Cơn sốt phim "Hậu duệ mặt trời" đang khiến giới trẻ Việt Nam "phát điên phát cuồng". Quân đội Hàn Quốc cũng như bộ quân phục quân nhân nước này cũng trở thành mốt. Việc giới trẻ Việt hâm mộ phim Hàn Quốc không có gì đáng nói, nếu không có hiện tượng những người của công chúng được ghép hình lên các bộ trang phục ấy một cách đầy ngưỡng mộ.
Vô hình trung, bộ quân phục này trở thành niềm tự hào mà ít ai ngẫm lại chuyện trước đây, bộ quân phục đã vấy màu đồng bào mình.
Chúng ta đồng ý rằng, cần khép lại quá khứ chiến tranh đau thương - nhưng khép lại không có nghĩa là hoàn toàn quên lãng. Và sự ngưỡng mộ công khai xuất phát từ những con người của công chúng với một đạo quân gây tội ác cho dân tộc mình là điều không nên.
Xin mạn phép bàn thêm một chút về đạo quân được gọi ca ngợi trong "Hậu duệ mặt trời". Xét trong lịch sử, quân đội Hàn Quốc chưa bao giờ được coi là đạo quân anh hùng, chưa bao giờ bảo vệ thành công tổ quốc của chính mình, thì có gì ghê gớm để những nam thanh nữ tú tận xứ Việt xa xôi lại hâm mộ một cách quá đà như vậy?
Chưa kể rằng, đây còn là đạo quân đánh thuê khét tiếng tàn ác. Mà với người dân miền Trung và miền Nam Việt Nam là một ví dụ.
Hình ảnh các ca sỹ Bảo Anh, Đông Nhi, Ông Cao Thắng trong trang phục quân đội Hàn Quốc. |
Trong chiến tranh Việt Nam, lính Đại Hàn là hung thần với người dân Việt Nam vô tội từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam...
Chỉ cần một lính Hàn bị giết, lính Hàn sẽ đem cả làng bị nghi ngờ ra xử bắn. Xả súng, ném lựu đạn thảm sát hàng loạt, hãm hiếp phụ nữ đến chết, xé đôi trẻ con… những gì đen tối nhất của thảm sát, của chiến tranh đều có thể tìm thấy ở những nơi lính Hàn càn quét, giết chóc.
Đã có ít nhất 43 vụ thảm sát đẫm máu do binh lính Hàn Quốc thực hiện tại Việt Nam được ghi nhận.
Có những làng mà sau một trận càn của lính Hàn hoàn toàn bị xóa sổ. Thân nhân của người chết ba ngày sau trở lại làng chỉ thấy vắng lặng, tan hoang, xác người nồng nặc tử khí, lũ chó gặp xác người chạy đi.
Có những phụ nữ mang thai bị găm trên mình loang lổ mảnh lựu đạn lính Hàn, chịu đựng 10 tiếng đồng hồ, đến khi lính Hàn rút đi thì mẹ chết đứa con trong bụng cũng chết. Những đứa trẻ mất cha mẹ trong đợt càn của lính Hàn, bơ vơ không biết dựa vào đâu, chết vì đói và kiệt sức trong những ngày sau đó…
Lính Hàn Quốc hành hạ một người dân Việt Nam. |
Vụ thảm sát Thái Bình
Vào một buổi sáng sớm của tháng 2/1966, một toán quân thuộc Sư đoàn bộ binh Mãnh Hổ của Hàn Quốc đã tiến vào làng Thái Bình (tỉnh Quảng Nam) trong một cuộc càn quét các du kích Giải phóng.
Tuy vậy, chúng chỉ tìm thấy trong ngôi làng 68 người, hầu hết là phụ nữ, người già và trẻ em. Những con người vô tội và không có khả năng kháng cự này đã trở thành đối tượng để “Mãnh Hổ” trút giận. Bằng hàng loạt phát súng và cả một quả lựu đạn, lính Hàn Quốc đã giết hại dã man 65 người.
Ba người may mắn sống sót trong vụ thảm sát sau đó đã trở thành nhân chứng tố cáo tội ác của Sư đoàn Mãnh Hổ. Để ghi nhớ sự kiện tang tóc này, một đài tưởng niệm khắc tên của 65 nạn nhân đã được dựng lên tại làng Thái Bình.
