Dị ứng trứng gà là một trong những dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ em dưới 2 tuổi nhưng lại rất hiếm khi xảy ra đối với người lớn. Các chuyên gia ước tính rằng có từ 50 đến 80% trẻ em bị dị ứng trứng sẽ khỏi khi lên 10 tuổi. Đến tuổi thiếu niên, hầu hết trẻ em sẽ hết dị ứng trứng.
Dấu hiệu người bị dị ứng trứng gà
Thực tế, nhiều phụ huynh dè dặt khi cho trẻ ăn trứng gà vì sợ dị ứng, nhất là giai đoạn tập ăn. Dị ứng trứng có thể gặp các triệu chứng như ngứa, nổi mề đay, phát ban, buồn nôn, tiêu chảy, đỏ và chảy nước mắt, sưng cổ họng hay môi, lưỡi… Ở mức độ nghiêm trọng, trẻ có thể bị phù mạch, khó thở, tim nhanh, hạ huyết áp, sốc, đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng.
Lý giải tình trạng này, các bác sĩ cho biết lòng trắng trứng gà là nguồn gây dị ứng chính, gồm 23 protein, dị nguyên chủ yếu là Gal d1, Gal d2 (chiếm 54 % của các protein), Gal d3 và Gal d4. Phần lớn các dị nguyên lòng trắng trứng nhạy cảm với nhiệt độ, nên khi trứng chín có thể dung nạp trong vài trường hợp. Gal d1 mang tính chất dị ứng mạnh nhất.
Để chẩn đoán dị ứng trứng gà, bác sĩ dựa vào bệnh sử, lâm sàng, cận lâm sàng như xét nghiệm lẩy da, IgE đặc hiệu, chế độ loại bỏ dần thức ăn gây dị ứng, kiểm tra kích thích đường miệng….
Các biến chứng dị ứng trứng gà
Rất hiếm khi xảy ra các phản ứng nghiêm trọng như thở khò khè, khó thở hoặc sốc phản vệ khi dị ứng trứng. Tuy nhiên khi sốc phản vệ cần cấp cứu ngay lập tức. Lúc này dị ứng tác động đến toàn thân gây ra biểu hiện bằng khó thở, huyết áp thấp, lú lẫn, mất ý thức.
Đôi khi, sốc phản vệ chỉ bắt đầu với các triệu chứng dị ứng nhẹ chẳng hạn như ngứa hoặc chảy nước mũi, nhưng nhanh chóng tiến triển gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Cách phòng dị ứng trứng gà, đặc biệt với trẻ nhỏ
Cách tốt nhất để phòng ngừa là tránh không ăn trứng hoặc những thực phấm có chứa trứng. Một vài trẻ khi lớn lên có thể vẫn duy trì tình trạng này, bởi vậy việc kiểm tra và xác định các thực phẩm bao gồm trứng là vô cùng cần thiết. Tránh ăn những thực phẩm chứa trứng.
Những trẻ mắc phải dị ứng trứng đều nên có kế hoạch trong trường hợp không may ăn phải trứng. Trao đổi với bố mẹ, bác sĩ và thầy cô giáo ở trường để có được những phương pháp giải quyết trong những trường hợp cần thiết.