Đó là trường hợp của anh H.V.T 49 tuổi, quê ở xã Lâm Thủy, Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trong lúc làm rừng anh Lâm bị cây đổ vào người một cách bất ngờ nên không thể tránh được. Hậu quả, anh bị chấn thương vùng đầu và rơi vào hôn mê ngay sau đó.
Người bệnh được nhanh chóng đưa đến Bệnh viện huyện cấp cứu. Sau đó được chuyển tuyến lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới với chấn đoán: Chấn thương sọ não/ Máu tụ ngoài màng cứng đỉnh phải.
Ghi nhận tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân hôn mê sâu sau chấn thương giờ thứ 5, điểm tri giác GCS 4 điểm. Đồng tử bên phải giãn to, tứ chi có dấu hiệu gồng cứng.
Hình ảnh CT Scant cho thấy khối máu tụ ngoài màng cứng đỉnh phải 100ml, chèn ép não nhiều, đẩy lệch đường giữa 17mm - Ảnh BVCC |
Đánh giá đây là 1 trường hợp chấn thương sọ não nặng, tiên lượng tử vong rất cao, bệnh nhân còn khá trẻ nên bác sĩ phẫu thuật đã giải thích rất kỹ với người nhà và gia đình đã đặt trọn niềm tin vào đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện.
Cuộc hội chẩn đa chuyên khoa đã quyết định chuyển mổ khẩn cứu sống bệnh nhân khi còn trong giờ vàng. Báo động đỏ toàn viện được bật, bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng mổ để tiến hành phẫu thuật.
Hình ảnh phim chụp sau phẫu thuật - Ảnh BVCC |
Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, khối máu tụ đã được lấy bỏ, bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực điều trị tiếp. Bệnh nhân hồi phục tốt, tỉnh táo, không yếu liệt. Sau 10 ngày điều trị bệnh nhân được xuất viện về nhà.
Với bệnh nhân bị chấn thương sọ não thì khoảng thời gian 4 giờ từ khi bị chấn thương đến khi phẫu thuật là "thời gian vàng" để cứu sống bệnh nhân, giảm di chứng sau chấn thương sọ não.
Do đó, khi bị chấn thương sọ não nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, phẫu thuật kịp thời thì cơ hội sống cho bệnh nhân chấn thương sẽ cao hơn. Nếu chủ quan bỏ qua thời gian vàng thì khả năng cứu sống bệnh nhân còn lại rất thấp hoặc để lại di chứng nặng nề.