Nhiều người quan niệm, nên cúng ông Công ông Táo sớm để ông lên trời báo cáo thành tích sớm thì sẽ được lộc nhiều hơn. Vậy có đúng?
"Hồn đi mây về gió"
Ông Trường Thịnh, nguyên cán bộ Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này cho biết, dân gian ta có câu "trần sao, âm vậy" nên trước tình trạng kẹt xe, đường chật, chen lấn chờ đợi... đã "sáng tác" ra chuyện cũng lễ trước ngày để tổ tiên, ông bà, ông Công, ông Táo nhà mình đi trước vào tâu trước, kẻo đến muộn mất thiêng, ít lộc... mà quên mất câu "hồn đi mây về gió". Xét theo khía cạnh khoa học cả về phần âm và phần dương thì điều này là chưa đúng, "cúng sai ngày thì chỉ được cái tâm, không được cái linh ứng là Phúc - Lộc - Thọ", ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo ông Thịnh phân tích, ngày Âm Lịch là theo mặt trăng, ngày Dương Lịch là theo mặt trời. Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng là 3 hành tinh có ảnh hưởng trực tiếp đến con người cũng như thời tiết. Trái Đất quay quanh mặt trời theo chiều ngược với chiều quay của kim đồng hồ, 1 vòng khép kín là hơn 365 ngày, là 1 năm. Lấy đó làm Lịch Dương - Lịch theo Mặt Trời. Ba hành tinh Mặt Trời - Mặt Trăng - Trái Đất có thời điểm sẽ ở trên một đường trục. Thời điểm đó trong ngày được tính từ giờ Tý đến giờ hợi. Chệch thời điểm đó không phải là ngày đó nữa mà là ngày khác. Hơn nữa, hiện nay khoa học kỹ thuật cũng xác định được: Quỹ đạo và chu kỳ của Mặt Trăng và Quả đất mà dự đoán chính xác về Nhật thực và Nguyệt thực.
Lịch âm tính theo sự chuyển động của Trái Đất và Mặt Trăng. Đó là ngày mà Trái Đất và Mặt Trăng ở quỹ đạo vô hình, lặp đi lặp lại... từ cổ xưa đến nay, không hề thay đổi. Từ xưa đến nay con người đã theo quy luật của "Quỹ đạo vô hình" này mà dự đoán được Nhật thực, Nguyệt thực, sao Chổi khi nào, ở đâu thì "thấy nó"... Đến ngày mồng Một, hôm rằm, ngày Tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Bảy "xá tội vong nhân", ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo "chầu Trời"... đến ngày giỗ của người chết... Tháng sau - tháng trước, năm trước - năm sau... đến ngày đó thì Trái Đất - Mặt Trăng lặp lại.
Hàng ngàn đời nay, người phương Đông quy định ra thủ tục cúng lễ, giỗ, Tết vào các ngày đó từ giờ Tý đến giờ Hợi. Việc cúng trước - cúng sai ngày - chính là chệch quỹ đạo thì tâm nguyện của ta với ngày đó không còn giá trị nữa.
Chẳng hạn, theo quy luật ngày Rằm tháng Bảy là ngày "xá tội vong nhân" cõi âm mở ngục cho các vong đi kiếm ăn. Cửa ngục được mở từ giờ Tý đến giờ Hợi cho các vong ra về ăn và nhận. Hết ngày Rằm các linh hồn lại phải quay lại ngục. Vậy cúng trước sao nhận được.
Tương tự, ngày 23 tháng Chạp theo cổ nhân là ngày "mở cổng trời" tức là thời điểm 3 hành tinh: Mặt Trời - Mặt Trăng - Trái Đất ở trên một quỹ đạo nào đó. Vậy câu hỏi đặt ra là chệch ngày đó thì cổng Trời có mở không. Ông Công, ông Táo nhà nào lên chệch ngày, thì cổng trời đóng, chưa mở. Vậy có vào được không? Không vào được thì sao tâu được với Ngọc Hoàng...? Điều này cũng tương tự như ở dương thế, giống như UBND phường chỉ cấp chứng nhận vào thứ 2, mà chủ nhật đã đến phường thì có được việc hay không?... Vì vậy, theo ông Thịnh, nên cúng đúng ngày tại nhà mình là tốt nhất.
|
Tết công Công, ông Táo người dân thường thả cá... |
Gây xáo trộn âm dương không tốt
ThS Vũ Đức Huynh, người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh, tác giả cuốn sách "Ngày lành tháng tốt" nhấn mạnh, tâm linh có trước khoa học, tâm linh là cơ sở của tín ngưỡng và nhờ tâm linh tín ngưỡng ra đời và phát triển. Tục thờ cúng phát triển từ sự nghiên cứu, đúc kết trong thực tiễn... nên dù chưa được chứng minh bằng thực nghiệm khoa học hiện đại, nhưng có cơ sở của khoa học, triết học phương Đông, không nên phủ nhận.
