Vội vàng

Anh chị gặp nhau, rồi vội vàng cưới nhau chỉ sau vài tháng. Bây giờ thì cả hai bắt đầu chán nhau. Họ đã tính đến chuyện chia tay...

Họ đâu còn trẻ mà bảo nông nổi? Anh đã bước sang tuổi bốn mươi. Chị ở tuổi ba sáu. Anh là nhà thiết kế máy cơ khí của một công ty chế tạo thiết bị chuyên dùng. Chị là bác sĩ ở một bệnh viện lớn của thủ đô. Anh không thuộc loại xấu trai. Chị thuộc loại xinh gái. Nói tóm lại, là họ đủ sự từng trải và sự khôn ngoan, để tiến tới một cuộc sống gia đình.

Họ biết nhau trong trường hợp khá tình cờ. Mọi khi chị về nhà sớm. Nhưng hôm đó xe hỏng. Cái xe SH mới cứng bỗng dưng dở chứng. Không thể thuê một chiếc xe chở hàng mini chở về. Không có cửa hàng cửa hiệu quanh đây. Vậy là chị tính bài dắt bộ. Khi chạy, nó là một cỗ xe rất đáng yêu. Nhưng khi chết máy, thì đúng là thứ của nợ. Chị vừa dắt vừa thở.

Thế rồi gặp anh. Anh ta đang đi, bỗng giảm tốc độ, rồi dừng hẳn chờ chị dắt tới. “Chị để gọn vào đây. Tôi chỉ sửa loáng cái, là chạy ngon thôi mà”. Chị có vẻ lưỡng lự. Lòng tốt vô tư, hay có mưu đồ gì đây? Chị nghĩ vậy, nhưng đã quá mệt, đành làm theo lời anh ta.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh ta có vẻ rất thành thạo với chiếc xe. Lấy túi đồ nghề từ cốp xe, dường như anh ta đã đoán được xe hỏng ở chỗ nào. Quả thật, chỉ trong vòng mươi phút, chiếc xe đã nổ máy ngon lành.

“Anh ơi! Hết…hết bao nhiêu?”. “Hết gì cơ?”. “Là muốn hỏi anh, anh sửa…hết bao nhiêu?”. Anh ta vừa lau tay, vừa cười phá lên: “Tôi có phải thợ sửa xe đâu? Tôi giúp chị thôi mà. Có lẽ hôm qua trời mưa, xe chị đi, dính nước”. Chị bối rối: “Rất cảm ơn anh. À, tôi ở bệnh viện…Nếu có lúc nào cần khám, hoặc tư vấn, xin anh đến khoa tiêu hóa”.

Anh ta nhìn chị, cầm cái danh thiếp chị đưa và ngắm nghía. Rồi anh ta rút điện thoại, bấm bấm, gọi cho ai đó. Chị bỗng giật mình khi thấy điện thoại đổ chuông. Chị lấy máy ra. Anh ta cười: “Số của tôi đó. Nếu cần, thì chị lưu lại. Tôi là kỹ sư cơ khí, có cần gì…tôi rất hân hạnh được giúp chị. Chị tên? À, đây rồi. Hoàng Phương Lan. Tên hay quá. Tên tôi là Túc. Lê Huy Túc".

Vậy là họ quen nhau. Anh không đến khám ở phòng chị, nhưng đã hai lần mời chị đi uống cà phê. Và họ cũng nhanh chóng hiểu hoàn cảnh của nhau. Chị lỡ một lần kết hôn. Còn anh thì đã li dị vợ ba năm nay. Tóm lại, là họ có thể đến với nhau. Có thể thành một tổ ấm. Mà xem ra, lại rất ăn ý. Rất “môn đăng hộ đối”.

Ít lâu sau (cái “ít lâu” này, chỉ tính bằng tháng) họ đi đến hôn nhân. Đám cưới thuê ở phòng cưới sang trọng. Cô dâu mặc váy trắng quết đất. Chú rể đóng bộ củ sẫm màu. Có dẫn chương trình. Có nổ sâm-panh. Nghĩa là đủ cả.

Không biệt thự. Nhưng căn phòng chung cư rộng tám mươi mét vuông, cũng đủ trở thành mênh mông với đôi vợ chồng. Họ cũng tổ chức một tuần trăng mật. Bố trí về hai quê thăm họ hàng. Tóm lại, đó là cặp đôi hoàn hảo, trên cả mức đẹp đôi thường tình. Một cặp vợ chồng hẳn sẽ hạnh phúc. Chí ít, thì con mắt bên ngoài nhìn vào, đều thấy như vậy.

