Nhưng con sông ấy không phải lúc nào cũng thơ mộng. Vào những năm 1950, sông Thames đã từng bị ô nhiễm nặng nề, đến mức các nhà sinh học buộc phải xác nhận rằng nó đã "chết về mặt sinh học". Lượng oxy trong nước khi đó không đủ để bất kỳ sinh vật nào có thể tồn tại.
Và bởi vậy, bức ảnh dưới đây mới trở nên thực sự có ý nghĩa với khoa học và người Anh nói riêng.
Vết đen trong hình là hải cẩu - cụ thể là hải cẩu cảng. |
Những vết đen trong hình là hải cẩu - cụ thể là hải cẩu cảng, tổng cộng 138 con. Chúng là những con hải cẩu ra đời ngay tại sông Thames trong suốt 12 tháng qua, theo số liệu của Hội Động vật học London (ZSL - Anh Quốc).
Cụ thể, ZSL từ năm 2013 đã bắt đầu chương trình tính toán lại số lượng hải cẩu trên sông Thames. Năm 2017, có 1104 con hải cẩu cảng, và hơn 2400 hải cẩu xám xuất hiện ở cửa sông. Điều này cho thấy con sông đang dần trở thành một nơi đáng sống, cho phép hải cẩu có được lượng thức ăn dồi dào hơn.
Con sông hồi sinh
Dĩ nhiên, một con sông đang ô nhiễm đến mức "chết" không thể tự dưng được như vậy, mà do con người xung quanh đã nhận thức được các vấn đề về môi trường. Vào những năm 1970 - 1980, các nguồn thải nguy hiểm xuống sông đã giảm đáng kể. Người dân cũng không còn sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ... để tránh việc mưa cuốn trôi xuống sông.
Được biết, lượng hải cẩu tại sông Thames đang tăng dần qua từng năm, nhưng chưa rõ điều này là do lượng hải cẩu sẵn có sinh ra thế hệ mới, hay do hải cẩu từ các khu vực khác nhập đàn sau khi đàn của chúng bị tan rã. Bởi vậy, ZSL quyết định thực hiện khảo sát số lượng hải cẩu từ trên không, dựa vào một loại máy bay cỡ nhỏ. Đây là cách được cho là dễ dàng hơn để đếm số lượng hải cẩu thực sự trong một khu vực, vì loài vật này thường di chuyển khá nhiều.
Lượng hải cẩu tại sông Thames đang tăng dần qua từng năm. |
"138 con hải cẩu đã được sinh ra chỉ trong 1 mùa" - Thea Cox, chuyên gia bảo tồn cho biết.
"Lũ hải cẩu sẽ không thể sinh nở tại đây mà không có nguồn thức ăn dồi dào, vậy nên có thể nói hệ sinh thái tại sông Thames đang hồi sinh, nhất là so với thời điểm chúng được xem là đã "chết" vào thập niên 1950".
Anna Cucknel, giám đốc dự án bảo tồn sông Thames của ZSL cho biết: "Việc khôi phục Mẹ sông Thames - cách chúng tôi gọi con sông - là cực kỳ quan trọng đối với hệ sinh thái và các loài vật. Giờ đây con Mẹ đang là mái nhà cho hơn 100 loài cá - bao gồm 2 loài cá mập, nhiều loài cá ngựa và cả loài cá chình châu Âu vốn đang bị đe dọa".
"Đáng chú ý, lũ hải cẩu cảng non có thể bơi được chỉ vài giờ sau khi sinh, nghĩa là chúng thực sự thích nghi rất tốt với môi trường sống trong khu vực này".
"Khi triều lên, chúng có thể bơi ra biển".
"Hải cẩu xám thì cần nhiều thời gian hơn để thích nghi. Vậy nên chúng sẽ sinh sản ở một nơi khác, sau đó quay lại sông Thames để kiếm ăn".