Trong tiếng Malaysia, từ pengguling có nghĩa là “người cuộn tròn”. Đó là cái tên hoàn hảo cho tê tê—một trong những loài động vật có vú quyến rũ nhất trên Trái đất.
Trông giống như một loài thú ăn kiến mặc áo giáp, tê tê nổi tiếng cuộn tròn cơ thể thành những 'quả bóng' chặt như một cơ chế phòng thủ. Số lượng của chúng bao gồm 8 loài thuộc 3 chi (Manis, Phataginus và Smutsia).
Đáng buồn thay, hầu hết chúng đều được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công nhận là bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc cực kỳ nguy cấp, phần lớn do thịt và vảy của chúng được đánh giá cao vì đặc tính chữa bệnh ở một số nền văn hóa.
Điều đó đặc biệt đúng với loài tê tê khổng lồ (Smutsia gigantea). Là loài lớn nhất trong số 8 loài, nó có thể dài tới 1,2 mét, tê tê khổng lồ vẫn bị coi là một trong những loài bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Điều này đã khiến loài tê tê khổng lồ cũng như các loài tê tê khác bị tuyệt chủng trên phần lớn phạm vi tự nhiên dọc theo đường xích đạo châu Phi.
Từ thời xa xưa, phạm vi đó bao gồm cả quốc gia Senegal ở Tây Phi. Nhưng không ai phát hiện ra một con tê tê khổng lồ ở nước này kể từ năm 1999 cho đến gần đây.
Thời điểm cuộc chạm trán xảy ra giữa camera và loài sinh vật tưởng đã tuyệt chủng này là vào lúc 1h37 sáng giờ địa phương ngày 8/3/2023.
Lần cuối cùng tê tê khổng lồ được phát hiện ở Senegal là trong một cuộc khảo sát giám sát tương tự tại cùng một vườn quốc gia năm 1999. Bây giờ, 25 năm sau, nhóm nghiên cứu quốc tế đã báo cáo về cuộc chạm trán đầy bất ngờ này trên Tạp chí Sinh thái Châu Phi vào giữa tháng 5/2024.
Các tác giả viết: “Tê tê đã thu hút được sự quan tâm lớn trong những năm gần đây, phần lớn là do hoạt động buôn bán loài này với quy mô chưa từng có. Những cuộc khảo sát lại như vậy không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm kê đa dạng sinh học có hệ thống mà còn cả giá trị quan trọng của các khu bảo tồn rộng lớn ở Tây Phi".
Mặc dù được cho là đã tuyệt chủng cục bộ ở Senegal nhưng loài tê tê khổng lồ vẫn sống ngoài biên giới nước này trong các khu rừng ẩm ướt ở phía Tây và Trung Phi. Tuy nhiên, ngay cả ở những khu vực này, nạn phá rừng và buôn bán động vật đã đẩy loài tê tê khổng lồ vào tình trạng bảo tồn “dễ bị tổn thương”.
Vì vậy, việc phát hiện ra loài này ở một quốc gia về cơ bản coi loài động vật có vú này đã tuyệt chủng có thể gia tăng các nỗ lực bảo tồn trong khu vực.
Alain DT Mouafo, thành viên Nhóm chuyên gia về tê tê của IUCN, nói với New Scientist rằng: "Cảnh tượng này mang lại tia hy vọng cho sự sống sót của tê tê khổng lồ ở Tây Phi và có thể được sử dụng để nâng cao nhận thức cộng đồng về hoàn cảnh bị săn bắt của tê tê tại đây nói riêng và thế giới nói chung".
Người ta hy vọng rằng tê tê châu Phi sẽ có cuộc sống tốt hơn so với những người anh em họ hàng châu Á của chúng, vốn hầu hết đều đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Nhận thức được rằng những sinh vật hấp dẫn này vẫn đang sống ở những khu vực mà trước đây chúng bị coi là tuyệt chủng sẽ giúp chúng có cơ hội sống sót và được bảo vệ tốt hơn.