Có 59 ca mắc bạch hầu
Tại Đắk Nông, theo số liệu cập nhật của ngành y tế, tính đến thời điểm này toàn tỉnh có 5 ổ dịch bạch hầu với 25 ca dương tính (11 ca ở Krông Nô, 12 ca ở Đắk G’long, 2 ca ở Đắk G’lấp). Ổ dịch xuất hiện mới được ghi nhận tại xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) với 2 trường hợp bệnh nhi Đ.K (SN 2003) và Đ.M.K (SN 2013) nhập viện lần lượt vào các ngày 30/6, ngày 5/7, với triệu chứng sốt, ho, đau họng… nghi bạch hầu.
Các ổ dịch cũ ở 2 huyện Krông Nô và Đắk Glong, cũng phát hiện thêm một số ca dương tính với bạch hầu sau khi mở rộng điều tra, giám sát, theo dõi, cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Cụ thể phát hiện 4 ca tại thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú (huyện Krông Nô) 2 ca tại ổ dịch cũ thôn 12, xã Quảng Hòa, (huyện Đắk Glong). Như vậy trong 836 mẫu bệnh phẩm ngành y tế đã lấy để xét nghiệm, có 25 mẫu dương tính, hơn 700 mẫu âm tính, còn lại đang chờ kết quả. Hiện có 19 ca đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên; Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông và Trung tâm Y tế huyện Krông Nô.
Tại tỉnh Gia Lai, tính đến chiều 6/7 có 12 ca nhiễm bạch hầu. Ca nhiễm đầu tiên là bệnh nhi V. (dân tộc Ba Na, 4 tuổi, làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa) tử vong lúc 2h30 sáng 5/7 do bạch hầu thanh quản ác tính tổn thương đa cơ quan.
Bác sĩ kiểm tra thân nhiệt của các em nhỏ ở xã Hải Yang |
Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, ngay khi phát hiện ca bệnh trên, ngành y tế đã gửi 24 mẫu bệnh của các trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhi V. đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Ngành y tế Gia Lai đã cho người dân tại xã Hải Yang uống thuốc phòng dịch và tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng; ngành giáo dục cũng cho học sinh trên địa bàn xã Hải Yang nghỉ học 1 tuần bắt đầu từ ngày 6/7 để chống dịch. Ông Hải cho biết thêm, việc tiêm vắc xin bạch hầu trên địa bàn chỉ đạt hiệu quả khoảng 92%. Tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào thiểu số vẫn chưa thực hiện tốt công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu, thường né tránh vì chưa ý thức được sự nguy hiểm của bệnh dịch này.
Từ đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum ghi nhận rải rác 22 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại huyện Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy. Riêng từ ngày 27/6 đến ngày 2/7, ngành y tế ghi nhận 14 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Diên Bình (Đắk Tô), thị trấn Sa Thầy, xã Ya Xiêr (Sa Thầy), các trường hợp này đều là đồng bào thiểu số.
Tiêm vắc-xin cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh, thành
Ngày 6/7, TS. Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho biết từ nay đến quý 4 sẽ tiêm vắc-xin phòng bạch hầu cho trẻ 7 tuổi hoặc đang học lớp 2 tại 35 tỉnh thành.
Trước mắt, những tỉnh có ổ dịch cần tập trung dập dịch trước để tránh lây lan ra cộng đồng. 35 tỉnh triển khai tiêm vắc-xin ngừa bạch hầu gồm một số địa phương đang xuất hiện bệnh bạch hầu từ đầu năm gồm Đăk Nông, Kon Tum, Gia Lai, TPHCM. Các tỉnh khác trong nhóm tổ chức tiêm phòng là Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long.
Trẻ được tiêm miễn phí một liều vắc-xin bạch hầu tại các trạm y tế xã, phường. Những trẻ đã tiêm vắc-xin chứa thành phần bạch hầu, uốn ván trong thời gian một tháng tính đến ngày tiêm chủng, trẻ đang sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính... tạm hoãn tiêm.
Trước tình trạng dịch bạch hầu có dấu hiệu lây lan tại nhiều tỉnh hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu. Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh; cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.
Xác định nhóm đối tượng trong độ tuổi có nguy cơ, tổ chức tiêm vắc-xin phòng chống bệnh bạch hầu tại khu vực ổ dịch; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung, đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, tiêm đầy đủ tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế.