Để hiểu rõ hơn về viêm mũi dị ứng, ESHA chia sẻ một số thông tin về bệnh.
1. Viêm mũi dị ứng là gì
2. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng
3. Chuẩn đoán bệnh viêm mũi dị ứng như thế nào?
4. Các thể viêm mũi dị ứng
5. Những biểu hiện của Viêm mũi dị ứng
6. Các biến chứng gây ra của viêm mũi dị ứng
7. Phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng
8. Phòng bệnh viêm mũi dị ứng.
1. TỔNG QUAN
Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm, sưng tấy do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như bụi, khói, lông, tơ, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí....
Tuy không đe doạ tính mạng, nhưng viêm mũi dị ứng lại gây những khó chịu đáng kể cho người bệnh trong thời gian kéo dài. Bệnh này làm ảnh hưởng tới hiệu suất tại nơi làm việc cũng như tại trường học, cản trở các họat động thể thao, giải trí. Đa số những người bị viêm mũi dị ứng là dưới 45 tuổi, nhiều nhất ở độ tuổi 21-30. Theo những thông báo về dịch tế học tỉ lệ mắc các bệnh dị ứng đường hô hấp chiếm từ 10-15% dân số Thế giới. Việt Nam viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 32 % trong các bệnh lý về tai mũi họng.
Viêm mũi dị ứng gây cảm giác khó chịu.
2. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH
Hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta có vai trò chống lại những thành phần có hại cho cơ thể như vi khuẩn, virus. Nhưng ở những người bị viêm mũi dị ứng, hệ thống miễn dịch lại phản ứng quá mức đối với những thành phần hầu như vô hại như phấn hoa… ( gọi là các dị nguyên) gây ra phản ứng viêm và kích thích gọi là phản ứng dị ứng ở lớp niêm mạc phủ ở bề mặt mũi, các xoang và mắt.
Dị ứng phấn hoa. |
Các dị nguyên có thể là:
- Bụi nhà, lông súc vật, phấn hoa, thời tiết thay đổi, ô nhiễm môi trường,…
- Thực phẩm: trứng, sữa, các loại hải sản (tôm, cua, sứa….),
- Các loại thuốc: kháng sinh các loại.
Ngoài ra cũng còn do cơ địa dị ứng, do yếu tố di truyền mà sự quá mẫn của từng cơ thể cũng có vai trò cơ bản, cùng một dị nguyên có xảy ra hiện tượng dị ứng hay không và phản ứng mạnh hay nhẹ.
3. CHUẨN ĐOÁN BỆNH VIÊM MŨI DỊ ỨNG
Khai thác tiền sử dị ứng
Đây là phương pháp rất quan trọng dễ tiến hành và là phương pháp đầu tiên trong chẩn đoán dị ứng giúp định hướng đến một loại hoặc một nhóm dị nguyên là nguyên nhân gây bệnh. Mục đích của khai thác tiền sử dị ứng nhằm xác định: yếu tố dị nguyên gây bệnh, yếu tố di truyền, tiền sử bản thân.
Khám lâm sàng
- Các triệu chứng cơ năng: hắt hơi thành tràng kéo dài, chảy nước mũi trong, ngạt mũi xảy ra khi nào (điều kiện xuất hiện rải rác hay liên tục).
- Triệu chứng thực thể:
Tình trạng niêm mạc: mầu sắc nhợt, phù nề.
Tình trạng cuốn mũi: có thể là thoái hóa, quá phát. Khả năng co hồi khi đặt thuốc co mạch, dịch mũi lúc đầu trong sau đục dần.
Có thể có polyp hay cuốn mũi giữa thoái hóa như dạng polyp.
- Xét nghiệm
Xét nghiệm tế bào dịch mũi tìm bạch cầu Eosinophil (Eo).
Kết qủa được coi là dương tính khi tỉ lệ bạch cầu Eo >1%.
-Xét nghiệm phát hiện kháng thể dị ứng IgE: với dị nguyên bụi nhà trong huyết thanh bệnh nhân bằng phản ứng phân hủy Mastocyte theo phương pháp Ishimova-LM.
- Định lượng trực tiếp kháng thể IgE: toàn phần huyết thanh bằng kỹ thuật miễn dịch đánh dấu ELISA (Enzyme Linked Immuno Sorbent Assay).
-Nồng độ IgE toàn phần tính theo đơn vị UI hoặc ng/ml
Âm tính(-) < 10 UI
Nghi ngờ (±): 10-100 UI
Dương tính(+) > 100 UI
(1UI = 2,4ng/ml IgE)
- Bạch cầu Eo máu ngoại vi:
Đếm công thức bạch cầu máu ngoại vi.
Kết quả được coi là tăng khi tỉ lệ Bạch cầu Eo >3,5 %.
- Các test da: là phương pháp phát hiện sự mẫn cảm của cơ thể bằng cách đa dị nguyên qua da và sau đó đánh giá kích thước và đặc điểm của sần phù và phản ứng viêm tại chỗ. Dị nguyên cho kết quả dương tính trong test da có thể coi là nguyên nhân gây bệnh khi kết hợp với khai thác tiền sử dị ứng có kết quả phù hợp. Nếu không có kết qủa phù hợp này và kết quả test da còn nghi ngờ thì phải tiến hành test kích thích.
- Test kích thích: là khả năng chẩn đoán sinh học các phản ứng dị ứng cơ sở của nó là tái tạo lại phản ứng này bằng cách đưa dị nguyên nghi ngờ vào cơ thể nhằm tạo lại bệnh cảnh lâm sàng như thật nếu phản ứng dương tính xảy ra.
