cho các khoản nợ cơ cấu lại dù không bị chuyển nhóm ngay lập tức.
Sự thận trọng từ kế hoạch 2023 được phản ánh trong kết quả 1Q2023 – LNTT toàn ngành giảm 3,4% YoY
Tông màu ảm đảm từ những cơn gió ngược trong 2022 tiếp tục bao trùm lên triển vọng của ngành ngân hàng trong 2023. Trong môi trường bất ổn gia tăng, hầu hết các ngân hàng đặt kết hoạch tăng trưởng lợi nhuận 2023 thấp hơn nhiều so với 2022, trong đó TCB là nhà băng khiêm tốn nhất khi đặt kế hoạch tăng trưởng âm.
Sự thận trọng trong việc đặt kế hoạch kinh doanh được thể hiện ngay trong kết quả 1Q2023 khi hầu hết các ngân hàng ghi nhận LNTT đi đúng tiến độ và ít có yếu tố bất ngờ.
Tăng trưởng LNTT của các ngân hàng trong 1Q2023 và kế hoạch 2023 |
Tuy nhiên, với hàng loạt các chính sách hỗ trợ được ban hành vào thời điểm cuối Q1 đầu Q2, BSC cho rằng có nhiều dư địa cho yếu tố bất ngờ với ngành ngân hàng trong phần còn lại của năm.
Vẫn còn đó sự hấp dẫn
Điểm nhấn trong 1H2023 có lẽ là những chính sách được các cơ quan điều hành liên tiếp đưa ra nhằm hỗ trợ nền kinh tế, hệ thống ngân hàng, hay thị trường BĐS và TPDN.
Ngoài Thông tư 26 và Thông tư 02 (đã đề cập ở trên), chính sách tác động trực tiếp tới ngành ngân hàng còn có Thông tư 03 được kỳ vọng giúp ổn định tâm lý trái chủ và đưa ra 1 giải pháp để cải thiện hoạt động tín dụng bằng cách mua lại trái phiếu dù các ngân hàng có thể sẽ phải chấp nhận rủi ro tín dụng gia tăng.
NHNN cũng đang xem xét Dự thảo sửa đổi Thông tư 41 về giảm hệ số rủi ro với các khoản cho vay BĐS KCN và NOXH, theo đó nếu được thông qua, các ngân hàng quốc doanh có thể sẽ được hưởng lợi chính.
Với các rủi ro của ngành đã dần lộ diện như (1) tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại hay (2) lo ngại về chất lượng tài sản, BSC cho rằng các yếu tố này đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu ngân hàng và mức định giá hiện tại của ngành vẫn hấp dẫn (P/B TTM trung bình các ngân hàng niêm yết trên HSX loại trừ VCB, BID, SSB là 1.1x so với trung bình 5 năm là 1.5x), đặc biệt là sau hàng loạt các chỉ đạo và chính sách hỗ trợ từ đầu năm.
BSC đánh giá triển vọng của ngành trong 2H2023 sẽ tiếp tục xoay quanh (1) xu hướng hạ lãi suất hỗ trợ nền kinh tế, (2) thúc đẩy giải ngân đầu tư công và (3) các chính sách tháo gỡ nút thắt pháp lý cho thị trường BĐS giúp ổn định chất lượng tài sản và cải thiện tăng tưởng tín dụng. Do đó, BSC duy trì quan điểm Khả quan với ngành ngân hàng.