Vị ngọt của trái tim

Lúc này, trái tim non nớt tuổi 16 của cô mới hiểu rằng, đằng sau sự thật về thân phận mình, cô đã nhận được sự ngọt ngào của trái tim người mẹ. 

16 năm qua, cô sống êm đềm trong căn nhà nhỏ cùng mẹ và 2 người anh trai. Không bao giờ cô nghĩ mình là con nuôi của bà, là đứa em gái không cùng huyết thống với 2 người anh. Bỗng nhiên, cô thấy giận mẹ, chỉ vì bà đã cho cô biết sự thật…

Cô đã ngồi rất nhiều giờ bên người bạn thân chỉ để khóc, nước mắt cô chảy mãi không muốn ngừng. Bao năm nay, cô vẫn hãnh diện với bạn bè về mẹ, về sự yêu chiều, nhường nhịn của 2 anh trai. Ý nghĩ đen tối, tự ái cứ nhảy nhót trong đầu cô rằng: hóa ra mình chỉ là đứa con hoang, tại sao những người đẻ ra cô lại vứt bỏ cô? Mà sao mẹ đã giấu cô chuyện này bao năm, giờ lại nói ra làm gì để cô thấy mình như đang bay trên chín tầng mây, bỗng rơi bộp xuống đất? Sự thật này cô không muốn nghe, không muốn tin và không muốn biết.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Phải mất hơn một tuần lễ, cô sống âm thầm, mỏi mệt, rệu rã. Những ngày hè, cô không muốn ra đồng thả diều với bạn bè hàng xóm như mọi hôm. Nhất là hôm mẹ bảo sẽ đưa cô về thăm bố mẹ đẻ ở một vùng miền núi xa lắc. Nghe mẹ tỉ tê tâm sự rằng, dù sao con cũng là con đẻ của ông bà ấy, họ không có công nuôi con lớn, nhưng họ đã đẻ con ra. Bố mẹ nào không thương yêu con mình đâu, không phải họ muốn vứt bỏ gì con, mà chỉ vì cuộc sống của họ quá khó khăn... Con nên về thăm bố mẹ đẻ, để họ nhìn thấy con gái của họ đã lớn khôn, xinh đẹp ngần này, lòng họ sẽ thanh thản, không còn nỗi ám ảnh, day dứt về đứa con gái họ đã không có điều kiện chăm sóc từ ngày lọt lòng... Mẹ nuôi nói nhiều lắm, nhưng cô không nhớ hết.

Càng nghĩ, cô càng thấy lòng mình đắng hơn, nỗi tự ái, cao ngạo của đứa con gái tuổi trăng rằm so với bạn bè cùng lứa càng khiến cô trầm lặng hơn, ít cười nói hơn. Điều cô lo lắng nhất là sợ phải xa mẹ nuôi, người mẹ mà bao năm nay yêu thương, lo lắng, gắn bó với cô nhiều nhất. Nếu bố mẹ đẻ cô có ý giữ cô lại, liệu cô có nên từ chối không? Cô phải bắt đầu từ đâu với bố mẹ đẻ khi mọi cái vẫn còn quá xa lạ?

Chỉ đến khi bước vào căn nhà sàn xác xơ của bố mẹ đẻ cô ở 1 huyện miền núi, bắt gặp ánh mắt vừa bối rối, vừa mừng rỡ của người đàn bà có dáng người gầy khô, khuôn mặt khắc khổ cứ nhìn xoáy vào cô như muốn nói điều gì đó mà không sao cất lên lời, cô chỉ thấy bà ấy lặng lẽ khóc, muốn đến gần cô mà không dám động vào cô, không dám ôm cô. Đó là mẹ đẻ của cô. Câu chuyện của cuộc gặp mặt chỉ có bố đẻ và mẹ nuôi trao đổi với nhau về tính cách, việc học hành của cô, mẹ nuôi còn khoe cả thói quen cô thích ăn món gì, loại trái cây nào...

Người đàn ông nói giọng khàn khàn, mắt him híp ấy - bố đẻ cô - hỏi cô có muốn ở lại với gia đình? Cô đã trả lời rất nhanh: Con muốn về Hà Nội với mẹ con.

