Thực đơn “quốc yến” mà Tổng thống Mỹ chiêu đãi thượng khách, cũng là đồng minh chiến lược, đã được tiết lộ tràn ngập trên báo chí vào ngày hôm qua.
Món trứng cá muối, từ loại cá nuôi ở các cửa sông của bang Illinois; trứng chim cút bang Pennsylvania. Món salát mang cái tên mỹ miều "Khu vườn mùa đông" được lấy từ “rau vườn nhà” của đệ nhất phu nhân. Món chính bao gồm sườn bò được mang tới từ một trang trại của gia đình tổng thống ở Colorado, ăn kèm với khoai tây chiên tới từ Vermont. Kem vani có nguồn gốc từ bang Pennsylvania, kẹo bông rắc vỏ cam, kẹo mềm làm từ siro của cây phong ở bang Vermont. Và rượu vang trong "quốc yến" là loại được đặt từ California và Virginia, nơi vị thượng khách được chiêu đãi - Tổng thống Pháp Francois Hollande - vừa tới thăm.
Món sa lát "Vườn rau mùa đông", lấy cảm hứng từ vườn rau của bà Michelle Obama (Ảnh: AP) và chai vang Đà Lạt (ảnh nhỏ).
Sở dĩ phải liệt kê dài dòng tất cả các món ăn trên, là để nhấn mạnh nguồn gốc nội địa của tất cả các loại thực phẩm cho một bữa tiệc nhà nước. Nhưng nếu “đọc vị” thực đơn, khối anh nông dân Mỹ có thể cười phá lên rằng, “quốc yến cũng thường thôi”, hoặc tự tin hơn, họ hoàn toàn có thể "ngỏ lời" mời khách tới dự một bữa ăn tại gia với các loại sơn hào, hải vị thậm chí còn "hoành tráng" hơn cả Nhà Trắng!
Nói đến chai rượu “quốc yến” chỉ có giá 30 USD, lại nhớ đến chai vang Đà Lạt. Hồi hội nghị APEC diễn ra năm 2006, nông dân Đà Lạt đã sung sướng và đầy tự hào người khi Chính phủ chọn vang Đà Lạt làm thức uống chính thức chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia.
Quyết định ấy bấy giờ gây cảm hứng đến mức có người “thổn thức lên mây”, rằng: “Cũng là đồ uống, vang Đà Lạt chất lượng cao thì có cơ may tồn tại và phát triển, còn nếu đi vào con đường “làm theo” vang Bordeaux hay vang California thì có bỏ công, bỏ của ra gấp 5 - 10 lần, nhưng sản phẩm chính quốc sẽ vẫn mãi mãi tụt hậu, phá sản cầm chắc trong tay”.
Nhưng sau 7-8 năm, điều gì đang xảy ra? Vang Pháp đang thống lĩnh toàn bộ thị phần rượu vang. Sau vang Pháp, hồi tháng 11 năm ngoái, một báo cáo cho biết vang Úc cũng len chân vào thị phần ít ỏi còn sót lại với 15%. Vấn đề đã có từ trước vẫn tồn tại: Người Việt hầu như không “tự hào hàng Việt” trong thực tế! Không chỉ rượu vang, giờ đến lượt bò Úc cũng được nhập nguyên con, "đàn áp" không thương tiếc bò Việt trên thị trường với giá bán không chênh lệch bao nhiêu! Rồi sau bò, đến lượt lô 600 con trâu đầu tiên vào Việt Nam.
Ngay cả đến “càphê số 1 thế giới” giờ cũng tủi phận “nấp” trong cái bóng nước ngoài. Tuần trước, BBC vừa làm một phóng sự điều tra cho biết lượng cà phê tiêu thụ tại Anh có nguồn gốc từ Việt Nam và đang đứng đầu thị trường này. Nhưng xem phóng sự, không ai mừng cả khi đằng sau đó là một sự thật mà có người gọi là “đắng hơn càphê”. Ấy là “khi tiêu thụ tại Anh thì càphê Việt Nam đã được pha chế qua bàn tay của các nhà sản xuất Brazil. Nghĩa là nó đã khoác một cái vỏ bọc là càphê Brazil và hầu hết người uống cà phê ở Anh vẫn tin đó là cà phê Brazil”.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang chờ phía trước, với việc cánh cửa bảo hộ phải mở. Vang Đà Lạt sẽ ra sao khi những chai rượu vang California có mặt trong "quốc yến" của Tổng thống Mỹ sẽ tràn vào Việt Nam khi thuế suất trở về 0%?