Đầy hơi, trướng bụng là vấn đề sức khoẻ thường gặp nhưng lại hoàn toàn không thông thường. Bên cạnh những rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, trướng bụng còn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm loét dạ dày - tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, hẹp hang môn vị, thậm chí là dấu hiệu ung thư dạ dày tá tràng…
25% người khoẻ đã từng bị đầy hơi
Người bệnh sẽ có cảm giác đầy hơi trướng bụng khi lượng khí trong đường tiêu hóa tăng lên bất thường. Nguyên nhân tăng khí tại dạ dày thường bắt nguồn từ những thói quen không tốt khi ăn uống như ăn quá nhanh, nhai không kỹ, nuốt vội vàng, vừa ăn vừa uống, ăn nhiều chất béo, gia vị, chất kích thích; rối loạn vận động ống tiêu hóa.
Tuy nhiên, khá nhiều bệnh lý thực thể khác cũng làm tăng khí tại dạ dày như viêm loét dạ dày tá tràng, hẹp hang vị môn, ung thư dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản. Riêng với ruột, nếu có tình trạng giảm hấp thu, khi tăng số lượng vi khuẩn, có tình trạng tắc nghẽn do bệnh đường ruột mãn tính, phình đại tràng bẩm sinh hoặc uống nhiều kháng sinh thì sẽ làm tăng khí.
Tăng lượng khí trong ống tiêu hóa sẽ gây trướng bụng. Tuy nhiên, nhiều nguyên nhân khác cũng gây trướng bụng, do có dịch hoặc khối u trong ống tiêu hóa. Cụ thể, nếu trướng bụng liên tục thì có thể nghĩ đến khả năng là do bị báng bụng, khối u hoặc do béo phì. Nếu trướng bụng từng cơn thì thỉnh thoảng do ứ khí hoặc ứ dịch trong dạ dày.
Các bệnh gây đầy hơi thường gặp nhất là: Hội chứng ruột kích thích, rối loạn tiêu hóa chức năng, bị táo bón mạn tính. Ước tính có khoảng 25% người khoẻ đã từng bị đầy hơi. Trướng bụng đơn thuần là do sử dụng thức ăn khó tiêu, thức ăn chứa nhiều carbohydrate như đậu, bắp cải, sữa... hoặc bị rối loạn nhu động ruột. Trướng bụng còn xuất phát từ các bệnh lý nguy hiểm khác: Tắc ruột, do nhiễm ký sinh trùng Giardia, bệnh Crohn, tăng trưởng vi khuẩn quá mức ở ruột, kém hấp thu một số chất nào đó, rối loạn lo âu.
Ảnh minh họa. |
Cách xử lý
Khi bị đầy hơi, trướng bụng, trước tiên chính người bệnh nên tự rà soát lại về những khả năng gây đầy hơi, trướng bụng xuất phát từ những thói quen không tốt trong ăn uống, từ thực phẩm nạp vào người và loại trừ những yếu tố này. Khi đã loại bỏ những yếu tố nguy cơ từ thói quen nhưng vẫn bị đầy hơi, trướng bụng, kèm thêm một trong những triệu chứng như tiêu chảy kéo dài trên 5 ngày, giảm cân không rõ nguyên nhân, đau bụng, máu trong phân, mất cảm giác ngon miệng, sốt không rõ nguyên nhân, nôn ói kéo dài trên 48 giờ thì phải gặp bác sĩ ngay. Trường hợp bị đầy hơi hoặc trướng bụng tái phát ít nhất 3 ngày mỗi tháng, kéo dài trong 3 tháng thì có thể nghĩ đến các bệnh lý như rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích...
Người bệnh cần lưu ý hơn nữa khi đầy hơi, trướng bụng đi cùng với một trong các biểu hiện và yếu tố nguy cơ như khó nuốt, sụt cân, chảy máu hậu môn, rối loạn đại tiện (đặc biệt ở người cao tuổi), tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng... Khi đó cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám chữa. Lúc này, người bệnh có thể được chỉ định làm thêm các chẩn đoán cận lâm sàng gồm: Xét nghiệm phân, phân tích thành phần khí, chụp X-quang, nội soi dạ dày, đại tràng; thậm chí là siêu âm, chụp CT hoặc MRI. Khi đã xác định được nguyên nhân, bệnh lý gây đầy hơi, trướng bụng, nhất thiết cần điều trị ngay và sớm.
Đầy hơi, trướng bụng nên tránh những thức ăn gây tăng khí ở ống tiêu hóa như thức uống có gas, bắp cải, hành tây, lạc, khoai lang, không nhai kẹo cao sư, không nên ăn và uống cùng lúc; hạn chế những thức ăn gây lên men tại dạ dày (thức ăn chứa nhiều carbohydrate như tinh bột...).
Ăn chậm nhai kỹ, ăn và nhai ngậm môi. Ưu tiên thực phẩm chứa chất đạm và sản phẩm từ sữa chứa ít đường - béo. Thêm thực phẩm giúp làm giảm đầy hơi như gừng, sữa chua, quả dứa (không dùng cho người bị viêm loét dạ dày), trà, đu đủ... Luyện tập thể dục thể thao hàng ngày là cách giúp nhu động ruột hoạt động đều, tiêu hóa tốt nhưng không nên hoạt động khi ăn no, uống nhiều nước.