Cũng theo nhận xét bên ngoài, đôi vợ chồng này có sinh ra một tá con (nếu Luật hôn nhân cho phép) thì họ cũng không có vấn đề gì về kinh tế. Phần lương “cứng” của hai vợ chồng đã hơn chục triệu. Phần lương “mềm” tức là làm thêm, thưởng quý, năm…bình quân cũng cỡ hơn chục triệu nữa. Vậy thu nhập của họ cỡ gần ba chục triệu mỗi tháng. Có ăn vàng cũng chả hết.

Ấy vậy mà mới sống được nửa năm, đã có vấn đề phát sinh. Mới đầu cũng nhỏ, khó chịu tí chút, dần dần trở thành nghiêm trọng.

Các cụ có nhận xét, lấy nhau mà không có con ngay, là dễ sinh chuyện. Còn nếu có con ngay, thậm chí cả “giống ngắn ngày” tức là vừa cưới xong đã có con, thì chả có vấn đề gì. Mọi chuyện sẽ bị xếp sang một bên, thậm chí xếp xó, khi cả hai vợ chồng phải chăm sóc đứa con. Thế nhưng không hiểu sao đã nửa năm trôi qua, mà cô vợ chưa thấy “tín hiệu” gì. Có ai hỏi, cô vợ chỉ thủng thẳng trả lời: “Cơm chưa ăn, gạo còn đó. Đi đâu mà vội”. Những người chậm hiểu, không rõ cô nàng trả lời thế, là có ý gì.

Vấn đề phát sinh có phải do chậm con, thì chưa rõ. Nhưng rõ ràng có sự trục trặc giữa hai vợ chồng.

Đầu tiên từ phía cô vợ. Cái bệnh nghề nghiệp đã khiến cô kỹ tính đến mức thái quá trong ăn uống, sinh hoạt, giao tiếp. Thức ăn thừa buổi sáng, chiều đã cho vào sọt rác rồi. Từ rau, củ, quả…bất cứ thứ gì cũng sục ô-zôn, đến mức ăn rau sống mà cứ như ăn rau tái.

Quần áo của chồng thì thôi rồi! Chưa bẩn đã giặt. Có hôm sơ ý, cô còn cho cả giấy tờ, tiền, chìa khóa vào…máy giặt. Chồng phải thường xuyên tắm, gội đầu. Đánh răng cũng phải “chuẩn” chứ không được cọ cọ, cào cào mấy cái cho xong chuyện. Ông chồng dần dần bị cấm uống rượu, hút thuốc, bia, cà phê…

Thứ hai, là từ phía anh chồng. Khi lấy nhau rồi, cô vợ mới phát hiện ra anh chồng không chỉ làm việc ở cơ quan, mà còn lôi việc về nhà. Nào là máy móc, chai lọ, hóa chất…Cứ y như một phòng thí nghiệm. Đi làm thì chớ, cứ về đến nhà là lao vào phòng thí nghiệm tự tạo ấy cho đến tận đêm khuya.

Có hôm cô vợ hoảng hồn vì nghe thấy tiếng nổ trong phòng. Rồi khói trắng khói đen mù mịt. May chưa cháy nhà, chết người. Ấy vậy, nhưng chỉ dừng được vài hôm, rồi đâu lại vào đó. Nghe nói cô vợ cũ không thể chịu nổi, nên đã vội vã… bỏ của chạy lấy người.

Bây giờ thì cả hai bắt đầu chán nhau. Họ đã tính đến chuyện chia tay. Mà sự tính toán này nghiêm túc đấy. Chỉ có điều, vào thời điểm nào thôi. Cũng may họ chưa có con. Có người nhận xét rằng, nếu có con sớm, có khi chuyện đổ vỡ lại không xảy ra.

Ly hôn - chẳng qua là hạnh phúc đến chậm

Tôi có đứa bạn có ông chồng ngoại tình. Bạn tôi đến đánh ghen nhưng thế nào về sau lại yêu luôn chồng của tình địch. Sau thì họ kết hôn với nhau. Cuộc hôn nhân sau thậm chí còn dài hơn cuộc hôn nhân trước. Đúng là kỳ lạ. Ly hôn chắc chắn không phải điều tồi tệ đâu.

Kịch bản ly hôn của chồng

Trong mắt anh, cuộc hôn nhân từ lâu đã trở thành chướng ngại. Anh muốn phá bỏ để đến với nhân tình...

Trong mắt anh, cuộc hôn nhân từ lâu đã trở thành chướng ngại. Anh muốn phá bỏ để đến với nhân tình, kể từ ngày hai người có với nhau một đứa con trai. Chị hiểu rõ điều đó, minh chứng là sự thay đổi đến tàn nhẫn của anh. “Hồi nào giờ, anh ấy đâu có đánh vợ, càng không nỡ nặng lời với các con. Vậy mà…” - chị kể.

