"Bán cho con trái dưa dì ơi", tôi dừng xe gọi người bán hàng là một phụ nữ lớn tuổi đen đúa. 25.000 đồng một ký dưa hấu tròn, tôi mua vội để chạy về kịp bữa cơm tối.
Khung cảnh hai bên đường với người xe lỉnh kỉnh đồ đạc về quê gợi lên trong tôi những ngày cũ, những nỗi niềm của một người từ mười mấy năm nay xem Sài Gòn là quê hương.
Ngày mới chuyển từ tỉnh lỵ lên TPHCM, tôi buồn lắm vì mình không còn quê nữa. Nhưng rồi theo thời gian, tôi học được rằng đời sống vốn bấp bênh, ở đâu mà ta thấy yên ổn thì ở đó là nhà, là quê hương. Tôi cũng dần vui với việc ở trọ nơi trung tâm thành phố để tiện đi làm. Đường về dịp Tết vì vậy chỉ hơn 20 cây số, thôi thì cũng tiện.
Do tật la cà ngó nghiêng nên dù đường không xa mà tôi chạy xe hơn một tiếng. Ra khỏi con hẻm yên tĩnh của căn nhà trọ, tôi thoát khỏi những khúc đường xe cộ đông đúc, rồi dần xuôi về ngoại thành nhà quê.
Đường xá trở nên thưa vắng, cộng thêm tâm trí tương đối thảnh thơi sau một năm miệt mài, chắc bạn cũng sẽ như tôi, nhìn ngó tha nhân nhiều hơn ngày thường.
Khổ qua dồn thịt - món ruột của nhà tôi ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Hoàng.
Rẽ vào con đường nhỏ cạnh chợ chồm hổm, một cụ già ngồi bệt bán một rổ đọt nhãn lồng, cất giọng mời: “Mười ngàn một ký à con, mua giùm bà”. Bà nói rau bà hái, luộc ăn liền ngọt lắm, lại dễ ngủ.
Xa hơn một chút, trên tấm bạt nhỏ, một chị gái giọng Bắc mời mua bồ kết trái. Dù ở nhà vẫn còn nhiều nhưng thấy chị mời tha thiết, tôi mua nửa ký, nghĩ thầm lại phải cay mắt tách bỏ hột nhưng thôi kệ.
Cạnh đó, một anh chàng bán bắp sống, 10 ngàn đồng 3 trái. Nơi ngã tư đèn đỏ, một cậu bé trạc tuổi cháu tôi ngồi canh chiếc bàn bày mấy xấp phong bao lì xì, giấy đỏ trang trí tết mà mặt cậu chẳng có tết.
Đoạn đường tiếp theo, tôi thấy những gương mặt nhàu nhĩ, thoáng vui cười mời khách, thoáng sa sầm vì trời đã muộn chiều. Nhưng trên hết, không khí tết vẫn tràn khắp vì tết là ở lòng mình.
Tôi đọc đâu đó, rằng đừng trông cảnh người ta mà ta nên cố gắng sống vui trong cảnh ngộ của mình, ta sẽ không bất hạnh. Và tôi nghĩ có lẽ những người buôn bán chắt chiu kia cũng đang nghĩ tới mùa tết vui, dù thế nào đi nữa.
Cứ vậy với những ý nghĩ miên man, tôi về tới nhà. Cổng nhà với giàn hoa nằm tuốt trong ngõ nhỏ. Mẹ tôi ngồi lúi húi gọt su su nấu tô canh tối. Dù khoảng ba bốn tuần tôi về nhà một lần nhưng không khí ngày cận Tết vẫn có gì đó khiến lòng nhộn nhạo, xen lẫn chút háo hức trẻ con.
Chiếc xe treo đầy những thứ linh tinh tới nỗi mẹ phải lắc đầu “mua nhiều chở nặng lắm con”. Thay vội bộ đồ, tôi phụ mẹ luộc rau, hâm cá kho, chuyện trò trong ngôi nhà neo người.
Bữa cơm diễn ra khi trời đã tối hẳn, nhìn phía sau và đằng trước nhà một màu hiu hắt như những ngày còn ở quê. Lúc đó tôi mới có dịp quan sát, mẹ đã dọn dẹp nhà gọn gàng từ "hôm nảo hôm nào", giặt giũ mền gối thơm mùi nắng, xếp gọn mấy chậu kiểng bên hiên.
Phơi bồ kết gội đầu những ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Hoàng.
Khi mẹ đi tắm, tôi khẽ khàng ra nhà trước bắt ghế thắp nén nhang. Trên bàn thờ, ba tôi vẫn với đôi mắt hiền từ nhìn tôi như vậy, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy trong ánh mắt vĩnh cửu ấy một niềm lo lắng cho đứa con lông bông là tôi. Rồi tôi vội trở ra nhà sau, sợ mẹ thấy cảnh thắp nhang lại mủi lòng dù ba mất đã lâu.
Năm nay, Tết của mẹ có vài điều mới, dường như mẹ đã bớt giữ khư khư những kỷ niệm. Những chiếc nồi cũ, thau chậu không dùng, quần áo lâu năm... đã được mẹ “chuẩn y” cho tôi đem cho cô ve chai. Ánh mắt, nét mặt của mẹ đã nhẹ nhõm hơn, dường như bằng lòng với cuộc đời lẻ bóng cùng những việc lặt vặt của tuổi già.
Sáng hôm sau, trong lúc không còn việc gì để làm, tôi lôi mớ bồ kết ra rang rồi phơi cho giòn để dễ tách hột. Xưa giờ nào biết thứ này, chỉ tới khi tóc rụng tôi mới cầu cạnh tới.
Rồi tôi chợt nghĩ, không biết chị gái bán bồ kết đã bán hết chưa, cậu bé bán bao lì xì có còn ngồi nơi ngã tư. Những kẻ lớn già đầu mà sống chậm rãi, nhạt nhẽo như tôi, lúc nào có dịp rảnh rỗi là lại nghĩ ngợi mông lung.