Theo Mirror, một số người tin vào thuyết âm mưu cho rằng hòn đảo không đơn thuần biến mất một cách dễ dàng như vậy, mà có thể là do hình ảnh bị xóa trên các bức ảnh vệ tinh.
Hòn đảo Esanbehanakitakojima được Nhật Bản sử dụng làm công cụ phân định chủ quyền trên biển. Theo lực lượng tuần duyên Nhật, Esanbehanakitakojima từng được khảo sát vào năm 1987, khi đó tồn tại ở độ cao 1,4 mét so với mực nước biển.
Hòn đảo Esanbehanakitakojima được Nhật Bản đặt tên năm 2014. |
Tomoo Fujii, một quan chức lực lượng tuần duyên Nhật, nói với các phóng viên: “Có khả năng nước biển dâng cao cùng với xói mòn bởi gió và tuyết đã khiến hòn đảo biến mất”.
Hòn đảo nằm gần ngôi làng ven biển Sarufutsu, ở phía bắc Hokkaido. Sanbehanakitakojima là một trong số 158 hòn đảo không người sinh sống của Nhật, được đặt tên vào năm 2014 để khẳng định chủ quyền trên biển.
Theo luật pháp quốc tế, một hòn đảo chỉ được công nhận khi nó vẫn nổi trên mặt nước, ngay cả những khi thủy triều dâng cao nhất.
Một số người không tin rằng hòn đảo bị nhấn chìm đơn giản như vậy. Bởi thiết bị đo khí tượng trên đảo vẫn truyền thông tin về.
Một người tin vào thuyết âm mưu nói: “Các hòn đảo biến mất không phải là điều chưa từng có. Nhưng điều kỳ lạ là có một trạm quan trắc khí tượng trên đảo và nó vẫn phát tín hiệu. Không thể có chuyện đó nếu hòn đảo chìm dưới nước”.
Người này nói thêm: “Có lẽ hòn đảo không thực sự biến mất, mà đơn giản là người ta không còn nhìn thấy nó trên bản đồ”.
“Chính phủ Nhật Bản có thể đã cố tình che giấu hòn đảo trên ảnh vệ tinh và bản đồ vì một lý do nào đó”.