Ngồi trên xe khách gập ghềnh bên nọ, lắc bên kia về xuôi, mẹ cô khẽ vuốt mái tóc đen dài của cô, bà như muốn ôm cô thật chặt vào lòng, rồi bà nói như với chính mình: Đưa con về gặp bố mẹ con, mẹ đã lo lắng rất nhiều ngày đêm, rằng có thể mẹ sẽ mất con, nếu họ muốn giữ con ở lại, nhưng mẹ không thể làm khác. Với mẹ, con là máu thịt của mẹ, là tình yêu, là niềm tự hào của mẹ. Mẹ không bao giờ muốn rời xa con gái yêu đâu. Nhưng bây giờ mẹ biết, kể cả khi chúng ta không ở bên nhau, trái tim chúng ta vẫn hướng về nhau.

Lúc này, trái tim non nớt tuổi 16 của cô mới hiểu rằng, đằng sau sự thật về thân phận mình, cô đã nhận được sự ngọt ngào của trái tim người mẹ. Không phải người con nuôi nào cũng may mắn có một người mẹ, một gia đình ấm áp như cô. Mẹ chưa ngày nào phân biệt con đẻ, con nuôi với 3 anh em cô bao giờ. Cô ngả đầu rúc vào lòng bà như cô vẫn được làm 16 năm qua...

Vợ yêu thương thái quá

Cứ thấy cái gì đẹp, tốt là chị mang về, cố gắng “trang bị” cho người chị yêu thương, chẳng cần biết họ có vui, có thích, có hợp không.

Càng nghĩ, chị càng thấy cái câu “làm ơn mắc oán” sao cứ vận vào mình. Mỗi lần chị ngồi ngẩn ngơ với cái ý nghĩ đó, anh đi ngang, thòng một câu: “Đọc hoài nên nó vận vô người đó!”. Chị nguýt dài, nhìn theo bóng ông chồng, lại nghĩ, lấy oán trả ơn chị nhiều nhất, chính là cái nhà này, mà cụ thể là ổng - ông chồng đó chớ ai!

Từ Tết tới giờ, hễ đi ngang cái tủ quần áo là anh lại liếc chị một cái: “Cái tủ muốn nổ rồi, bà liệu mà dọn hết ra đi!”. Mười mấy năm nay, cái tủ quần áo luôn là đề tài cãi vã của hai vợ chồng. Từ trước Giáng sinh, chị ra đường cứ phải dáo dác nhìn, thấy chỗ nào bán đồ nam đẹp là mua cho anh mặc Tết. Tết mà, phải bận mỗi ngày mỗi bộ, lại phải đồ màu sáng, trong khi đồ anh cái nào cũng xám xịt. Thế là chị mua bốn, năm cái áo sơ mi, rồi quần, rồi áo ấm... Khổ nỗi, cái nào anh cũng chê õng chê eo, còn kết tội vợ lãng phí, rỗi hơi. Chị vừa tức, vừa tủi. “Anh tưởng đi mua quần áo sướng lắm hả? Tưởng tui thừa tiền hả?”. Nói tới đó là chị rấm rứt khóc. Anh nhẹ giọng, “khổ vậy thì từ nay đừng phí sức nữa”. Chị càng ức, dỗ dành gì mà như tát nước vô mặt. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chị giận không nói năng mấy ngày, anh xuống nước, hứa sẽ mặc hết số quần áo vợ mua mới yên chuyện. Tết, sáng anh thức dậy đã thấy một bộ quần áo màu mè ủi phẳng lì, treo sẵn. Anh đau khổ mặc vào, đi tới đâu cũng nhìn trước ngó sau, sợ người ta đàm tiếu cái… màu áo. “Thực hiện” được hai ngày, anh chịu hết nổi. Ngày mùng Ba anh “thất hứa”, lôi mấy cái áo xám xịt ra mặc, phớt lờ ánh mắt thảng thốt của vợ: “Mặc vầy, tui mới tự tin!”. Tới lượt chị sa sầm. Anh chán, không buồn đi đâu nữa. Nhưng, càng nghĩ anh càng ức. Chuyện quần quần áo áo, bao nhiêu năm nay mỗi lần vợ mua đồ mới về là mỗi lần sinh chuyện, sao vợ không chừa? Chị không được hưởng ứng, thì trách chồng không quý công vợ, không biết “sang vì vợ”, nhiều lúc chị còn nửa giỡn nửa thật, mỉa mai anh là “đồ cùi bắp”.

