Ảnh minh họa. |
Vitamin A trong gan cao hơn nhiều so với sữa, trứng, thịt, cá - nó có tác dụng duy trì sự sinh trưởng bình thường. Ngoài ra, gan còn làm sáng mắt, phòng trừ bệnh khô mắt, mỏi mắt. Gan còn là loại thức ăn làm đẹp da hơn nhiều so với thịt lợn. Gan chứa nhiều B2 bổ sung quan trọng dịch thể cho cơ thể, có tác dụng giải chất độc hại trong cơ thể.
Trong gan hàm chứa nhiều chất sắt, có tác dụng điều tiết, cải thiện tình trạng thiếu máu. Gan còn chứa nhiều vitamin C và vi lượng selen - là chất mà trong các loại thịt khác không có. Nó tăng cường sức miễn dịch cho cơ thể, chống oxy hoá, chống lão hoá, ức chế các tế bào ung thư. Những người thiếu máu, những người suy nhược ăn gan rất tốt.
Đông y gọi gan là "can". Món ăn này có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ gan, dưỡng huyết, minh mục (làm sáng mắt), dùng trị huyết hư, vàng da, quáng gà, mắt đỏ, sưng vú, cước khí... Gan thường được dùng trị bệnh thiếu máu, quáng gà bằng cách: Nấu gan với lá dâu non để ăn; trị bụng hư lạnh, ỉa chảy lâu ngày, xích bạch đới (dùng gan thái mỏng tẩm bột quả lộc vừng, nướng chín ăn vào lúc đói). Gan chứa nhiều cholesterol (trong 100g gan có tới 368mg cholesterol) nên ăn nhiều và ăn thường xuyên bất lợi đối với người cao huyết áp, cao mỡ máu.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, dân gian có câu "Ăn gì bổ nấy" - Điều này không phải không có lý. Gan động vật cũng là thức ăn bổ dưỡng, với điều kiện đó phải là gan ở động vật khoẻ, không bị bệnh, khi đến tay người tiêu dùng không bị ôi thiu, chế biến đúng cách (nấu chín kỹ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm). Tất nhiên, không nên lạm dụng "ăn gì bổ nấy" mà ăn quá nhiều, ăn vô tội vạ một loại thực phẩm. Ăn chừng mực, đa dạng thực phẩm, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, chế biến đúng cách thì sẽ không gây hại cho sức khoẻ.