4. CÁC THỂ VIÊM MŨI DỊ ỨNG
Viêm mũi theo mùa
Thường gặp ở người trẻ, trẻ em lớn, hiếm gặp ở người già, có yếu tố gia đình, di truyền rõ.
Dị nguyên thường là phấn hoa với điển hình là viêm mũi dị ứng mùa xuân với dị nguyên hoa cỏ.
Viêm mũi quanh năm
Các cơn tái phát thường xuyên, quanh năm, cũng thường có yếu tố gia đình
Dị nguyên rất đa dạng: thường gặp bụi nhà, nấm mốc…nhiều khi không xác định được.
Viêm mũi nghề nghiệp
Khi xảy ra với dị nguyên đặc biệt trong môi trường lao động sản xuất.
5. CÁC BIỂU HIỆN CỦA VIÊM MŨI DỊ ỨNG
- Cảm giác như bị “cảm” kéo dài.
- Nghẹt mũi, hắt hơi, chảy mũi, thường là chảy mũi loãng trong
- Đau đầu. Đau, cảm giác ù và đầy tai.
- Đau họng và khạc đàm kéo dài.
- Ho khan.
- Rối loạn giấc ngủ và ngáy.
- Mất mùi và mất vị giác. Kém tập trung.
- Ngứa, đỏ, chảy nước mắt, phù nề thâm quầng mí mắt.
- Mệt mỏi
Các triệu chứng viêm mũi dị ứng. |
6. CÁC BIẾN CHỨNG CỦA VIÊM MŨI DỊ ỨNG
- Viêm xoang cấp tính hoặc mãn tính
- Viêm tai giữa
- Rối loạn giấc ngủ hoặc ngưng thở
- Vấn đề về răng: gây ra bởi hơi thở quá mức qua miệng
- Bất thường vòm miệng
- Rối loạn chức năng ống Eustachian
7. ĐIỀU TRỊ VIÊM MŨI DỊ ỨNG
Mục tiêu của điều trị là làm thuyên giảm triệu chứng và cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với dị nguyên (các tác nhân gây ra dị ứng).
Có 3 phương thức căn bản để điều trị viêm mũi dị ứng:
7.1. Tránh các tác nhân gây kích thích và kiểm soát môi trường sống
Phấn hoa và nấm mốc: Với những người dị ứng với phấn cỏ, bệnh sẽ xuất hiện vào đầu mùa hè, với các trường hợp nhạy cảm với phấn hoa, bệnh sẽ xuất hiện vào mùa xuân, nhiều người bệnh có thể diễn biến quanh năm và nặng lên vào một mùa cao điểm.
Chất gây dị ứng trong nhà: bụi, bọ ve,…
Dị ứng với lông vật nuôi nên tránh hoàn toàn là lựa chọn tốt nhất..
Chất gây dị ứng nghề nghiệp: Sử dụng mặt nạ hoặc khẩu trang là cần thiết.
Tiếp xúc với khói, nước hoa, thay đổi nhanh chóng về nhiệt độ và ô nhiễm môi trường có thể gây nên không đặc hiệu ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng.
7.2. Sử dụng thuốc
Tuy nhiên trong thực tế, đa số bệnh nhân không thể kiểm soát được các tác nhân gây dị ứng, vì vậy sử dụng thuốc thường là phương pháp được lựa chọn nhiều nhất.
Các thuốc được chỉ định:
- Thuốc kháng histamine: là những thuốc ức chế việc giải phóng hoặc tổng hợp các chất hóa học trung gian gây phản ứng dị ứng.
- Thuốc thông mũi: dạng nhỏ, xịt,
- Thuốc corticorid: dùng cho đợt cấp và nghiêm trọng
- Sử dụng các bài thuốc, vị thuốc đông y
7.3. Liệu pháp miễn dịch
Khi 2 biện pháp trên thất bại thì người ta mới xem xét đến phương pháp thứ 3 là thay đổi miễn dịch (miễn dịch liệu pháp - immunotherapy).
Đây là phương pháp cho chủ thể dị ứng hấp thụ với liều tăng dần dị nguyên nhằm đạt được giảm mẫn cảm, tức là giảm các triệu chứng khi phơi nhiễm tự nhiên trở lại với chính dị nguyên đó. Liệu pháp miễn dịch là phương pháp duy nhất điều trị tận gốc căn nguyên gây dị ứng.
Ngoài ra, mặc dù viêm mũi dị ứng thường được điều trị nội khoa, nhưng trong một số trường hợp người ta cần đến phẫu thuật. Đó là khi cần giải quyết bệnh tích ở những bệnh nhân viêm mũi dị ứng tiến triển tạo nhiều polyp (thường gọi là thịt dư), hoặc niêm mạc cuốn mũi thoái hoá quá mức gây nghẹt mũi nhiều không thể phục hồi dù đã uống thuốc tích cực.
8. PHÒNG BỆNH VIÊM MŨI DỊ ỨNG
- Hạn chế các yếu tố nguy cơ: tiếp xúc các dị ứng nguyên (như sử dụng máy lọc không khí, tránh các vật nuôi…), môi trường ô nhiễm (đeo khẩu trang, ..), nấm mốc (không để các đồ chơi thú nhồi bông ở giường ngủ. Giặt chiếu gối hàng tuần bằng nước nóng. Làm sạch những bề mặt sinh mốc ở máy lạnh, máy điều hoà độ ẩm).
- Tránh stress, tránh các chất kích thích và giảm sử dụng thuốc aspirin.
Rèn luyện giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. |
- Cẩn thận khi thời tiết thay đổi, điều tiết độ ẩm và độ ấm để phòng ngừa viêm đường hô hấp.
- Giữ vệ sinh mũi, thường xuyên dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để rửa mũi, tránh hít khói thuốc lá.
- Thường xuyên rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.