Vợ sợ làm dâu

Vợ cháu toàn làm chuyện ngược, chỉ vì sợ ở riêng và làm dâu, sợ phải lo đi chợ, chăm con một mình. 

Cô kính mến!

Hai vợ chồng cháu cùng là giáo viên nhưng cuộc sống hôn nhân lại luôn bị lộn tùng phèo buồn cười. Cháu nghĩ mãi mà không có cách gì điều chỉnh được.

Cháu gặp vợ cháu bây giờ khi đã đổ vỡ một lần (vợ và con trai cháu đi Mỹ sau khi ly hôn). Không có chuyện cướp chồng ở đây nhưng gia đình cô vợ bây giờ vẫn không chấp nhận. Họ lý luận rằng con gái một, lấy đàn ông có một đời vợ, nhục, phức tạp, dù con riêng chồng không phải nuôi nhưng vẫn cứ là không ra làm sao.

Cuối cùng chúng cháu vẫn cưới nhau nhưng nhà ai nấy ở. Vợ cháu bị mẹ giữ khư khư, bên cháu các chị đều “ghê gớm” nên không cần cô ấy làm dâu vẫn “không ai chết cả!”. Vợ cháu dạy học ở trường huyện, cháu có thể xin cho về thị xã được ngay nhưng bản thân cô ấy cũng không muốn hợp lý hóa cuộc sống vợ chồng.

Con gái sinh ra, bà ngoại càng chăm bẵm. Hai anh trai của cô ấy bắt đầu thắc mắc sao lấy chồng mà nó không theo chồng. Hai bà chị dâu của cô ấy cũng đâu có thích cảnh mẹ chồng ôm chặt con gái ruột và cháu ngoại như báu vật.

Còn cháu, làm sao cháu có thể chấp nhận cảnh vợ chồng chỉ có thể riêng tư với nhau vào cuối tuần như vậy? Mà chủ yếu là chồng đến chỗ nhà bà mẹ vợ, làm “chó nằm gầm chạn” (nói theo người Bắc) hai ngày hai đêm rồi lại trở về nơi xuất phát.

Con gái bọn cháu nay đã 5 tuổi, sắp vào lớp một mà vợ cháu phế cho bà ngoại muốn cho ăn kiểu gì, muốn nhồi nhét vào đầu nó thứ gì, mặc kệ.

Có thể nào chấp nhận chuyện vợ chồng không bếp chung, không có không gian riêng cho gia đình nhỏ của mình? Trên đời có ai lại dễ dàng chấp nhận cuộc sống như vậy không cô? Đàn ông ai chẳng cần bữa cơm của vợ, ai chẳng thích một căn buồng của mình, bên cạnh là đứa con duy nhất đêm hôm?

Vợ cháu toàn làm chuyện ngược, chỉ vì sợ ở riêng và làm dâu, sợ phải lo đi chợ, chăm con một mình. Có lẽ vợ cháu là người duy nhất của thế gian làm vậy. Gần đây cháu bực quá có lớn tiếng và bạt tai cô ấy trước mặt mẹ vợ. Thế là chiến tranh nổ ra. Cháu ra tối hậu thư, về tỉnh, thuê nhà ở riêng rồi dần dần sẽ mua nhà, hoặc là đường ai nấy đi.

Cô thấy cháu sai đúng chỗ nào và làm sao để tổ chức cuộc sống một cách bình thường, như bao người?

Cô giữ kín email cho cháu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Cháu thân mến!

Cô cũng thấy như cháu, có lẽ vợ cháu là người hy hữu của thế gian. Muốn lấy chồng mà sợ nhà chồng, sợ làm dâu (dù chiếu lệ), sợ ăn và ngủ cùng với chồng. Định nghĩa thế nào về một người như vậy?

Thứ nhất, cô ấy yêu một người đã có một đời vợ và có con riêng (dù vợ cũ và con riêng người ta đã di cư xa). Vợ cháu sợ quá khứ của cháu mặc dù khi lao vào thì không nghĩ ngợi gì. Cô ấy sợ bị so sánh với người cũ và … nói chung là một nỗi sợ mơ hồ nhưng không phải không có tác động của ba mẹ ruột.

Thứ hai, góc độ này mới là chính, cô ấy là con gái út, con gái một của gia đình đã quyết không gả đi. Nhiều hệ lụy từ quyết định này. Ví như cứ làm cho vợ cháu sợ nhà chồng, sợ cực thân, sợ gánh vác…Ví như không chịu nổi trống vắng trong lòng khi không thấy bóng con gái như mình quen thấy. Và, khi vợ cháu sinh con, thì cháu ngoại một, cháu ngoại duy nhất, quá cưng, quá thích, quá ôm ấp rồi quen mùi, quen bao biện, cáng đáng.