Vụ thảm sát Diên Niên – Phước Bình
Vào sáng ngày 9/10/1966, một trung đội lính Hàn Quốc thuộc Tiểu đoàn 3 - Lữ đoàn Rồng Xanh bắt đầu tập kích từ căn cứ đồi tranh Quang Thạnh (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vào thôn Phước Bình. Sau đó, chúng đổ quân càn quét, lùng sục tất cả nhà dân và hầm chống phi pháo, cưỡng bức nhân dân xóm Bình Trung (thôn Phước Bình) tập trung về sân trường học của thôn.
Sau khi tập trung dân, chúng bắt đầu xả súng và ném lựu đạn vào nhóm dân thường. Vụ giết chóc này làm 68 người dân thôn vô tội ngã xuống, trong đó có 21 cụ già, 47 phụ nữ và trẻ em.
Ngày 13/10, quân “Rồng Xanh” tiếp tục càn quét và hại thêm 112 người dân vô tội ở thôn Diên Niên gần đó.
Tổng cộng, trong hai ngày 9/10 và 13/10/1966, lính Hàn Quốc đã tàn sát 280 phụ nữ và trẻ em ở hai thôn Diên Niên, Phước Bình. Ngày nay, di tích vụ thảm sát Diên Niên - Phước Bình đã được xếp hạng và cấp bằng di tích quốc gia.
Những đứa trẻ bơ vơ sau khi bố mẹ bị giết chết bởi lính Hàn. |
Vụ thảm sát Bình Hòa
Ngày 3/12/1966, nhằm trả đũa các hoạt động du kích của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, lính Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc càn quét tại xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Trong vòng ba ngày, tại 5 địa điểm: buồng đất nhà ông Trắp, hố bom Truông Đình, Dốc Rừng, Đồng Chồi Giữa, đám ruộng giếng xóm Cầu, lính Hàn Quốc đã giết hại hàng trăm dân thường một cách dã man.
Cao điểm là vào chiều ngày 6/12, người dân đã bị cưỡng bức tập trung lại rồi bị lính Hàn Quốc đồng loạt xả đạn, khiến 267 người thiệt mạng.
Tổng cộng, trong thảm sát Bình Hoà, lính Hàn Quốc đã giết hại 430 người, trong đó có 269 phụ nữ (12 phụ nữ bị cưỡng hiếp đến chết), 104 người già, 174 trẻ em. 3 gia đình bị giết sạch không còn một ai.
Năm 1990, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng một tấm bia căm thù tại hố bom Truông Đình ghi lại tội ác này. Tháng 5/1991, di tích vụ thảm sát Bình Hòa được xếp hạng và cấp bằng di tích quốc gia.
Vụ thảm sát Bình An
Ngày 23/1/1966, quân Hàn Quốc bất ngờ tổ chức một cuộc tấn công vào Bình An (Nay là xã Tây Vinh - Huyện Tây Sơn - Tỉnh Bình Định). Chúng bao vây từ 4 phía với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ lực lượng của ta, nhưng đã bị đánh trả quyết liệt.
Tức tối vì không đạt được mục đích, ngày 7/2/1966, các đơn vị lính Hàn Quốc bắt đầu tiến hành một chiến dịch tấn công tàn bạo bằng vũ khí hạng nặng. Từ sáng sớm, các đơn vị pháo binh của địch đều nã đạn cấp tập vào Bình An. Khi pháo ngừng, lính Hàn Quốc lập tức ập đến.
Chúng tìm kiếm các hầm trú ẩn của dân ven làng, thả lựu đạn cay bắt mọi người phải trồi lên rồi thả sức tàn sát. Ngay trong ngày đầu chiến dịch, 58 người dân đã bị giết hại.
Những ngày sau đó, cuộc giết chóc, đốt phá ngày càng mở rộng qui mô và sự dã man. Trong ngày 12/2, 109 người đã bị giết hại. Ngày 23/2, tại khu vườn nhà ông Trương Niên ở thôn An Vinh, lính Hàn đã dồn 90 người dân tới, dùng súng trung liên hạ sát toàn bộ.
26/2 là ngày đẫm máu nhất, khi lính Hàn Quốc dồn tất cả những người chúng bắt được ở các nơi về Gò Dài (thôn An Vinh). Chúng đã giết hại 380 người bằng những hành động man rợ như hãm hiếp rồi dùng lưỡi lê đâm vào cửa mình phụ nữ, chất rơm đốt lửa thiêu sống trẻ em…
Chiến dịch thảm sát của địch đã khiến trên 1.000 dân lành bị giết hại, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Sự sống ở Bình An gần như bị hủy diệt hoàn toàn.
