Đang phụ mẹ chồng làm cơm dưới bếp, chị lại tất tả chạy lên nhà trên vì nghe tiếng con la khóc. Đến giữa phòng, chị loáng thoáng nghe giọng anh: “Bin ngoan, xe của Bin thì trước sau vẫn là của Bin, cứ để bạn mượn chơi chút nha!”. Đoán là Bin chỉ khóc nhè vì bị cậu bạn hàng xóm giành mất chiếc xe đồ chơi, chị yên tâm xuống bếp. Hình ảnh hai cha con ôm nhau, con thút thít, cha dỗ dành khiến chị thấy lòng yên bình lạ, nhưng sao cái lẽ nhường nhịn anh vừa dạy con cứ đọng lại, vướng víu thế nào.
“Của Bin thì trước sau cũng là của Bin…”, lời anh vô tình chạm vào bao nỗi uất ức sâu xa trong chị.
Ảnh minh họa. |
Bạn bè hay so bì, cho là chị may mắn lấy được anh chồng rộng lượng, không tủn mủn, ghen tuông. Nhiều lần cả văn phòng bất ngờ phải tăng ca, mấy đồng nghiệp nữ nhốn nháo vì chồng con liên tục gọi điện hỏi han, hối thúc; chị lại tự do như cô gái chưa chồng, cặm cụi ngồi làm việc tới 21g vẫn không có lấy một cuộc gọi “làm phiền”. Đồng nghiệp nhìn chị ước ao, chị lại nhìn người ta thèm thuồng. Chị thèm một cuộc gọi của chồng, thèm được hỏi han, “được” hạch sách khi bất ngờ về muộn. Nhưng, họa hoằn lắm, anh mới bắn một cái tin ngắn ngủi: “Hôm nay vợ tăng ca phải không?”. Và, chỉ cần “dạ” một tiếng để xác nhận, thì dù chị có trở về nhà cùng một đồng nghiệp nam giữa đêm khuya khoắt, anh cũng không hề thắc mắc, một lời chòng ghẹo vu vơ để “đổi gió” cũng không.
Nhiều lúc thèm quá cảm giác được giữ chặt bởi bàn tay của người đàn ông là chồng mình, chị cũng cố thêu dệt cho thế giới riêng những “vùng nguy hiểm”. Ngày Phụ nữ, sau khi chị viết bóng gió vài lời vòi vĩnh trên trang mạng xã hội thì Quân, một anh bạn thân từ thời đi học, liền tặng chị bó hoa to đùng cùng tấm thiệp xinh xắn với mấy lời hoa mỹ. Đem “niềm kiêu hãnh” này về khoe với chồng, chị đã chuẩn bị bao nhiêu chi tiết để “mồi” thêm vào ngọn lửa ghen sẽ bùng lên trong anh. Nào ngờ, chồng lại vui chẳng kém gì vợ, còn hồn nhiên liên tưởng: “Bạn em giống thằng Nghĩa bạn anh, chiều bạn gái cứ như chiều… con!”. Anh dẫn chứng bằng bao phen lấy lòng bạn gái của Nghĩa, rồi khẳng định: “Có vợ có chồng hết rồi mà vẫn giữ được tình bạn vậy là quý lắm!”. Từ đó, anh ra chiều rất ngưỡng mộ mối quan hệ này, lâu lâu lại thúc ép chị gọi điện hỏi thăm, gặp gỡ Quân để… duy trì tình bạn đẹp.
Nói đâu cho xa, ngay lúc này chị cũng đang ngậm nỗi ấm ức không biết xả vào đâu, vì cái sự “quảng đại” đó của anh. Sáng nay, cả nhà đi thăm ông bà nội cu Bin, chồng dắt theo Long, anh đồng nghiệp trạc tuổi chị mới từ Bắc chuyển vào, ý mời Long đi chơi cho biết Vũng Tàu. Tới giờ khởi hành, anh nhìn qua chiếc xe bốn chỗ trống trơn của Long, chau mày: “Chà, đường xa mà đi một mình vầy, buồn lắm!”. Chị cũng nghĩ tới quãng đường cả trăm cây số mà ái ngại cho Long, nhưng xe nhà đã chở ba người, còn thêm bánh trái chị sắm sửa về biếu ba mẹ để chật chỗ nên không thể mời Long qua đi cùng. Đang đắn đo thì anh à lên một tiếng, rồi dõng dạc đề nghị vợ qua đi chung với Long, cho… có bạn. Thấy chồng quá “hào phóng” trong khi mình chỉ mới gặp Long lần đầu, chị dở cười dở mếu: “Hay để Bin qua làm bạn với chú Long nha!”. Anh lắc đầu nguầy nguậy: “Thôi, mẹ Bin đi cùng, tiện thể giới thiệu chỗ này chỗ nọ cho em nó biết với!”. Long chừng như cũng ái ngại, nhưng từ chối thì càng ngại hơn. Chị cũng vậy, nên đành bước lên xe một người đàn ông lạ, “bầu bạn” với anh ta cả quãng đường dài theo ý chồng.
Suốt hai tiếng đồng hồ trên xe của một người đàn ông lạ, đã ngại lại còn phải đon đả chuyện trò, giờ nhớ lại chị vẫn ức. Xưa nay, chị đã ấm ức, vì sự đào hoa của mình chẳng mảy may “dọa” được chồng, rồi vì một câu nói mà suy cho cùng cũng chẳng mấy liên quan này, chị lại thêm cay cú: “Của Bin thì trước sau vẫn là của Bin”.
Cũng đúng, chị trước sau vẫn là vợ anh, nên anh đâu nề hà chuyện phải “hiến dâng” chị cho công việc, cho bạn bè, cho một trời tự do để chị tha hồ cặp kè, bay nhảy. Trong khi chị lại thèm biết mấy cảm giác bị ghen tuông, được biết tới chút ràng buộc rất vợ chồng, để bớt đơn độc, chới với mỗi lần có một cơn gió thổi đến, mời gọi rong chơi. “Của Bin thì trước sau vẫn là của Bin”, nhưng phụ nữ thì muôn đời nhẹ dạ. Thừa lúc Bin mải chơi mà quên mất chiếc xe đang cho bạn mượn, chị cũng im lặng cùng chồng con trở lại Sài Gòn, xem như tặng chiếc xe cho cậu bạn bên nhà. Là chuyện trẻ con thôi, mà có khi Bin đã chẳng nhớ tới chiếc xe đồ chơi kia nữa, có điều, vô tình, của Bin đâu còn là của Bin. Ba Bin có hiểu không?