Cả năm, người người mong đến ngày Tết để được sum họp gia đình, gặp gỡ bạn bè và có thời gian nghỉ ngơi sau một năm căng sức làm việc. Thế nhưng với những cô gái ế, 3 ngày Tết lại là khoảng thời gian vô cùng áp lực khi luôn phải đối diện với câu hỏi: “Sắp lấy chồng chưa?”.
Những câu hỏi bao năm vẫn thế
Năm hết Tết đến, trong khi con trẻ háo hức, vui mừng vì có quần áo mới, nhận được tiền mừng tuổi thì người lớn lại nhiều phần lo lắng về quà Tết, lì xì, bếp núc, nhậu nhẹt… Và những nỗi lo ấy đa phần đều do người phụ nữ giơ vai ra gánh.
Thế nhưng, đâu phải cứ phụ nữ có chồng mới lo ngày Tết. Những cô nàng độc thân đôi khi còn sợ Tết hơn cả gái có chồng bởi luôn phải đối diện với những câu hỏi bao năm vẫn thế như: “Sắp lấy chồng chưa?”, “Sắp cho cô/dì/chú/bác… ăn kẹo chưa?”, “Người yêu đâu, sao không dẫn về?”, "Ổn định công việc rồi, lấy chồng đi thôi”…
Những câu hỏi hội "gái ế" phải đối mặt ngày Tết. (ảnh minh họa) |
Trên Facebook ngày giáp Tết ngập tràn những lời than vãn sợ về quê ngày Tết của những cô nàng độc thân, tiệm cận với cái “ế”. Thậm chí, mạng xã hội còn có cả dịch vụ thuê người yêu về ra mắt ngày Tết, dịch vụ làm áo phông in dòng chữ: “Năm nay chưa lấy chồng, đừng hỏi!” hoặc in huy hiệu: “Bao giờ lấy chồng sẽ báo” phục vụ “gái ế” thoát khỏi những câu hỏi “xé lòng”. Để thấy rằng, Tết với những cô nàng độc thân giống như chỗ nước sôi lửa bỏng.
Kể từ ngày ra trường, chị Ngân (27 tuổi, nhân viên tư vấn dược liệu) chưa bao giờ mong đến Tết. Năm đầu tiên, lúc chưa xin được việc làm, chị phải đối diện với loạt câu hỏi như: “Ra trường bằng gì”, “Xin được việc chưa?”, “Đúng ngành hay trái ngành”… cùng vô số lời khuyên nhủ theo hướng thiện chí thì ít mà mỉa mai thì nhiều.
Nhưng sang năm thứ 2, khi có việc làm ổn định rồi, cô mới biết, thì ra áp lực về công việc còn chưa thấm vào đâu so với áp lực chuyện chồng con. Vốn chưa bao giờ vạch ra kế hoạch cụ thể về thời điểm lấy chồng, sinh con nhưng khi nghe họ hàng, bạn bè hỏi han, giục giã, chính Ngân cũng cảm thấy cần phải vội vàng.
“Bố mẹ mình trước giờ rất hiếm khi giục con cái phải có người yêu hay lấy chồng. Tất cả đều do tự anh em mình định liệu. Thế mà nghe anh em, họ hàng kích vào, nào là: “Con gái lớn thì phải gả chồng kẻo quá lứa nhỡ thì”, “Nhà còn mỗi cô con gái út, sao không bảo nó lấy chồng rồi lo nốt cho xong đi”… rồi cũng quay sang giục mình luôn. Tết nào về cũng hỏi: “Có anh nào chưa”. Lúc trước đi học, ai cũng bảo, tập trung học đi, đừng yêu đương gì. Giờ vừa ra trường được hai năm đã giục lấy chồng đi kẻo ế. Kiếm chồng đâu ra mà nhanh thế…”, Ngân giãi bày.
Áo phông ngày Tết dành cho gái "ế". (ảnh minh họa) |
Chính bởi sự giục giã của gia đình, họ hàng nên giờ cô không còn háo hức hay mong chờ ngày Tết. Chưa kể, nhìn bạn bè đã yên bề gia thất, ngày họp lớp có chồng đưa đi hoặc ẵm con theo cùng, Ngân cũng thấy sốt ruột cho bản thân.