Anh “cùi bắp”, phụ lòng chị đã đành, đến cha mẹ chồng cũng chẳng trân trọng tình cảm của con dâu. Ngày chị về làm dâu, anh mới ra trường đi làm được hai năm, nhà chồng còn khó khăn vì phải nuôi hai đứa em anh đi học. Cái khó chia đều cho cả nhà, ai cũng phải tằn tiện đắp đổi qua ngày. Giờ, kinh tế khá hơn, chị muốn bù đắp cho cha mẹ nên chăm chút từng bữa ăn. Những “món ruột” của cha mẹ bị xóa sổ hết. Nào thịt mỡ, mắm tôm, nào cá vụn kho mặn, chị bỏ hết. Thịt mỡ không tốt cho tim mạch, mắm tôm không vệ sinh dễ gây ngộ độc, các món mặn thì gây hàng trăm căn bệnh khác... Cha mẹ chồng bị chị thuyết phục, cũng ráng tập ăn mấy món nhạt thếch, vì sức khỏe. 

Chị đang tự hào vì cuộc “cách mạng” đó thì phát hiện, những lúc chị đi vắng, mẹ chồng lại ra chợ mua mắm tôm về ăn, xóa sạch dấu vết trước khi chị về. Lần đầu phát hiện, chị kiên nhẫn giảng lại một bài về những món ăn gây hại cho sức khỏe, mẹ chồng lại gật gù “mẹ biết, mẹ biết”. Nhưng, chẳng vì “mẹ biết” mà mẹ thay đổi. Thỉnh thoảng mẹ lại tự ra chợ mua miếng thịt mỡ về kho, rồi lấp liếm: “Lâu lâu mới ăn một lần, chắc chẳng chết được”. Chị đang sốt ruột, chỉ chờ có vậy là “xả” một tràng, rằng là dù chỉ một xíu cũng hại, rằng đã kiêng thì phải kiêng tới cùng… Mẹ chồng vuốt mặt không kịp, chờ con dâu nói xong, bà cắp cái nồi đi một hơi, vừa đi vừa nói: “mẹ làm, mẹ chịu…”. Chị thả miếng cá chim đang định rã đông xuống sàn nhà, thẫn thờ nhìn theo. Mấy chữ mẹ vừa thốt ra như đã đem bao công sức của chị đổ sông đổ biển.

Ngồi điểm những “bất hạnh” của mình, chị lại nhớ chuyện “vô ơn” của em chồng. Ngày đó, em chồng thi rớt đại học ngành văn, đúng thời điểm chị mới về làm dâu. Chị an ủi: “Trong rủi có may, em mà học ngành đó, sau này biết làm gì ăn!”. Rồi, chị tìm cách đăng ký cho em chồng đi học một lớp công nghệ thông tin, để sau này sắp xếp cho nó một chân IT ở công ty gia đình chị. Em chồng đang buồn, cứ thế xuôi theo tính toán của chị dâu. Giờ, em chồng đã ổn định công việc, cả nhà ai cũng mừng, chỉ riêng “nhân vật chính” là suốt ngày ngẩn ngơ, chẳng buồn phấn đấu, tiến thân, lâu lâu lại nghỉ việc, xách đàn đi trại sáng tác. Ngày xưa, chị em còn gần gũi, em thủ thỉ tâm sự, chị từ tốn khuyên răn. Giờ, chị lân la lại gần, hỏi được mấy câu thì mất hứng vì em chồng chẳng hào hứng chuyện trò. Chị nghĩ mà buồn, sao nhà chồng đi đâu cũng khen chị giỏi giang, mà về nhà lại đối xử với chị như thế?

