Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn Phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp...
Ảnh minh họa. |
Luật sư Hùng cho biết thêm, ô tô và xe máy là 2 loại phương tiện cơ giới khác nhau nên khi điều khiển phương tiện nào, người lái xe phải có Giấy phép lái xe phù hợp loại xe đó. Như vậy, người tham gia giao thông phải sử dụng bằng lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển, không được dùng bằng lái ô tô thay cho bằng lái xe máy. Người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 5 và khoản 7 Điều 18, Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Cụ thể, phạt tiền 2-4 triệu đồng với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW và các loại xe tương tự xe mô tô mà không có giấy phép lái xe.
Phạt tiền 6-8 triệu đồng với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cm3 trở lên hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW mà không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển.
Trưởng Văn Phòng luật sư Kết Nối nhấn mạnh: "Quy định yêu cầu người điều khiển xe máy phải có bằng lái xe máy nhằm mục đích đảm bảo an toàn giao thông. Điều khiển xe máy không chỉ yêu cầu kỹ năng lái xe mà còn đòi hỏi người lái phải hiểu rõ các quy tắc giao thông, có khả năng xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm.
Những người chỉ có bằng lái ô tô, nhưng lại lái xe máy sẽ không được đào tạo đầy đủ về các kỹ năng này, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Đối với những người chỉ có bằng lái ô tô nhưng muốn lái cả xe máy, cách duy nhất là làm thủ tục thi và cấp bằng lái xe máy".
>>> Xem thêm video: CSGT xin đường cho xe chở sản phụ vỡ ối đến bệnh viện Từ Dũ