Không có chữ nào là "bắt buộc"
Công an TP Hà Nội vừa triển khai việc lấy thông tin cá nhân của công dân. Theo đó, người dân được phát tờ khai giống như một phiếu điều tra xã hội học, trong đó có 32 thông tin cá nhân chi tiết cụ thể về từng người. Nhiều người cho rằng, việc kê khai chi tiết như vậy là vi phạm quyền riêng tư của mỗi người?
Tôi đang cầm trên tay bản kê khai thông tin cá nhân này. Nhìn qua về hình thức văn bản thôi có thể nói ngay rằng đây không phải là một văn bản pháp quy để buộc người dân phải thực hiện. Nếu đây là văn bản quy phạm pháp luật do một cơ quan ban hành thì sẽ là câu chuyện khác. Thế nghĩa là người dân có quyền từ chối kê khai, thích kê khai mục nào thì làm chứ hoàn toàn không có chữ "bắt buộc" ở đây. Nếu có chữ "bắt buộc" thì với những thông tin cá nhân này, bản kê khai này sẽ phạm luật.
Vậy họ dựa trên quyền gì mà đưa ra bản kê khai đó?
Đây không phải là vấn đề có quyền hay không có quyền. Bởi như tôi nói, nó hoàn toàn giống như một phiếu điều tra xã hội học chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật. Việc thu thập thông tin phục vụ quản lý nhân khẩu, tăng cường sự đảm bảo trật tự an ninh xã hội. Thường thì công an hộ tịch họ cũng làm vấn đề này rồi chứ không phải là không. Nếu người dân kê khai tự nguyện thì nó là câu chuyện bình thường.
Nếu thông tin công dân đã được bộ phận quản lý hộ tịch thu thập rồi thì liệu có cần thiết phải có thêm bản kê khai này?
Đứng ở góc độ quản lý nhân, hộ khẩu thì tôi thấy việc này cũng tốt. Vì qua đó biết được họ tên, nơi thường trú, nghề nghiệp, trình độ... của người dân. Nhưng đúng là nó sẽ trùng với những thông tin hiện công an đang quản lý. Mà khai thác thông tin quá chi tiết về công dân thì lại là vi phạm pháp luật.
Vậy thông tin nào được coi là bí mật cá nhân mà công an không được phép khai thác?
Đúng là trong này có những thông tin cá nhân thuộc về quyền riêng tư mà nếu bắt buộc phải khai báo thì sẽ là vi phạm Nghị định 90 về cơ sở dữ liệu dân cư cũng như Bộ luật Dân sự về việc bảo vệ bí mật thông tin cá nhân.
Người dân có quyền không kê khai một số thông tin trái luật trong văn bản của Công an TP Hà Nội. Những thông tin như địa chỉ email, số điện thoại, tình trạng nhân thân, tóm tắt bản thân, mối quan hệ gia đình, mã số thuế... là không thuộc danh mục phải khai báo.
TS Nguyễn Văn Điệp, Trưởng khoa Luật sư, Học viện Tư pháp nói về việc Công an TP Hà Nội triển khai lấy 32 thông tin cá nhân. |
Làm lộ thông tin bị xử là đương nhiên
Theo ông thì mục đích của việc đưa ra bản khai này là gì?
Có lẽ là để phục vụ tốt hơn cho công tác nhân khẩu, hộ khẩu, thông tin về một con người cũng như về các vấn đề thành tích, tiền án tiền sự, phục vụ công tác quản lý hành chính. Nếu nó là tự nguyện thì là việc rất tốt. Giả sử như phường có vấn đề gì mà không có người chuyên môn, thì có thể rà soát xem trong địa phương mình ai có trình độ, có thể nhờ giúp đỡ. Ở đây không ai có quyền bắt người dân phải khai báo thông tin cả.
Vậy nếu công an phường vào nhà, đưa tờ khai cho ông và bảo kê khai đi, thì liệu có kê khai?
