Cắt giảm tiền ăn uống bằng cách tự nấu nướng, và di chuyển bằng phương tiện công cộng để đỡ tốn tiền xăng là hai trong số những lời khuyên về lối sống tiết kiệm mà chúng ta đều đã biết.
Đương nhiên, những người đã thực hiện được 2 lời khuyên này đều là những người tiết kiệm, đây là điều không cần bàn cãi. Nhưng ở chiều ngược lại, không cắt giảm tiền ăn và tiền đi lại, có phải là đang sống có phần hơi hoang phí không?
Với câu hỏi này, Phương Thảo - Cô bạn sinh năm 1998, hiện đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội khẳng định: "Mình nghĩ là còn tùy từng người chứ. Với mình thì câu trả lời là không".
Di chuyển 100% bằng xe ôm công nghệ
Kể từ khi mới ra Hà Nội học Đại học đến tận bây giờ, là hơn 7 năm, Phương Thảo chưa từng tự lái xe máy đi học, đi làm hay đi chơi vì… không có xe. Thời còn là sinh viên, Phương Thảo di chuyển bằng xe bus. Đến lúc đi làm, cô bạn này chuyển sang xe ôm công nghệ cho đỡ phải chờ đợi, chen lấn.
Phương Thảo (Ảnh: NVCC) |
"Chỗ mình ở bây giờ chỉ cách công ty khoảng 1,5km nên thực ra tiền book xe cũng rẻ, khoảng 15-17k/cuốc thôi" - Phương Thảo cho biết.
Lịch trình di chuyển từ nhà tới chốn kiếm cơm của Phương Thảo có phần khác với phần lớn dân công sở, vì buổi trưa cô bạn này sẽ về nhà ăn uống nghỉ ngơi, rồi buổi chiều mới quay lại công ty. Như vậy 1 ngày, Phương Thảo sẽ đặt ít nhất 4 cuốc xe.
"Mình cũng đặt xe khi có hẹn nếu bạn mình không tiện đón" - Phương Thảo kể và cho biết 2 - 2,2 triệu là khoản tiền di chuyển hàng tháng.
Khi được hỏi tại sao không tính đến chuyện mua xe để đỡ chi phí đặt xe công nghệ, Phương Thảo vừa cười vừa kể: "Mình đủ tiền để di chuyển 100% bằng xe ôm công nghệ nhưng không đủ tiền mua xe. Hơn nữa, mình thấy việc đi lại bằng xe ôm công nghệ cũng không quá đắt, lại còn tiện nữa, có tắc đường cũng đỡ mệt, nên đến giờ vẫn chưa đủ động lực để mua xe máy".
Không nấu nướng vì muốn dành thời gian chơi đùa với "2 con nhỏ"
Bơ và Bắc Thảo là "2 con" của cô bạn 9x này. Sở dĩ buổi trưa, Thảo thường về nhà thay vì ở lại công ty cũng vì 2 chú mèo này.
Bơ và Bắc Thảo (Ảnh: NVCC) |
"Bình thường 6 rưỡi mình mới đi làm về, có hôm tăng ca thì 8 giờ mới về tới nhà. Lúc đấy mà lại lao vào nấu nướng, xong phải dọn dẹp nữa, thú thật là mình thấy hơi lười ấy. Hơn nữa là như thế thì cũng không có thời gian ngồi chơi với 2 em nên mình toàn đặt đồ ăn về cho nhanh" - Thảo kể và cho biết thêm rằng việc ngồi chải lông, ôm ấp Bơ và Bắc Thảo giúp cô bạn "sạc pin" cho bản thân nhanh và hiệu quả hơn là nấu nướng.
Mỗi tháng, tổng số tiền mà Phương Thảo chi cho việc đặt đồ ăn về nhà hoặc đi ăn ở ngoài rơi vào khoảng 7,5 - 8 triệu đồng.
"Mình cũng hay đi ăn 1 mình nữa. Đi ăn một mình thì chắc chắn sẽ tốn tiền hơn rồi nhưng cũng đành, vì không phải lúc nào cũng có thể rủ bạn bè đi ăn cùng" - Thảo chia sẻ.
Như vậy tính ra, Phương Thảo sẽ chi khoảng 10-11 triệu/tháng cho việc ăn uống và di chuyển. Khi được hỏi liệu Thảo có nghĩ đến việc cắt bớt chi phí cho 2 đầu mục này không, cô bạn khẳng định một câu chắc nịch: "Mình nghĩ là không. Vì mình đang ở cùng người thân, không tốn tiền thuê nhà nên với mức chi tiêu như hiện tại, mình vẫn tiết kiệm được một khoản tiền lương. Quan điểm của mình là nên tiết kiệm nhưng cũng không nên khắt khe với bản thân quá vì tinh thần phải thoải mái thì làm việc mới có động lực làm việc".
Tạm kết
Có lẽ, Phương Thảo không phải là bạn trẻ GenZ duy nhất mặc kệ những lời khuyên chung chung thường thấy về chủ đề tiết kiệm, để tìm ra một cách chi tiêu, tiết kiệm hiệu quả nhất với mình.
Trong bất kỳ tình huống nào, lời khuyên vẫn là thứ chúng ta nên lắng nghe, tham khảo để đúc kết ra được phương án khả thi nhất cho riêng mình, vì suy cho cùng, cuộc sống và cả tính chất công việc của chúng ta là khác nhau mà, đúng không?