Vụ thảm sát Cây đa Dù
Sáng mùng 4 tháng Giêng năm Mậu Thân (12/2/1968), người dân các làng Phong Nhất, Phong Nhị ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã bị đánh thức bởi tiếng đạn pháo và súng máy. Sau đó, lính Hàn Quốc xuất hiện và áp giải rất nhiều phụ nữ, người già, trẻ em đến cây đa Dù ven quốc lộ 1A. Tất cả những người này sau đó đã bị hành quyết một cách dã man.
Theo các báo của của Mỹ, từ 70 – 80 người dân không có vũ khí đã thiệt mạng. Đơn vị gây ra tội ác chiến tranh này là Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến số 2 của Hàn Quốc.
Mâu thuẫn giữa Mỹ và Hàn Quốc đã xảy ra trong việc điều tra về vụ thảm sát. Phía Hàn Quốc đã ngụy biện rằng thủ phạm của vụ thảm sát là những “binh sĩ Việt Cộng mặc đồng phục lính Hàn Quốc”.
Tuy vậy, Đại tá Robert Morehead Cook, tổng thanh tra của Lục quân Hoa Kỳ đã bác bỏ luận điệu này và khẳng định chính các binh sĩ Hàn Quốc đã tiến hành vụ thảm sát.
Vụ thảm sát Hà My
Tờ mờ sáng 26 tháng Giêng năm Mậu Thân (25/2/1968), nhằm cưỡng bức người dân vùng bám trụ vào ấp chiến lược, hai đại đội lính của Lữ đoàn Rồng Xanh đã kéo đến bao vây làng Hà My (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Chúng gom người già, phụ nữ, trẻ em về xóm Tây ở ba điểm: Trước nhà ông Nguyễn Điểu (42 người); hầm nhà bà Lê Thị Thoại (16 người) và nhà ông Nguyễn Bính (74 người). Sau đó, chúng dùng súng tiểu liên, cối, lựu đạn, bắn và ném xối xả về phía người dân.
Man rợ hơn, sau khi tàn sát, chúng phóng hỏa đốt thiêu, thịt cháy khét, chỉ còn xương chất thành đống, chẳng ai còn gương mặt để nhận dạng.
Vụ thảm sát đã khiến 135 người bị sát hại, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em.
Vụ thảm sát Duy Trinh
Sáng 14/8//1968, lính Hàn Quốc đóng tại Hòn Bằng, cách làng Duy Trinh (Quảng Nam) chừng 400m bắt đầu càn vào làng. Vừa đi chúng vừa bắn. Phần lớn người ở lại là người già, trẻ con và phụ nữ chạy xuống hầm trú ẩn.
Quân địch phát hiện ra căn hầm nhà bà Thiệu tại xóm Mỹ An, liền ra lệnh mọi người ra khỏi nơi ẩn nấp, đứng xếp hàng trên miệng hầm. Một lát sau, chúng bắt tất cả trở lại hầm rồi bắt đầu cuộc giết chóc.
Rất lạnh lùng, lính Hàn Quốc thay nhau cứ bắn một phát lại ném một quả lựu đạn xuống hầm. Có tất thảy 14 người toàn bà già, phụ nữ, trẻ em vô tội bị sát hại thảm thương. Tất cả đều vùi trong căn hầm mà sau này trở thành ngôi mộ chung của họ.
Toán lính Hàn Quốc tiếp tục kéo qua xóm Vĩnh An cách đó chỉ chừng trăm mét. Vẫn hành vi man rợ như cũ, chúng lùa mọi người xuống hầm, lạnh lùng bắn một phát súng lại ném một quả lựu đạn. 18 thường dân vô tội khác đã thiệt mạng.
Tổng cộng, 32 đồng bào đã bị giặc giết trong vụ thảm sát ở làng Duy Trinh.
Tất cả tội ác của lính Hàn gây ra cho người dân Việt Nam, chúng ta cần phải nhớ, không phải kích động lòng thù hằn. Nhưng những gì là sự thật lịch sử thì nó là sự thật lịch sử.
Và trở lại câu hỏi: Chúng ta ứng xử với lịch sử dân tộc như thế nào?