Ở miền Tây, trong lúc mọi người đổ xô nuôi bò, cá, tôm…làm giàu, thì anh Nguyễn Hồng Ngự, ngụ ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) lại chọn nuôi con trâu. “Cũng nhờ cách làm lạ đời mà “sản phẩm” của tôi không đụng hàng và rất dễ bán”, anh Ngự cười sảng khoái vẻ tâm đắc.
Mặc dù đã sắm được xế hộp bạc tỷ, nhưng tỷ phú "du mục" Nguyễn Hồng Ngự vẫn không bỏ được thói quen đi dép lê, cưỡi trâu. Ảnh: Bình Nguyên. |
Những ngày trung tuần tháng Giêng, sau nhiều lần thất hẹn vì bận “du mục” theo những đàn trâu chạy đồng, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được anh Nguyễn Hồng Ngự tại xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, Hậu Giang). Trên bãi đất trống, hình ảnh một người đàn ông dáng thấp đậm, da ngăm ngăm đen đang chạy đôn chạy đáo lo cho đàn trâu hơn 20 con làm chúng tôi khá bất ngờ.
Khi hỏi ra mới biết đó đích thị là tỷ phú "mục đồng" Nguyễn Hồng Ngự. Vừa ngơi tay, anh Ngự nói: “Khẩn trương gom đàn trâu để đưa lên xe chuyển ra Bắc. Tranh thủ chuyến cuối năm kiếm tiền ăn Tết”. Tiếp chuyện với anh trong quán nước nhỏ ven đường, câu chuyện làm giàu cùng những ký ức bôn ba với con trâu cứ thế ùa về…
Ngã rẽ cuộc đời
Câu chuyện thu mua trâu bỗng rẽ ngang hướng khác khi có người hỏi anh Ngự về cơ duyên với con trâu. “Cách khởi nghiệp của tôi không giống ai, vì người khác cho là xui thì với tôi nó lại hên”, giọng từ tốn anh Ngự kể tiếp anh học đến lớp 11, do gia cảnh khó khăn phải nghỉ học ở nhà làm ruộng.
Trước đây, vùng Lương Nghĩa quê anh đất đai nhiễm phèn nặng nên làm lúa một công mỗi năm chỉ được vài trăm ký không đủ sống. Sau ngày thành gia lập thất, các con ra đời, gánh nặng cơm áo gạo tiền lại đè lên vai buộc anh Ngự phải tìm đủ mọi phương kế kiếm sống.
“Lúc này bực nhất là làm lúa không có trâu kéo. Nghe người ta kêu bán con trâu 5 vú rẻ nên tôi gom hết tiền, vàng mừng cưới, mượn thêm tiền của bà con mua con trâu này về kéo lúa. Nhiều người nói mua trâu nuôi xui lắm, nhưng chỉ vụ đầu tôi kéo ruộng nhà, dư thời gian kéo lúa cho hàng xóm cũng để dành mua gần được gần cây vàng. Vài tháng sau con trâu này đẻ tôi gầy đàn. Vậy là có đàn trâu như hôm nay...”, anh Ngự nói.
Kể từ đó, anh Ngự tập trung chăm sóc đàn trâu. Từ vài con ban đầu, dần dà làm có tiền anh mua thêm cứ thế đàn trâu sinh sôi nảy nở lên đến hàng chục con. “Mới đó mà đã hơn 25 năm tôi gắn với nghề nuôi trâu…”, anh Ngự nói.
Bây giờ, trời vừa hửng sáng anh Ngự lại đưa trâu ra đồng. Theo anh Ngự, trâu rất thích ở ngoài đồng để ngâm mình dưới nước nên hầu như cả ngày phải thả lan, đến chiều mới dắt về chuồng.
“Nuôi trâu thấy vậy chứ không cực mà trái lại còn khỏe hơn nuôi các vật khác. Vì con trâu dễ tính, thức ăn chính là cỏ, chỉ cần cung cấp đủ lượng cỏ cần thiết, còn lại hầu như không phải tốn công chăm sóc gì nhiều”, anh Ngự nói.