Hoàn cảnh của chị Liên (29 tuổi, giáo viên tiểu học) lại có phần éo le và rối rắm hơn. Cách đây 3 năm, cô yêu một người con trai cùng tuổi làm trong ngành quân đội. Những tưởng mối lương duyên sẽ có cái kết đẹp khi cả hai ổn định công việc, nào ngờ khi đi xem bói, cô “được” phán, nhất định phải từ bỏ hôn sự này vì hai người khắc tuổi.
Nửa tin nửa ngờ, chị Liên cùng chồng sắp cưới đi xem thêm ở những chỗ khác và đều nhận được chung một câu trả lời. Dù buồn khổ và nuối tiếc mối tình đẹp nhưng cô vẫn quyết định chia tay vì lo sợ sau này, một trong hai người xảy ra chuyện không hay. Nhưng kể từ đó đến nay, đã 3 năm ròng, cô vẫn chưa mở lòng với người mới và chuyện bị gia đình giục cưới là điều không tránh khỏi.
“Mình không hối hận về quyết định từ bỏ đó nhưng đến giờ vẫn chưa quên được người cũ. Tết năm nào bố mẹ cũng gia hạn, buộc phải cưới trong năm nay. Năm này qua năm khác, giờ cũng 3 năm rồi, lòng mình vẫn “khô như ngói”, chưa rung động thêm một lần nào. Chắc giờ chỉ cần có người mai mối, giới thiệu, thấy hợp là cưới thôi, chứ cứ gần đến Tết lại lo đứng lo ngồi về chuyện giục cưới, mình mệt lắm”, chị Liên buồn bã.
Muôn kiểu tránh Tết
Với nhiều cô gái, gia đình giục giã là vậy, bản thân rối rắm, sốt ruột là vậy nhưng chính họ cũng không biết giải quyết thế nào bởi chuyện hôn nhân vốn dĩ không phải muốn là được. Những cô gái này chỉ còn cách nghĩ ra mọi lý do hợp lý để “trốn” Tết.
Là người có tính cách khá mạnh mẽ và độc lập nên Phương (27 tuổi, phóng viên) rất thích đi du lịch. Nhân 9 ngày nghỉ Tết, cô đã quyết định đặt vé, “thưởng” cho mình một chuyến đi Huế - Hội An – Đà Nẵng.
“Mình chỉ ăn Tết hai ngày ở nhà, từ mùng 3 Tết là xách ba lô, máy ảnh lên đường. Nói là đi du lịch vậy thôi chứ chủ yếu là để “trốn Tết”, tránh bị họ hàng, làng xóm nhìn thấy mặt là hỏi chuyện chồng con, ngán lắm. Mình bảo với bố mẹ: “Con phải đi để chụp ảnh không khí ngày xuân, gửi về cho tòa soạn”. Chắc cả nhà cũng không vui nhưng đành vậy. Dù gì, nhìn thấy đứa con gái ế chỏng, ế chơ ở nhà có khi còn khó chịu hơn”, Phương thổ lộ.
Không nghĩ ra được lý do hợp lý nào để “trốn Tết”, Hoa (28 tuổi, Phú Thọ) đành “cáo ốm” ở nhà để tránh phải gặp cô/dì/chú/bác và tránh bị bố mẹ liên tục “hỏi thăm” chuyện chồng con.
Được nghỉ làm từ hôm 27 Tết nhưng cô lấy lý do nhiều việc rồi 29 Tết mới về nhà. Suốt ba ngày Tết, cô chỉ lên nhà ông bà nội, ngoại chốc lát vào mùng 1, thời gian còn lại đều ở nhà chơi game hoặc xem phim, chờ đến mùng 5 "khăn gói" ra Hà Nội làm việc.
"Mình dặn bố mẹ, nếu ai hỏi thì nói cháu nó bị ốm hoặc dị ứng nên không ra ngoài được. Có mấy ngày Tết thôi mà dài như mấy tháng nửa muốn đi chơi, nửa không. Căn bản, mình không muốn ai hỏi đến chuyện lấy chồng, cảm thấy cứ như bị soi mói hay thúc ép vậy. Cứ đến mùng 5, mùng 6 là mình mừng vì "thoát Tết", Hoa kể.
Thiết nghĩ, hôn nhân là chuyện quan trọng, ảnh hưởng đến cả đời người. Các bạn trẻ không nên vì sự thúc giục của gia đình mà vội vàng trong chuyện tìm kiếm bạn đời, dễ dẫn đến lựa chọn sai.