Thứ ba, điều này cũng không kém quan trọng, vợ cháu, như đã nói, là gái vàng gái bạc nhà người ta, vì vậy là không quen việc, ích kỷ, ỷ lại…hầu như nhược điểm nào cô ấy cũng có hết.

Cháu đã cưới trong may rủi, như bao người. Nếu vợ chồng ở riêng nhau một mái nhà độc lập, có khi chồng thành nội tướng còn cô vợ không biết thành cái gì. Vậy đó, rồi cũng xong, vung và nồi, méo thì chỉnh, có khi chỉnh mãi thì vung méo nhưng có vung còn hơn là nồi không vung hoặc phải bỏ, đi tìm một cái vung mới.

Sự cố đáng tiếc ở chỗ, cháu đã mạnh tay với vợ ngay trong gia tộc vợ, để các anh vợ ra tay và ba má vợ phiền lòng. Rất không nên dù vợ cháu có lỗi đến mức nào. Phải xin lỗi ba má, vì chuyện của các cháu mà làm ba má ưu phiền. Nếu được, hãy xin lỗi các anh của vợ như những người đàn ông sòng phẳng với nhau. Ví như em gái cháu bị chồng nó hành hung trước mặt mình, cháu sẽ xử lý ra sao?

Rất cần thuyết phục vợ đồng ý theo cháu về tỉnh, thu xếp một chỗ riêng và xây dựng với nhau từ cái bếp, cái phòng ngủ, cái túi tiền chung như bao người. Không có công thức khác. Kéo dài mãi tình trạng như hiện nay, cô e, chính cháu sẽ nguội lòng và rồi sẽ có “cái vung mới” xuất hiện trong tầm mắt.

Lại ly dị, đàn ông hai lần vợ cũng nhàu nát lắm, bình tâm và cẩn trọng nhá. Cô thương và tin ở cháu nhiều. Những người đàn ông còn trẻ đã qua một lần đò thường sâu đằm, nội tâm và cũng rất đa cảm. Hãy mạnh mẽ lên cháu để làm chỗ dựa cho vợ và con, để níu kéo lại một mái ấm đang như dần xa tầm tay mình.

Mong mọi việc sớm vuông tròn và hãy hồi âm lại tin vui cho cô nhé.

Phận làm dâu nhà giàu

Từ lúc chị về làm dâu, đến nay đã tròn 8 tháng. Chưa một lần chị cảm thấy một ngày mình được nghỉ ngơi.

Ngày cưới, chị hạnh phúc như bất cứ cô gái nào trong làng. Váy trắng tinh khôi, tiệc cưới linh đình. Chị cứ như mê đi trong hạnh phúc. Cả làng mừng cho chị và những chàng trai thì thầm tiếc nuối chị - cô gái xinh đẹp và dịu dàng nhất làng đã lên xe hoa.

“Làm dâu” em chồng

Được một thời gian ngắn đi đâu chị cũng than vãn: “Số mình khốn khổ vì phải làm dâu... em chồng”.

Vừa mở cửa bước vào nhà, ập vào mắt chị là cảnh nhà cửa bừa bộn, bát đũa bẩn chất đầy chậu. Nhà có đứa em gái chồng sống cùng mà chẳng đỡ đần được gì, ngược lại càng khiến chị thêm việc. Anh gọi điện về hỏi tình hình con ốm, sẵn nỗi tức tối, chị gần như hét lên: “Anh nhanh về mà giải quyết vấn đề em gái của mình đi, em không chịu nổi nữa rồi. Nếu nó không ra ngoài thuê nhà sống thì em sẽ đi”. Nói rồi chị cúp máy cái rụp. Bữa tối, bếp lạnh tanh, chị nằm ôm con chẳng thiết tha ăn uống. Anh đi công tác về, chuyện này phải được giải quyết dứt điểm, không thể kéo dài cuộc sống này nữa.