“Vậy mà” là những lần anh về nhà, bày đủ chuyện rồi đánh đập, mắng nhiếc vợ con. Tô canh chị hâm nóng, nếu không nhăn mặt chê mặn, anh cũng nhíu mày hỏi chị có biết nấu ăn không? Sau đó, như một kịch bản soạn trước, anh mạnh tay hắt tô canh lên người chị. Dẫu chị có nhẫn nhịn thì các con cũng không thể ngó lơ. Con gái lớn gào lên: “Ba có còn là người nữa không?”. Sự việc diễn ra đúng như dự tính của anh. Không thèm đáp lời con, anh quay sang đánh chị, nhiếc móc chị làm mẹ mà không biết dạy con. Cuối cùng - đoạn kết của kịch bản - anh ném vào chị lá đơn ly hôn soạn sẵn. Hàng trăm lần như vậy, con gái quay sang chị chờ đợi cái gật đầu, nhưng chị lẳng lặng nuốt cơn nghẹn ứ vào trong…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Tuần trước, hay tin mẹ anh bệnh, chị cùng hai con gái đến thăm. Cô em chồng chặn ngay ngoài cổng, trách chị “vai chính” sao đến sau “vai phụ”. Trong lúc chị còn lúng túng thì con gái đã xồng xộc bước vào, hỏi anh: “Ba đưa họ đến làm gì? Họ có chỗ ở đây sao?”. Anh giận dữ lao đến giáng cho con một bạt tai. Con gái ôm mặt, anh quay sang chỉ mặt chị: “Nhà này mới không có chỗ cho kiểu người lì lợm, mất dạy như mấy mẹ con cô”. Xót con gái, máu nóng nổi lên, chị gạt tay anh: “Lâu nay mẹ con tôi cũng không coi anh ra gì”. Điên tiết, anh cầm chiếc ghế đẩu phang vô người chị khiến con gái không kìm được: “Mẹ, mẹ còn luyến tiếc gì ông ấy nữa”… Trên đường về, chị hứa lần này sẽ ký đơn; nhưng rồi đó vẫn chỉ là lời nói trong cơn giận.

Con gái đợi ba ngày vẫn thấy mẹ chần chừ nên bỏ ra ngoài sống, sau khi gửi lại tuyên bố: “Hoặc mẹ bỏ ông ấy, hoặc không bao giờ nhìn thấy con”. Đứa con gái còn lại, hổm rày cũng hăm he bỏ đi nếu chị còn dùng dằng. Chị mất ngủ mấy đêm liền, phần tủi phận, phần thương nhớ con. Có lúc đang nằm, chị bất ngờ bật dậy ngồi vào bàn viết một mạch lá đơn ly hôn; nhưng viết xong thì… xé bỏ. Phải đâu chị còn yêu anh. Càng không vì lý do muốn giữ mái gia đình. Căn nguyên cũng bởi khối tài sản vợ chồng chị tạo dựng gần 30 năm quá lớn.

Ngày ấy, chị gặp anh khi cả hai đang là công nhân xuất khẩu lao động tại Đức, rồi trở thành vợ chồng chỉ sau một bữa cơm ra mắt bạn bè. Cuộc sống trên đất người cực khổ, thiếu thốn, anh bàn với chị rằng khổ đã khổ rồi, gắng tích cóp được đồng nào thì gửi hết về quê, nhờ người thân mua đất, xây nhà để mai sau có “nền tảng” làm ăn. Bấy giờ, Nhà nước chưa cho Việt kiều đứng tên bất động sản nên tất cả đất đai, nhà cửa đều đứng tên mẹ và các em anh.

Sau này về nước, tài sản ấy vợ chồng anh nhận lại qua hình thức cho tặng. Thời buổi tấc đất tấc vàng, với tài mua đi bán lại của anh, tổng tài sản giờ đã hơn 20 tỷ đồng. Ly hôn, biết chị có được nhận phân nửa hay không, khi nguồn gốc tài sản đến từ… người thân của anh? Quan trọng hơn, ly hôn, công sức bao nhiêu năm bôn ba, lao lực nơi xứ người không lẽ lại thuộc về người khác. Anh đã mua cho nhân tình một ngôi nhà khang trang, mở cho vợ chồng anh trai cô ta một cửa hàng nội thất. Rồi đây, anh sẽ còn cho nhân tình thêm gì nữa? Chị lắc đầu, cố xua đuổi ý nghĩ khiến mình không cam tâm…

