Ở cái tuổi xưa nay hiếm, bà cụ Vân vẫn đang loay hoay xoay sở với tuổi già, giá lạnh, nghèo đói và gánh nặng cháu con.
“Có chết cũng ở lại đây để nuôi cháu, để hương hỏa cho chồng cùng bố mẹ chồng và hai đứa con đã bỏ bà đi từ ngày còn bé tí”. Bà lão bắt đầu kể chuyện đời mình cho chúng tôi nghe.
Bà tên Lê Thị Vân sinh năm 1940 ở Vân Sơn, Triệu Sơn trong gia đình nông dân nghèo khổ. Lên 8 tuổi mất cha và bắt đầu phụ mẹ việc nhà, việc đồng áng; 12 tuổi bắt đầu cuộc đời đi ở đợ cho những gia đình khá giả trong vùng; năm 15 tuổi ý thức hơn về thân phận của người đi ở nên bà Vân quyết định về phụ mẹ đốt than, lấy củi.
Năm này qua năm khác, ngày này qua ngày khác, người con gái ấy đi đốt than, lấy củi cùng mẹ, sau đó mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo, nuôi em.
Năm lên 18 cô nàng đốt than miền xuôi bén duyên với anh chàng đốt than miền ngược ở Xuân Du, Như Thanh tên là Ba Luồng.
Xuân Du những năm 60 của thế kỷ trước chẳng có gì ngoài đói kém, ngoài sắn khoai, đồi núi còn rậm rạp, nhiều thú dữ. Nhắc đến lúa gạo như một sự xa xỉ.
Hai vợ chồng nghèo sinh được 10 người con thì mất đi 2 người vì bệnh tật, ông bà gắng gượng lo được cho 8 người con học đến lớp 4, lớp 5 biết đọc, biết viết rồi cũng chờ các con lớn để tính chuyện dựng vợ gả chồng.
Khi 8 người con lập gia đình và lẫn lượt ra ở riêng, của hồi môn cho các con chẳng có gì ngoài hai từ động viên “cô gắng”.
Gia đình nông dân nhưng ngặt một nỗi không có đất ruộng để canh tác, có đúng một sào ruộng chiêm nhưng không biết chia thế nào được cho 8 người con. Nhà nghèo, ít đất nên các con của bà đi làm thuê cho người khác quanh năm.
Bà nói, “các con cũng vừa được Nhà nước cho vay tiền để xóa nhà tranh tre, nứa lá nên cũng yên tâm, chỉ thương thằng cháu nội mồ côi mẹ từ khi lên một tuổi”.
Nói đoạn, vừa ôm lấy đứa trẻ nhem nhuốc, co ro trong manh áo mỏng, bà cụ Vân vừa nghẹn ngào không nói thành lời.
bà Lê Thị Vân và cháu nội Nguyễn Đình Sang trong ngôi nhà đơn sơ. |
Trước mắt chúng tôi là cậu bé còi cọc, hơn 10 tuổi nhưng chỉ nặng được 20kg.
Cháu bé là Nguyễn Đình Sang (2003), con của người con trai thứ 6. Khi vừa được một tuổi thì mẹ mất. Thương con còn trẻ đã góa vợ, thương cháu mồ côi mẹ từ bé nên ông bàn với bà mang cháu về nuôi.
“Hôm qua cháu đi xe đạp đi học với bạn bị cho chân vào bánh xe nên nan hoa kẹp cho nên không đi mò cua, bắt ốc giúp bà được nữa…”, Sang nói.
“Những năm gần đây, bà cụ Vân thường xuyên đi nam, về bắc vừa chăm chồng, vừa “đóng vai mẹ” thay cho người con dâu đã mất để nuôi nấng cháu Sang, lo cho cháu ăn học,…” Bà cụ Nga, hàng xóm gần nhà thường lui tới thăm nom chia sẻ.
Hôm ông mất có con gái trong nam về lo cho cỗ quan tài, trong nhà, anh em gom lại cũng lo được cái đám tang.
Hai bà cháu bên bàn thờ ông Ba Luồng (tên thật Nguyễn Đình Lương) |
Dù các con của bà cũng đã đề nghị để bà về sống cùng với một trong 8 người nhưng bà nói: “Các con cho mẹ bát gạo thì mẹ có bát gạo, mà không cho thì mẹ cũng cố gắng làm để nuôi cháu, chứ không muốn ở với đứa mô cả vì đứa mô cũng khổ, cũng nghèo”.
Bà Vân không đồng ý sống với các con sợ các con khổ thêm. |
Qủa thật là biết trông vào đâu khi cả 8 người con, người thì tha hương đất khách vẫn đói, người thì bệnh tật đầy mình rồi thì đông con, nhà không đủ ăn nói gì đến phụng dưỡng bà.
Chia tay bà cụ Vân, chúng tôi nặng lòng biết bao khi nhìn quanh ngôi nhà bà cụ không có lấy một cái bàn, không có giường, không thấy chăn, nhà lại không có cửa,... Ngoài đám ruộng kia là hình ảnh của hơn 10 đứa cháu nội và những nàng dâu trắng màu khăn tang,…
Ở tuổi ngoài 70, bà cụ Vân móm mém và chậm chạp đi nhiều, bà nói: “Chỉ mong sống được thêm vài năm nữa, để nuôi cu Sang, dù khổ mấy bà cũng phải cho nó học hành nên người…”.
Bà cụ Vân cùng các cháu tiền chúng tôi ra ngõ... |
Số phận thì mỗi người một khác nhau, nhưng vẫn thấy quá chạnh lòng vì kiếp nhân sinh. Chỉ mong sao có nhiều tấm lòng hảo tâm biết đến và san sẻ cùng bà cụ ở tuối xế chiều này.
….
Mọi chi tiết liên lạc:
Bà Lê Thị Vân, thôn Đông Bún, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.
Số điện thoại: 01645397727 (Nguyễn Đình Hùng, con trai thứ 5 của bà Vân).