Chị và anh cùng quê miền Trung ra Hà Nội học rồi ở lại thành phố lập nghiệp. Chị bằng lòng với công việc lương thấp một chút nhưng có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình để anh chú tâm làm kinh tế. Từ ngày cô em chồng đỗ đại học, anh chị nhận trọng trách đỡ đần bố mẹ nuôi em ăn học. Được một thời gian ngắn đi đâu chị cũng than vãn: “Số mình khốn khổ vì phải làm dâu... em chồng”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Rồi chị kể, em chồng “con nhà lính tính nhà quan”. Ra thành phố học chưa được bao lâu đã học đòi đủ thứ, quần áo, điện thoại lúc nào cũng thời trang, sành điệu. Chuyện bếp núc, dọn dẹp nhà cửa đều một tay chị, em chồng không màng đến. Có góp ý, nó làm qua loa lấy lệ khiến chị dọn dẹp lại càng mệt hơn. Sáng, anh chị đi trước thì em chồng đi sau. Chiều về, chị dâu cơm nước xong xuôi em chồng vẫn bận sinh nhật bạn bè, mua sắm, cà phê… Mâm cơm để phần, em chồng bữa ăn bữa bỏ cũng chẳng thèm cất dọn. Mỗi lần chị nhắc nhở, em chồng vâng dạ rồi để đấy. Nếu lỡ gay gắt một chút, nó giận chẳng thèm đụng đũa tận mấy hôm.

Ngày chị sinh con, mẹ chị ra chăm con gái ở cữ mà như người giúp việc trong nhà. Từ sáng đến tối, bà hết lo cơm nước, giặt giũ cho mẹ con chị lại quay sang phục vụ con rể lẫn em chồng. Xót mẹ, chị nhắc anh bảo em gái đỡ đần anh chị. Khổ nỗi chồng chị nóng tính lại không biết ăn nói, anh cứ thế quát xơi xơi cô em khiến chuyện nhỏ thành to. Em chồng gọi điện về quê kể lể với bố mẹ rằng: anh chị ghét bỏ, nhất là chị dâu chi li tính toán này nọ... Mẹ chồng chẳng hiểu rõ đầu đuôi cứ thế gọi điện ra trách cứ hết con trai đến dằn hắt con dâu. Bà bảo, chị lấy chồng chẳng phải làm dâu ngày nào với bố mẹ chồng, có mỗi việc giúp đỡ một đứa em gái mà “làm loạn” nhà cửa hết lên. Rằng tiền nuôi em ăn học cũng do con trai bà lo chứ có lấy đồng nào của chị đâu mà keo kiệt tính toán. Rằng anh chị mà để nó ra ngoài thuê nhà trọ ở là chẳng còn mặt mũi gì trong cái nhà này đâu…

Cuộc sống với em chồng lâu nay quả khiến chị stress nhiều. Tình cảm vợ chồng đôi lúc lâm vào cảnh chiến tranh lạnh cũng vì nó. Trằn trọc không ngủ được, chị trở dậy xuống bếp lấy nước uống. Vừa mở cửa phòng, chị giật bắn mình khi nhìn thấy em chồng ngồi bệt ở đó. Thấy chị, nó òa khóc: “Em định vào nói chuyện với chị nhưng sợ không dám vào…”. Chị ngồi xuống, em chồng cứ thế ôm chặt chị dâu nức nở: “Em bị vợ anh ấy đánh ghen ở trường nên có nguy cơ bị đuổi học, em phải làm sao đây chị ơi…”.

Chị choáng váng, lâu nay chuyện yêu đương lăng nhăng của nó chị biết nhưng không mấy quan tâm vì nghĩ nó có bao giờ nghe chị răn dạy đâu. Cả đêm chị gần như thức trắng, vòng tay em chồng nằm bên cạnh ôm chặt chị một cách tin tưởng. Nó ngủ bên chị với cảm giác an toàn chẳng khác gì đứa con nhỏ nằm bên cạnh. Hóa ra, chị là người đầu tiên nó tin tưởng tìm đến khi khó khăn. Mắt chị cay xè, cảm giác hối hận trào dâng. Giá chị quan tâm đến nó, bỏ qua tính khí trẻ con của một cô gái đang lớn, coi nó như em ruột của mình, thẳng thắn, nghiêm khắc trước sai sót của nó và độ lượng yêu thương hướng dẫn nó trong cuộc sống thì đâu đến nỗi.

Sáng, chị đến trường tìm hiểu tình hình học tập của em chồng rồi hẹn gặp người đàn ông ấy. Mọi việc giải quyết xong xuôi, lòng chị nhẹ nhõm khi nhìn em chồng nhanh chóng thoát khỏi chuyện tình cảm sai lầm, lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Mấy đêm anh đi công tác, em chồng cắp gối sang ngủ cùng chị dâu và cháu kể đủ thứ chuyện. Nhìn hai cô cháu hôn hít nhau bên cạnh, chị thầm trách mình: “Sống cùng nhau bấy lâu mà mình chẳng nhận ra con bé sống tình cảm như vậy”.

Đọc nhiều nhất

Tin mới