Con cái vào ngó một lần rồi thôi, còn bà vợ thì chả thấy đâu. Mấy ông nằm giường bên cạnh có vợ con chăm sóc ngày đêm thì tỏ ý thương cảm. Mấy bà thì ngồi kể tội con cái vô ơn, bé thì được bố mẹ chăm sóc bú mớm từng li từng tí giờ thì bố ốm đau cũng chả thấy mặt đâu.
Ảnh minh họa. |
Tình cờ tôi lại quen với một chị con gái của người đàn ông đấy. Ông bỏ mẹ chị khi đã có đủ cháu nội, ngoại để lấy một bà trẻ hơn nhiều tuổi. Các con, đứa nào phản đối thì ông từ. Được vài năm, đã có thêm một đứa con với bà hai, ông lại bỏ bà để lấy bà ba. Được một thời gian, thấy ông bà hạnh phúc, đi đâu cũng có nhau, vậy mà đến khi ông phải nằm một chỗ chả thấy bà nào vào chăm.
Hóa ra mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó cả. Tình cảm gia đình, ngoài cái tình còn là cái nghĩa gắn bó. Những lúc ốm đau, những lúc khó khăn cùng nhau chia sẻ, cùng nhau vượt qua, chăm sóc, quan tâm đến nhau trong từng việc nhỏ trong đời sống hàng ngày thì khi về già, nhỡ có ốm đau bệnh tật, có phải chăm sóc nhau thì cũng thấy đó là niềm vui chứ không phải gánh nặng. Còn nếu lúc trẻ sống ích kỷ, bỏ mặc, ruồng rẫy vợ con để đi theo người khác, để thỏa mãn những cái tôi của mình... thì lúc về già mà đòi vợ con tận tụy chăm sóc thì khó lắm.
Vì vậy, đừng chủ quan là mình còn trẻ, muốn làm gì thì làm. Đúng là ta có thể sống theo ý mình, có thể bỏ bố mẹ già sống nghèo khổ ở quê để theo đuổi cuộc sống hiện đại của mình nơi thành phố. Có thể bỏ phắt người vợ đã cùng bạn vượt qua thời gian khó để đến với người mới xinh đẹp, giỏi giang, giàu có hơn. Có thể bỏ những đứa con đang cần một người cha, bỏ mái nhà yên ấm để đi xây một tổ ấm mới cho mình...
Bạn có thể làm tất cả với suy nghĩ phải sống hết mình, sống trước hết cho bản thân... Nhưng ai rồi cũng sẽ già, cũng cần một bờ vai để dựa vào, cần một bàn tay ân cần chăm sóc. Đừng để đến lúc về già, ốm đau lại chịu cảnh cô đơn như người đàn ông kia.