Cách đây 2 năm, xe máy của anh Nguyễn Thanh (39 tuổi, ngụ phường 5, quận 8, TP.HCM) va chạm với xe của 1 thanh niên khác khiến cả 2 người bất tỉnh.
Qua chụp chiếu ở bệnh viện, các bác sĩ không phát hiện dấu hiệu bất thường nên cho anh về nhà điều trị.
Thời gian sau, anh Thanh thường có cảm giác mệt mỏi, khàn tiếng, khó thở, nhưng nghĩ do dư chấn của vụ tai nạn nên không đi thăm khám.
Bản thân người bệnh không hề nghĩ tới hàng răng giả đã rơi vào thanh môn. |
Gần đây, cảm giác mệt mỏi xuất hiện nhiều hơn. Nhiều đêm đang ngủ anh phải thức giấc do khó thở, nên đã tới bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM kiểm tra.
Theo ThS BS Nguyễn Quang Tú, qua chụp CT đã phát hiện trong cổ họng của người bệnh có dị vật. Dị vật này chắn ngang thanh môn, chia đường thở ra làm 2.
Qua lời kể của người bệnh, kết hợp với nội soi, bác sĩ nhận định dị vật chính là 1 phần của hàm răng giả, bị rơi vào thanh môn trong khi người bệnh gặp tai nạn giao thông.
Do thời gian nằm trong cổ họng quá lâu, dị vật gây ra tình trạng viêm nhiễm (chiếm 2/3 thanh môn), làm đường thở ngày càng nhỏ dần, chính vì vậy mà người bệnh thường xuyên thấy mệt mỏi, khó thở, đặc biệt lúc làm việc nặng.
"Trường hợp không phát hiện ra, đường thở có thể bị bít lại, người bệnh có thể đột tử bất cứ lúc nào" - BS Tú nói và cho biết, qua đánh giá tình trạng vết thương, đã quyết định nội soi để lấy dị vật ra ngoài.
Sau hơn 20 phút thực hiện nội soi, ê-kíp bác sĩ đã lấy được phần hàm răng giả ra ngoài. Hiện sức khỏe người bệnh đang tiến triển khá tốt.
Theo nhận định của Giám đốc BV Tai mũi họng TP.HCM Trần Phan Chung Thủy, sở dĩ dị vật không được phát hiện sớm bởi bản thân người bệnh không nghĩ tới việc đã nuốt phải hàm răng giả (lúc tai nạn bị ngất xỉu).
Dị vật bằng vật liệu nhựa, chiếm 2/3 thanh môn nên vẫn có thể thở được, làm người bệnh khó phát hiện ra.
Mỗi năm BV Tai mũi họng TP.HCM tiếp nhận 20 - 30 trường hợp nuốt phải răng giả trong khi ăn uống.
* Tên người bệnh được thay đổi.