Theo PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp, cách làm tốt hơn cả là Cục CSGT đường bộ - đường sắt nên phối hợp với báo chí trung ương và địa phương cho phép nhà báo tác nghiệp nếu phát hiện hiện tượng tiêu cực của CSGT thì thưởng nhà báo thật cao và phạt cảnh sát thật nặng để răn đe
Bí mật giám sát CSGT vẫy xe có mang lại hiệu quả?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của CSGT, ngày 27/7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã ký công điện yêu cầu Cục CSGT đường bộ - đường sắt (C67) và Công an các địa phương, đặc biệt là lực lượng CSGT tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra và chấn chỉnh lại công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Theo chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng CSGT trong khi làm nhiệm vụ không được lập chốt vẫy xe qua loa xem giấy tờ rồi cho đi mà phải tăng cường tuần tra cơ động...
Bí mật giám sát CSGT có mang lại hiệu quả? |
Trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết, Cục đã thành lập tổ công tác vừa công khai vừa bí mật đi giám sát, kiểm tra CSGT tại các địa phương thực hiện tuần tra kiểm soát trên đường. Nếu tổ công tác phát hiện những trường hợp CSGT vi phạm sẽ xử lý theo các mức kỷ luật, phê bình, khiển trách, cảnh cáo, tước quân tịch đuổi khỏi ngành... Riêng với trường hợp CSGT vẫy xe kiểm tra qua loa rồi nhận tiền cho đi thì sẽ đuổi khỏi ngành.
“Với người dân, lái xe khi tham gia giao thông trên đường, nếu phát hiện CSGT làm sai quy trình, điều lệnh... hãy gọi qua số điện thoại đường dây nóng 069 42608 của Cục để Cục điều tra, xác minh cụ thể rồi có biện pháp xử lý”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho biết.
Những giải pháp trên của Bộ Công an, nhằm chấn chỉnh lại hoạt động của CSGT khi làm nhiệm vụ đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân cả nước. Có ý kiến cho rằng, nếu những giải pháp trên được thực thi tốt thì chắc chắn những trường hợp CSGT nhũng nhiễu người vi phạm, lợi dụng chức vụ tuần tra dừng xe trái phép để nhận hối lộ sẽ giảm, lấy lại hình ảnh tốt đẹp CSGT trong lòng người dân.
Tuy nhiên, không ít người còn hồ nghi về việc thực thi những giải pháp đó, người dân băn khoăn, liệu có đủ người để bí mật giám sát các tổ CSGT tuần tra, đứng chốt vẫy xe hay không? Ngay đường dây nóng, khi người dân phản ánh thì lại yêu cầu có bằng chứng, những biện pháp này vốn đã quá quen thuộc và không mang lại hiệu quả cao.
Bác Nguyễn Văn Thành, Hàng Bài (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Tôi ủng hộ chủ trương trên của Bộ Công an, tuy nhiên, cần làm cho triệt để nghiêm túc. Lực lượng bí mật giám sát CSGT không ai có thể làm tốt hơn được người dân, hay chính các lái xe.
Tôi nhớ ở Hàn Quốc họ cho phép người dân sử dụng máy chụp hình hay máy quay phim để ghi lại hình ảnh sai phạm của người dân và cả của cán bộ, công an. Họ nộp hình ảnh đó cho công an thì không những họ được khen, mà còn được thưởng tiền nữa. Có thể không thưởng nhiều tuy nhiên điều đó khích lệ họ, và giúp người dân bớt vi phạm, củng như giúp CSGT bớt "làm luật" với xe cộ. Tôi thấy điều này nên khuyến khích nhân dân làm”.
“Nên phối hợp cùng báo chí, người dân để giám sát CSGT vẫy xe”
Đó là ý kiến của chuyên gia tâm lý, PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, Trưởng khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội &Nhân văn TP.HCM khi trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề trên. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, biện pháp bí mật giám sát CSGT vẫy xe hay trong quá trình xử lý vi phạm thực ra không mới theo kiểu xử lý nội bộ lâu nay mà các cấp các ngành đều làm nhưng hiệu quả rất thấp chẳng khác gì... "quạt vẫy tai voi".
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp: Bí mật giám sát CSGT chỉ như... "quạt vẫy tai voi". |
“Cách làm tốt hơn cả là Cục CSGT đường bộ - đường sắt nên phối hợp với báo chi trung ương và địa phương cho phép nhà báo tác nghiệp nếu phát hiện hiện tượng tiêu cực của CSGT thì thưởng nhà báo thật cao và phạt cảnh sát thật nặng để răn đe. Vì chỉ có nhà báo mới có khả năng tác nghiệp trong công việc này. Ngoài ra nên tuyên truyền và cho phép người dân, bất kể ai tham gia phát hiện các vụ tiêu cực của cảnh sát bằng cách chụp ảnh, ghi băng hình rồi báo cơ quan chức năng giải quyết.
Chỉ có người ngoài ngành giám sát độc lập mới có khả năng ngăn chặn, còn để riêng ngành cảnh sát xử lý nội bộ chẳng khác gì nhờ bố phạt con, hai người cùng đau và cùng thiệt, điều chẳng ai dại gì mà làm”, PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp nhận định.
Ở góc độ người trong cuộc, trao đổi với PV Kiến Thức, Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội cho biết, chỉ thị của Bộ Công an là khá cần thiết để giảm tải những vấn nạn trong lực lượng CSGT.
Tuy nhiên, đồng quan điểm với PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp, Thượng tá Lê Đức Đoàn nói: “Việc bí mật giám sát không phải là một biện pháp mới, đó là việc vẫn làm của lực lượng CSGT. Tuy nhiên, người giám sát hoạt động của CSGT khách quan và hiệu quả nhất vẫn là nhân dân giám sát, kiểm tra”.