Vườn rộng gần 3.000m2 trồng hơn 200 gốc đào, trong đó có 100 gốc đào cổ thụ có tuổi đời từ 80-150 năm được anh Kiên mua trên các bản làng xa xôi ở hai huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu (Yên Bái) từ nhiều năm nay.
Sau khi mua về anh đã thuê nghệ nhân tạo hình, ghép với đào bích để tạo thành những cây đào thế mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Ông Dương Đắc Kiểm, nghệ nhân trồng đào |
Lạc vào vườn đào cổ thụ của gia đình anh những người mê cây cảnh, nhất là hoa đào không khỏi ngỡ ngàng trước những “cụ đại lão đào” cả trăm năm tuổi, địa y phủ đầy cổ kính như lạc vào mê cung của xứ sở hoa đào.
Cây đào có tên "Lão Mai sinh quý tử", cao gần 2m được ghép với đào bích trên cây có hai màu hoa. Đào bích hoa đỏ rực rỡ, còn đào núi hoa phớt hồng, như sự giao thoa của hai giống đào trên một thân cây.
Nghệ nhân Dương Đắc Kiểm hơn 20 năm chơi đào thế là tác giả ghép các giống đào với nhau cho biết: "Cây đào này chúng tôi mua của hộ người dân ở xã Khao Mang trên độ cao hơn 1.300m. Chúng tôi phải thuê người đào, vận chuyển qua nhiều đèo dốc để mang về được tới đây là cả một kỳ công, việc ghép thành công giống đào bích lên cây đào này còn kỳ công hơn…".
Ông Kiểm chỉ những lá đào non tơ và những nụ hoa đào bích bên những nụ hoa đào rừng với niềm vui khôn tả.
Nhìn cây đào Long thăng - Hổ phục khoảng 110 tuổi, anh Lê Tuấn Kiên kể: "Cây đào này chúng tôi mua của gia đình ông Thào A Dơ ở xã Bản Mù (Trạm Tấu) trên độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển. Ông Dơ năm nay đã hơn 70 tuổi kể, khi ông sinh ra đã thấy cây đào này. Bố ông bảo cây đào này do cụ ông trồng bằng hạt ở cạnh chuồng trâu. Chả ai chú ý gì đâu nên nó không to như những cây đào khác, nó hơn tuổi của bố ông Dơ... Mặc dù cây đào không ai chăm sóc, nhưng nó bất chấp sương mù, giá rét vươn cành như dáng rồng bay giữa đại ngàn mây trắng. Dưới gốc nó là dáng con hổ nằm phủ phục".
Cây đào song thụ |
Cây đào này đã có người trả 80 triệu nhưng anh Lê Tuấn Kiên vẫn chưa bán.
Cây Song thụ mà ông Dương Đắc Kiểm không biết được tuổi của nó là bao nhiêu, chắc cũng trên 100 năm, cây già lụ khụ, thân đã rỗng ruột chỉ còn một lớp da quanh thân cây già nua. Cây Song thụ đã được ông chăm sóc tái sinh và ghép với một số cành đào bích. Nhìn màu hoa rực rỡ đủ thấy sự hồi sinh của cây đào này.
Cây Long sà, cành la trên mặt đất giống như dáng con rồng đang sà xuống hồ Bạch Long phía cuối vườn uống nước. Cây này chỉ ghép một số cành đào bích, còn chủ yếu là cành cây nguyên thủy nom như những vây rồng. Chỉ ít ngày nữa hoa nở người ta mới thấy sự kỳ diệu của cây Long sà.
Anh Lê Tuấn Kiên bên cây Long sà |
Có một cây độc nhất vô nhị, đó là cây Bạch đào, ngót nghét trăm tuổi. Anh Lê Tuấn Kiên cho biết: "Cây này chúng tôi mua ở xã Chế Cu Nha, cây gần như bị bỏ quên trong một hẻm núi. Chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng lần đầu nhìn thấy cây đào này, với màu hoa trắng muốt như những bông tuyết giữa màu xanh của núi rừng. Mới đầu tôi cứ tưởng là hoa mận, nhưng người dân bảo là hoa đào, tôi nhìn kỹ mới thấy đúng là hoa đào. Mê quá, tôi đã mua cây đào này về đây. Bác Kiểm đã giúp tôi nhân giống, nhưng chưa dám nói có thành công hay không. Vì thế, đây là cay bạch đào độc nhất vô nhị mà tôi từng thấy...".
Cây bạch đào |
Cây Lão làng một người ôm mới kín gốc, anh Kiên cho biết: Cây đào này tôi mua của người dân trồng trên nương gần đỉnh đèo Khau Phạ, nên cây không cao như những cây đào khác, vì trên núi có rất nhiều gió, tất cả những loài cây mọc trên độ cao hơn 2.000m đều lùn, gốc to, dễ trồi lên khỏi mặt đất vằn vện như dây thừng. Có người đã trả tôi 150 triệu, nhưng chúng tôi không bán. Khi đã đưa “cụ đào” này về đây thì “cụ” ở lại đây, sống ở đây và chết tại đây…