Vụ tai nạn xe cứu hỏa của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội đi ngược chiều khi làm nhiệm vụ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ va chạm với xe khách khiến một chiến sĩ cảnh sát PCCC tử vong, nhiều người bị thương đang tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề pháp lý về việc xe cứu hỏa có được đi ngược chiều trên cao tốc, nếu được thì đi vào làn nào, lỗi thuộc về ai …
Bởi theo quy định của pháp luật, xe cứu hỏa trong trường hợp đi làm nhiệm vụ được ưu tiên đi vào đường ngược chiều và xe khách vẫn đi đúng làn, đúng tốc độ (87km/h/100km/h). Tuy nhiên vụ tai nạn kinh hoàng vẫn xảy ra. Điều này đã bộc lộ những bất cập về các quy định xe ưu tiên được đi vào làn đường một chiều trên cao tốc.
Hiện trường vụ tai nạn. |
Vậy xe cứu hỏa ngược chiều trên cao tốc với tốc độ cao có đúng quy định?
Trả lời câu hỏi này, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, theo báo cáo, xe cứu hỏa phải sử dụng quyền ưu tiên chạy ngược chiều trên cao tốc để làm nhiệm vụ do nơi xảy ra tai nạn bị ùn tắc giao thông.
Theo đó, vào khoảng 16h30 ngày 18/3, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội nhận được tin báo từ Trung tâm cứu thương 115 tại khu vực Trạm thu phí Vạn Điểm - Đỗ Xá hướng Hà Nam - Hà Nội trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra vụ va chạm giao thông giữa xe khách và xe tải dẫn đến một số người bị thương và mắc kẹt trong xe cần cứu hộ, cứu nạn. Nhận được tin báo, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã điều động Phòng Cảnh sát PCCC số 12 xuất một xe cứu nạn, cứu hộ và 7 chiến sĩ PCCC đến hiện trường thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ.
Do vị trí xảy ra tai nạn và tình hình ùn tắc giao thông hiện tại trên tuyến đường, để tiếp cận hiện trường nhanh nhất, xe cứu hỏa đã thực hiện quyền ưu tiên, đi vào đường ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Quá trình chạy, các thiết bị đèn, còi,… đều được kích hoạt sử dụng. Tuy nhiên, trên đường tiếp cận hiện trường vụ tai nạn, xe cứu hỏa đã xảy ra va chạm giao thông với xe khách 29B - 078.43 tại địa điểm gần Trạm thu phí Thường Tín (xã Văn Bình, huyện Thường Tín).
Xét theo quy định của pháp luật cụ thể tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ. Quyền ưu tiên của một số loại xe thì xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào. Khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Clip vụ tai nạn xe khách va chạm xe cứu hỏa -Nguồn: FB
Theo quy định trên, xe ưu tiên là những loại phương tiện thực thi công vụ, không bị hạn chế tốc độ và được phép đi vào đường ngược chiều hoặc bất cứ các đường nào khác có thể đi được, kể cả khi đã có tín hiệu đèn đỏ (chỉ trừ đoàn xe tang), nhưng phải tuân theo sự chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Dư luận cũng đặt ra câu hỏi, trong trường hợp trên, xe khách có phạm luật khi không nhường đường cho xe cứu hỏa dẫn đến vụ tai nạn đáng tiếc trên?
Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, thời điểm xảy ra vụ tai nạn với xe cứu hỏa, chiếc xe khách trên đang đi với tốc độ 87km/h so với tốc độ cho phép là 100km/h.
Theo các chuyên gia phân tích, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, xe cứu hỏa đi từ đường nhánh nhập vào rất nhanh nên từ khi phát hiện đến lúc xe khách lao đến, thời gian rất ngắn. Nếu lái xe khách chạy ở tốc độ 87km/giờ trong khoảng cách ngắn thì sẽ không phản xạ kịp và vụ tai nạn sẽ xảy ra.
Nếu đối chiếu theo các quy định trên, cả hai xe cứu hỏa và xe khách đều có lý do và có thể đều đúng nhưng vụ tai nạn vẫn xảy ra. Qua vụ việc này cho thấy, nhiều bất cập trong các quy định của pháp luật tại đường cao tốc. Như ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị diễn đàn OtoFun trao đổi với báo chí đã nói rằng: “Ở đây phải xét tình huống vụ việc cụ thể ở trên đường cao tốc, có những đặc điểm riêng so với đường bộ thông thường. Hạn chế lớn nhất là chúng ta chưa có luật riêng dành cho đường cao tốc mà vẫn phải điều chỉnh bằng Luật Giao thông đường bộ, vì vậy trong một số tình huống bất khả kháng rất khó xử lý”.
Trên thực tế, dù đã được quyền ưu tiên khi làm nhiệm vụ nhưng lái xe cứu hỏa khi tiếp xúc đường cao tốc, nơi có nhiều xe đang lưu thông với tốc độ cao cần xử lý tình huống cho phù hợp. Rõ ràng ở đây, tài xế xe cứu hỏa đã không quan sát khi nhập làn cao tốc. Luật quy định cho phép xe cứu hỏa được quyền ưu tiên nhưng không phải cứ có quyền là thích lưu thông thế nào thì lưu thông, bất chấp nguy hiểm cho những người trên xe và những phương tiện tham gia giao thông khác. Khi điều khiển xe thì phải đảm bảo an toàn mới nhập làn. Trong trường hợp này, giá như lái xe cứu hỏa điềm đạm hơn, bình tĩnh xử lý đưa xe nhập làn cứu hộ thì tai nạn đã không xảy ra.
Bên cạnh đó, cũng nên thẳng thắn nhìn nhận sự thiếu quan sát của lái xe khách. Bởi khi xe cứu hỏa dùng còi hú, đèn tín hiệu xin làn đường, theo quy định người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên. Rõ ràng những hình ảnh từ clip ghi lại vụ tai nạn giao thông cho thấy, xe khách không giảm tốc độ, không nhường quyền ưu tiên cho xe cứu hỏa theo luật định.
Theo lái xe khách giải thích, do trời mưa, đường trơn trượt nên không đi tốc độ cao. Đến khu vực xảy ra vụ tai nạn thì không nhìn thấy gì cả và lái xe cứ đi làn được phép. Khi thấy xe cứu hỏa chạy ra rất nhanh đã không kịp xử lý.
“Ai lái xe cũng biết các xe thường chạy tốc độ cao trên đường cao tốc, bình thường xe chạy ngược chiều đã rất nguy hiểm, chưa kể xe cứu hoả lấn làn. Khi ấy, khoảng cách 2 xe rất gần, không tài nào tránh kịp”, tài xế xe khách chia sẻ với báo chí.
Liên quan vụ việc trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra nguyên nhân, trách nhiệm của các bên trong vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ khiến 11 người thương vong. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét cụ thể các tình huống và trách nhiệm của cả hai bên liên quan, ai có lỗi xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cần xem xét loại bỏ quyền đi ngược chiều vào đường cao tốc của các xe ưu tiên, vì đã là cao tốc thì việc các xe chạy cao tốc sẽ rất khó giảm tốc độ khi gặp tình huống xe ngược chiều lấn làn như vụ tai nạn trên.