Đang ngồi than thân trách phận, chị nghe mấy cái loa ở bốn góc nhà vang lên một khúc nhạc đồng quê nước ngoài. Anh đẩy cửa phòng, ló đầu vào: “Nghe nhạc giải sầu hen bà thần quần áo!”. Chị vùng vằng: “Anh tắt ngay giùm em đi!”. Anh làm bộ buồn rầu: “Sao em than buồn? Em buồn anh mới mở nhạc mà, đúng là… làm ơn mắc oán!”. Chị cãi: “Ở đâu ra cái kiểu nhạc nhão nhoẹt đó, xưa nay anh có thèm nghe loại nhạc đó đâu!”. Anh nháy mắt: “Thì giờ anh cũng bắt đầu mặc áo xanh đỏ tím vàng đó thôi, nhạc chỉ nghe ngoài tai, nhằm nhò gì!”. Rồi anh khép cửa, chạy biến ra ngoài. Chị giật mình biết mình hớ, hóa ra nãy giờ “lão” chơi khăm chị. Mà, xưa giờ chị toàn yêu thương theo kiểu đó chứ đâu! Cứ thấy cái gì đẹp, tốt là chị mang về, cố gắng “trang bị” cho người chị yêu thương, chẳng cần biết họ có vui, có thích, có hợp không.

Kỷ niệm yêu thương

12 năm xa cách, anh đã chữa lành vết thương lòng, đã hồi sinh một tình yêu khác. Thế nhưng, anh biết mình vẫn chưa quên...

Lần cuối cùng anh gặp em là hôm lớp tổ chức liên hoan cuối khóa. Không có ai nghĩ rằng đó sẽ là buổi tiệc chia tay em. Hai hôm sau, anh nhận được tin em đã theo chồng ra nước ngoài. Mọi chuyện quá đỗi bất ngờ. Thảo nào mà hôm đó em đã mang đến một bó hoa màu tím - hoa lưu ly. Cứ tưởng em yêu lưu ly thảo nên tặng nó cho mọi người, nào ngờ đó là một lời chia tay thầm lặng…

12 năm rồi, anh bất ngờ gặp lại em giữa chiều Sài Gòn náo nhiệt. Suýt chút nữa em đã lướt qua giữa dòng người chen chúc. Anh gọi tên em thất thanh như sợ em tan biến. Mừng mừng, tủi tủi, 12 năm cho những lời trách hờn nghẹn ứ trong tim.

“Tại sao em đi mà không nói một lời? Tại sao em lại chọn cách ấy để biến mất khỏi cuộc đời anh? Tại sao… tại sao…?”. Bao nhiêu câu hỏi cứ tuôn trào như dòng thác cuồn cuộn trôi với bao yêu thương, hờn giận, nhớ nhung. Anh đâu biết, cuộc hôn nhân ấy chỉ là sự sắp đặt của người lớn. Nó không tồn tại trên thực tế. Bây giờ em đã trở về đây, vẫn một mình như khi rời bỏ nơi này...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Bất giác, anh nghe con tim như bị ai bóp nghẹt. Bao nhiêu năm xa cách, chưa có phút giây nào anh hình dung người con gái mình từng yêu vẫn cô đơn đi về. Anh chưa bao giờ nghĩ rằng em không hạnh phúc. Anh bỗng thấy lòng bồi hồi như thời trai trẻ, muốn nắm tay em thật chặt, ôm em vào lòng, nói với em một lời yêu thương… Thế nhưng, anh đã kịp dằn lòng bởi 12 năm ấy đủ để em trở thành hoài niệm.

Ừ, thì đành vậy thôi bởi thời gian là một phương thuốc nhiệm mầu. 12 năm xa cách, anh đã chữa lành vết thương lòng, đã hồi sinh một tình yêu khác. Thế nhưng, anh không thể dối lòng là cuộc gặp chiều ấy đã gợi lên nhiều kỷ niệm. Giờ đây, giữa bộn bề cuộc sống, giữa những lo toan, muộn phiền, đôi khi anh lại thấy kỷ niệm ấy lung linh trở về. Anh biết mình vẫn chưa quên…

Đọc nhiều nhất

Tin mới