Ông Shyam Lal Yadav ở làng Rahli, bang Madhya Pradesh, Ấn độ, đã bất ngờ mọc chiếc sừng trên đầu sau một lần bị thương vào năm 2014.
Bác sĩ phẫu thuật Vishal Gajbhiye nói: “Khoảng 5 năm trước, bệnh nhân bị thương ở đầu, rồi sau đó, cái u bắt đầu phát triển. Ban đầu, ông ấy phớt lờ vì nó không gây ra khó chịu. Bệnh nhân cũng nhờ thợ cắt tóc địa phương cắt bớt. Tuy nhiên, khi cái u ngày càng cứng và phát triển mạnh hơn, ông ấy đã tới bệnh viện ở Sagar. Do sừng được hình thành từ keratin nên nó được cắt bằng dao cạo tiệt trùng”.
Sau ca phẫu thuật, lão nông trên đã ở viện 10 ngày sau phẫu thuật. Hiện chưa rõ nguyên nhân tại sao chiếc sừng quỷ lại mọc song các bác sĩ tin rằng việc ra nắng hoặc nhiễm xạ có thể gây nên hiện tượng trên.
Ông Shyam Lal Yadav bất ngờ mọc sừng sau một lần bị thương ở đầu. |
Hiện tượng người bất ngờ mọc sừng như ông Shyam Lal Yadav ở trên không phải là quá kì lạ trên thế giới. Trong lịch sử y học cho đến nay từng ghi nhận rất nhiều trường hợp người mọc sừng. Những chiếc sừng này trông có vẻ rất cứng nhưng thực chất chúng được cấu tạo từ keratin cũng giống như tóc hay móng tay vậy nên chúng được các nhà khoa học gọi là bệnh sừng da (cutaneous horn).
Bệnh sừng da là một dạng khối u trên da, chúng xuất hiện khi lượng keratin tích tụ quá mức và sau đó hình thành nên chiếc sừng trồi ra ngoài lớp da.
Không giống như những khối u khác, loại u sừng da có hình dạng vô cùng đặc trưng, giống hệt sừng của các loài động vật và vì vậy mới hình thành nên tên gọi riêng của loại bệnh này.
Trường hợp cổ nhất mọc sừng được ghi nhận là bà Mary Davis, sống ở Saughall, Cheshire, Anh vào thế kỉ 17, sở hữu đến 4 chiếc sừng. Một trong những chiếc sừng của bà Mary hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Công nghệ Jurassic ở thành phố Culver, California, Mĩ.
Một trong trường hợp khác là người có chiếc sừng dài nhất chính là một phụ nữ ở Paris vào thế kỷ thứ 19, Madame Dimanche. Bà này có chiếc sừng dài tới 25cm. Hiện nay mô hình tượng sáp của bà Dimanche đang được trưng bày tại Bảo tàng Mutter tại Philadelphia.
Có khoảng 20% trường hợp sừng da có thể là dấu hiệu của căn bệnh về da tiềm ẩn nguy hiểm như ung thư biểu mô. Còn lại hầu hết những chiếc sừng này đều không đáng lo ngại ngoại trừ việc chúng rất khó coi. Những bệnh nhân mắc bệnh sừng da có thể thực hiện phẫu thuật loại bỏ bằng cuộc phẫu thuật khá đơn giản.
Mặc dù có nhiều giả thuyết từng được các nhà khoa học đưa ra, tuy nhiên cho đến nay, họ vẫn chưa thể có một lời giải thích chính xác cho hiện tượng mọc sừng kỳ quái ở con người.