Đáng lẽ với bất cứ vấn đề nào cần lấy ý kiến, cần người dân khai báo thì phải có các đợt tuyên truyền về nội dung, mục đích của việc làm đó, chứ không phải là cứ âm thầm đưa tờ khai vào nhà để bảo dân khai. Còn trong trường hợp này, vì không nói rõ mục đích là làm gì, ai là người ký quyết định thu thập thông tin đó nên không xử lý được về mặt văn bản. Trường hợp công an bắt dân phải khai thì cá nhân người công an đó vi phạm pháp luật.
Ông có nghĩ rằng việc thu thập thông tin này là có sự tiếp tay của một đơn vị nào đó để khai thác thông tin bán lấy tiền?
Tôi không nghĩ rằng, cơ quan công an thu thập thông tin là để bảo đảm an toàn xã hội thôi. Và người dân có quyền khai hoặc không khai các thông tin cá nhân của mình cơ mà. Còn nếu chỉ nghe nói, chỉ suy đoán thì mỗi người có quyền nghĩ theo cách của mình.
Đặt giả thiết thông tin cá nhân của một người bị lộ cho những mục đích xấu thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai, xử lý thế nào?
Nếu cá nhân chứng minh được việc thông tin cá nhân bị rò rỉ gây bất lợi cho mình thì hoàn toàn có quyền kiện khi đã có đủ bằng chứng thông tin bị tiết lộ là từ cơ quan công an. Còn nếu không có đủ bằng chứng thì không kiện được.
Phải xem có đúng luật không
Như ông vừa nói, nhiều thông tin trong bản kê khai này đã được đơn vị quản lý hộ tịch nắm rõ rồi, giờ thực hiện kê khai tiếp phải chẳng "thừa". Có người còn bảo, đó là việc của người "dỗi hơi"?
Tôi cũng thấy có chút lấn cấn ở đây. Bởi để quản lý tốt nhân thân hộ khẩu thì không cần thiết phải kê khai thêm bản này. Cá nhân tôi cho rằng đây là thí điểm của một vài đơn vị để tin học hóa hoạt động quản lý cũng là cần thiết.
Thế thì việc làm này xem ra "vô ích"?
Mình không nói theo kiểu quy chụp, vì nhìn nhận cái bản khai này nó giống như là khảo sát trong dân. Nếu khảo sát thành công thì áp dụng, còn nếu không thì thôi, chứ nó không phải là cái gì vi phạm pháp luật. Vấn đề là làm theo một quy trình không chặt chẽ. Mục đích thu thập thông tin không rõ trong văn bản nào, do cơ quan nào ban hành, người nào ký. Thế còn bảo nó có đúng luật không thì cũng phải xem xét.
Vậy đây là một việc không đúng nhưng cũng không sai của Công an TP Hà Nội?
Tôi cho rằng nó chỉ là khảo sát nhỏ nên không có vấn đề gì lớn lắm. Đúng hay không thì tôi chưa dám nói nhưng tôi khẳng định là nó không sai. Còn nếu họ sử dụng thông tin đó trái pháp luật thì họ phải chịu trách nhiệm thôi.
Nhưng làm để "thử cho biết" thì buồn cười quá?
Có thể qua đó họ sẽ hoạch định những chính sách lớn hơn thì mình không biết được. Nói chung cứ cái gì giúp cho việc quản lý trật tự an toàn xã hội tốt thì nên làm. Chỉ có một điểm là trước khi làm phải tuyên truyền phổ biến rộng rãi về tài liệu phát hành để người dân hiểu mục đích là gì, có động chạm đến quyền công dân pháp luật bảo hộ không.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 17/10, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị Bộ Công an vào cuộc xem xét sự việc Công an TP Hà Nội thực hiện thu thập thông tin công dân này. Lãnh đạo công an các phường trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, đơn vị được giao làm đầu mối triển khai việc thu thập thông tin dân cư là Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP Hà Nội.