Đến sáng 23/4, Bộ Y tế cho biết, cả nước còn 45 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 8 cơ sở y tế. Trong số này có 3 bệnh nhân nặng gồm bệnh nhân 19 và 161 đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương và bệnh nhân 91 điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Bệnh nhân nặng nhất là bệnh nhân 91, 43 tuổi, phi công Vietnam Airlines. Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, đến sáng 23/4, tình trạng của nam phi công người Anh có tiến triển tích cực hơn.
Kết quả xét nghiệm PCR dịch mũi họng và dịch rửa phế quản ngày 22/4 của bệnh nhân 91 đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. |
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp bình thường, đang thở máy kết hợp ECMO, đã ngưng dùng thuốc vận mạch và ngưng lọc máu.
Sáng nay, bệnh nhân nằm yên với thuốc an thần, không chảy máu thêm và tiểu nhiều. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm PCR dịch mũi họng và dịch rửa phế quản ngày 22/4 của bệnh nhân đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Kết quả siêu âm cho thấy tình trạng phổi của bệnh nhân xấu hơn so với phim trước. Bệnh nhân tiếp tục được thở máy, can thiệp ECMO và kháng sinh, kháng nấm.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết, bệnh nhân 91 có kết quả âm tính là một tín hiệu tốt, tuy nhiên bệnh nhân vẫn được tiếp tục theo dõi kết quả xét nghiệm trong những ngày tiếp theo.
Tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân 91 đã kiểm soát tạm ổn, phổi bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục trở lại, X-quang phổi không phát hiện tổn thương xấu thêm, bệnh nhân tiểu tốt, 3 lít/ngày.
Bệnh nhân 91 có tiền sử béo phì (cân nặng 100kg, cao 1,83 m) sốt cao liên tục từ khi nhập viện ngày 20/3, tình trạng suy hô hấp tăng dần, tổn thương phổi nặng nề.
Bệnh nhân được điều trị hỗ trợ hô hấp thở oxy qua mũi, sau đó chuyển sang thở oxy qua mặt nạ từ 25/3. 10 ngày sau, bệnh nhân tiếp tục phải chuyển sang thở máy xâm lấn do bệnh diễn tiến nặng. Từ 6/4, bệnh nhân sốt cao, suy hô hấp, phải hỗ trợ ECMO. Một ngày sau, bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng, suy đa tạng. Đã có lúc các chuyên gia tiên lượng bệnh nhân khó qua khỏi.
Hiện hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế vẫn theo dõi sát diễn biến bệnh nhân này cùng hai bệnh nhân 19 và 161, hỗ trợ các bác sĩ trực tiếp điều trị.
Trong suốt quá trình điều trị, tất cả các trường hợp bệnh nhân nặng đều được hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực hồi sức tích cực, hô hấp, tim mạch… hội chẩn liên tục.
Cũng trong sáng 23/4, tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP.HCM), bệnh nhân COVID-19 cuối cùng điều trị tại đơn vị này đã được công bố khỏi bệnh. Như vậy, tổng số trường hợp khỏi bệnh ở Việt Nam là 224/268 ca (chiếm 84% tổng số bệnh nhân).
Bệnh nhân khỏi bệnh hôm nay là ca bệnh 206, 48 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ Quận 2, TP.HCM, vào viện ngày 27/3/2020.
Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhiều lần và được công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi, cách ly thêm 14 ngày dưới sự giám sát của y tế địa phương.
Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ hiện không còn bệnh nhân nào điều trị.
TP.HCM chỉ còn điều trị cho trường hợp duy nhất là nam bệnh nhân số 91, đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM. Đến sáng nay, tình trạng bệnh nhân ổn định, không sốt, mạch huyết áp bình thường, tiếp tục thở máy và can thiệp ECMO.
Mời độc giả theo dõi video "Hướng dẫn tự cách ly tại nhà để phòng dịch COVID-19". Nguồn: VTC Now.
Số ca mắc mới tính từ 18h00 ngày 22/4 đến 6h00 ngày 23/4 là 0 ca. Như vậy, tính từ sáng ngày 16/4 đến nay đã 1 tuần liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, số ca mắc hiện vẫn là 268.
Dù hiện này đã nới lỏng giãn cách xã hội nhưng theo nhận định tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị người dân cần làm tốt 5 điểm sau để phòng chống COVID-19:
1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết
2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.
5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.