Chị còn chần chừ bởi thấy phải đâu mình chị chẳng cam lòng. Nhiều người cũng như chị, sẵn sàng níu kéo cuộc hôn nhân chỉ còn vỏ bọc, chấp nhận cuộc sống “ngục tù”, bị đày đọa bởi những mục đích không vì tình yêu. Có người không đành lòng khi ra đi tay trắng hoặc nhận phần ít hơn nếu ly hôn; có người tiếc xót những năm tháng đánh đổi cả công danh, sự nghiệp để lùi năm bảy bước làm chiếc bóng bên chồng; người khác lại không muốn buông tay như một cách trả thù, không để cho đối phương thỏa nguyện… Nhưng, suy cho cùng, với cách nghĩ ấy, chính họ mới là nạn nhân trước tiên vì phải chịu nhiều đau đớn, tổn thương. Bản thân chị cũng đã không chịu nổi cảnh sống quá ư ngột ngạt, chỉ có tủi nhục, đau đớn, ê chề. Chị khiếp đảm những lần anh trở về kiếm chuyện; xót xa thấy các con chịu đựng một người cha tệ bạc và vô hình trung, trong chúng đã hình thành vết thương đủ để lo lắng, chán ngán mỗi khi chị đề cập chuyện lập gia đình.

Trói mình trong những suy tính hơn thua, chị không còn tâm sức để nghĩ đến một “trang đời” khác mà nhiều lần con gái vạch ra. Một “trang đời” thanh thản, bình yên. Cái “được” ấy trăm phần hơn hẳn, nhưng liệu chị có dám vói tay chạm đến hay không?

Tổ ấm như một cái quán trọ

Nhưng em phải chờ đến bao giờ? Với anh, hình như ngôi nhà này không phải là một tổ ấm mà chỉ là một quán trọ.

Mình đến với nhau vì tình yêu. Tính anh xông xáo, năng nổ, giao lưu rộng. Em rất vui khi thấy anh được bạn bè, đồng nghiệp, gia đình yêu quý.

Điều đó phần nào làm em mở mày mở mặt. Anh nhiệt tình, ai nhờ việc gì cũng giúp, mà giúp rất thật lòng chứ không phải làm lấy lệ. Mọi người trêu em sau này muốn động tay, động chân vào việc gì cũng khó. Nhưng, điều đó chỉ đúng khi chúng ta yêu nhau, còn khi đã là vợ chồng thì anh còn bận… đi giúp người khác. Anh có nghĩ điều anh cần quan tâm bây giờ chính là sự chông chênh của gia đình mình không?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.  
Cả ngày anh đi làm, cuối ngày về ngỡ sẽ ở bên nhau vui vẻ. Ai dè, hết giờ hành chính, anh còn bận hơn. Khi thì anh qua bác Năm sửa cái bóng điện, khi qua dì Ba làm hộ cái chuồng gà. Mà được cái người ta nhờ sửa, người ta mời ăn là anh nhiệt tình ngồi lại. Anh bảo ngồi uống rượu với bác ấy để bác có chỗ trút bầu tâm sự. Bạn bè rủ đi đá bóng, anh cũng bảo anh không đi thì không có ai thay thế, anh đi coi như… giúp đội bóng. Anh đi, em ở nhà làm mọi việc thui thủi một mình, ăn cơm một mình, tâm sự với cái… đầu gối. Anh bảo “cứ để đấy, tí về anh làm cho”, nhưng có hôm nào anh về sớm đâu. Có khi về tới nhà tắm gội xong đã nửa đêm. Cuối tuần rồi, anh hứa sẽ đưa em về thăm nhà ngoại. Sáng ra có người bạn gọi điện nhờ sang giúp sửa hộ cái bản thiết kế, anh vội đi ngay. Em không cho đi, anh lý sự giúp bạn lúc này, lúc khác bạn giúp.

Nhà của vợ chồng trẻ mà lúc nào cũng thấy nguội lạnh. Em chỉ muốn quay lại thời yêu nhau. Em tâm sự với bố mẹ, bố mẹ bảo cứ từ từ khuyên bảo. Anh còn ham vui nhưng rồi sẽ quay về vun vén gia đình. Nhưng em phải chờ đến bao giờ? Với anh, hình như ngôi nhà này không phải là một tổ ấm mà chỉ là một quán trọ. Em đã quá chán với cảnh suốt ngày quanh quẩn một mình. Anh phải lựa chọn thôi. Hoặc chia tay, hoặc anh quay về xây dựng chính tổ ấm của chúng ta. Em không thể chịu đựng thêm nữa.

Đọc nhiều nhất

Tin mới