Do đó, không phải ngày nào tổ chức cúng lễ cầu ông bà, tổ tiên và thần linh cũng được toại nguyện. Thậm chí, ngày tổ chức tế lễ, cúng bái không phù hợp còn gây họa cho bản thân gia đình. Nghĩa là không phải bất cứ ngày nào cầu cúng lễ bái cũng được, cũng phù hợp nên phải chọn ngày và cúng đúng ngày. Bởi các ngày như rằm, mồng 1... là ngày thân xác được về cửa quan, thiên quan hay về hạ giới... nên nếu cầu cúng thì mới "tiếp nhận được", cầu cúng sai gây xáo trộn âm dương, không có lợi.
ThS Vũ Đức Huynh cho biết, người và long hồn, vong linh, siêu linh luôn có mối quan hệ giao thức sóng, do đó có cùng nguồn gốc tần số xung động nào đó của các hạt điện sinh học thì bắt được và dân gian có quan niệm "ông bà tổ tiên phù hộ cho là thế". Tuy nhiên, những vong yếu thì dù muốn tạo xung đến người thân thì cũng không được. Đó là cảnh "lực bất tòng tâm". Do đó, cúng lễ là cung cấp nguồn năng lượng mạnh làm vong hồn có năng lực phát huy tương tác cộng hưởng.
Nhưng việc cúng lễ không phải là "mâm cao cỗ đầy" mà là sự thành tâm, đặc biệt, nguồn năng lượng mà vong hồn tiếp thu nhiều nhất chính là các loại thực vật, cây cỏ hoa lá...
|
... và hóa vàng. |
Tương tự GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, tác giả bộ sách "Khoa học về vấn đề tâm linh” cho biết, con người sau khi chết sống ở thế giới khác cao hơn, tốt đẹp hơn và vẫn làm các công việc của mình. Vì vậy, họ cũng có thời gian biểu cụ thể cho từng công việc, ta chớ nên làm xáo trộn công việc của họ. Vì như vậy có thể làm "họ" bực mình không có lợi.
Việc thờ cúng chính là môi trường gặp gỡ của thế giới hữu hình và thế giới tâm linh, là tấm lòng và nghĩa vụ của người sống, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Tuy nhiên, tín ngưỡng chân chính không coi sùng bái thượng đế, thần linh... là mục tiêu số một, ngược lại nhấn mạnh rằng điều quan trọng là mỗi tín đồ phải quan tâm phát triển cái gì ở trong chính họ để làm cho mình trở lên tốt đẹp hơn trước, gần hơn với lý tưởng hoàn thiện. Những gì còn lại phải là thứ yếu. Những ai biết rút ra những yếu tố cần thiết từ bên trong chính mình thì người ấy tất được hưởng hạnh phúc.
- Theo hòa thượng Thích Thanh Huân, Trụ trì chùa Pháp Vân, Thư ký văn phòng 1, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nếu không bận rộn thì cúng lễ đúng ngày, còn nếu có việc bận thì ta thành tâm trước. Bởi nghi lễ thờ cúng theo đạo phật và sau - Luật nhân quả trong Đạo Phật chính là hướng niềm tin của phật tử, nhắc nhở phật tử và trợ giúp tinh thần cho phật tử trong cuộc sống hiện tại, ngăn ngừa con người làm điều xấu. Khi có niềm tin, hiệu quả nhất định sẽ giúp mỗi người tránh làm việc xấu, tránh được nghiệp và hậu quả xấu. Khi ta không làm điều xấu, chỉ làm điều thiện, mọi tai ương sẽ tránh được, điều tốt đẹp sẽ đến.
- "Hành lễ, thờ cúng thành tâm, đúng tục lệ là thể hiện đúng lòng thành kính tôn thờ. Đó mới là ý nghĩa thực sự của việc thờ cúng, đó mới thực sự có hiệu quả của việc thờ cúng. Những việc làm và các cung cách "biến thái dị đoạn", bày vẽ bậy bạ của những người lợi dụng tín ngưỡng, những người bán thần, bán thánh vì những mục địch vụ lợi đều là những việc làm sai trái".
ThS Vũ Đức Huynh