Khi đàn trâu sinh sôi nảy nở, để kiếm thêm tiền từ số trâu đực dôi dư, anh Ngự làm dịch vụ cho thuê trâu với giá 6 triệu đồng/con/năm. Theo anh Ngự, người ta thuê trâu đực chủ yếu để kéo lúa, rơm. Đến cuối năm anh nhận trâu về, vừa không mất công chăm sóc trong 1 năm mà con trâu lại lớn thêm bán sẽ lời nhiều. Hiện anh Ngự đang có trong tay hơn 140 con trâu, trong đó có hàng chục trâu cái đang sinh sản, mỗi năm cho thêm gần 40 con nghé. Bên cạnh bán trâu giống, cho thuê trâu đực, anh Ngự còn đi thu mua trâu bán lại kiếm thêm tiền.
Những đàn trâu du mục
Người dân xã Lương Nghĩa cho biết họ ấn tượng nhất về anh Ngự chính là việc anh mê trâu đến kỳ lạ. Nhiều người còn gọi anh là tỷ phú "du mục” với đàn trâu. Người ta còn nói đi đâu ở miền Tây mà gặp đàn trâu khoảng chục con có thể đó là trâu của anh Ngự. Bởi anh gửi trâu khắp nơi, có lúc lên tận vùng Bảy Núi (An Giang), vùng biên giới Giang Thành hay Gò Quao (Kiên Giang)…Ở đâu có đồng cỏ tốt là có đàn trâu của anh Ngự.
Anh Ngự kể có lần đi du lịch ở vùng Bảy Núi, khi xe chạy qua một cánh đồng cỏ xanh rì, bát ngát, không cầm được lòng anh nhất quyết kêu tài xế dừng lại. Đứng ngắm đồng cỏ hồi lâu, anh quyết định bỏ đoàn để tìm cách đưa đàn trâu đến gửi.
Anh ở lại đó 2 ngày để lân la tìm người “uy tín” gửi đàn trâu nhờ trông hộ. Vậy là vài hôm sau, đàn trâu hơn chục con của anh Ngự có mặt ở Bảy Núi. Nhờ cỏ tốt, khí hậu trong lành, vài tháng sau anh có đàn trâu béo tốt, chưa kể có thêm nghé và người dân địa phương cũng có tiền từ chăm sóc trâu cho anh.
Trong làm ăn, ngoài nhạy bén, anh Ngự là một người luôn có tấm lòng rộng mở. Anh nói: “Mình có của ăn của để nhờ con trâu, nay mình dùng con trâu giúp người khác âu cũng là lẽ phải ở đời”. Vậy là hơn 40 con trâu cái của anh lại “tìm đến” những hộ có ít đất sản xuất, hoàn cảnh khó khăn nhằm mở cho họ cơ hội thoát nghèo.
“Tôi áp dụng hình thức giao trâu và chia đôi lợi nhuận. Tức ban đầu tôi cho họ mượn 1 con trâu cái, sau một thời gian chăm sóc con trâu này sẽ đẻ con, giá trị con nghé được chia đôi. Bằng cách này, nhiều hộ đã cải thiện được cuộc sống gia đình”, anh Ngự nói.
Theo anh Ngự, lúc đầu anh cũng không nghĩ mình sẽ mở rộng đàn trâu nhiều như vậy. Nhưng trong quá trình làm ăn, anh nghiệm ra rằng nuôi trâu đem lại lợi nhuận cao, chỉ cần tốn ít thời gian, tiêm ngừa đầy đủ thì trâu phát triển rất tốt, không bệnh tật.
“Nuôi trâu cực nhất là lúc đồng xuống giống hết, không còn cỏ. Để gỡ khó giai đoạn này, tôi dành mấy ha đất trồng cỏ, thả trâu. Coi như lập trang trại mini. Lúc kẹt đưa hết đàn trâu về đây thì có sẵn nguồn thức ăn duy trì, đợi đến ngày đưa trâu đi gửi tiếp”, anh Ngự nói.
Có lẽ ở miền Tây, ít ai biết được anh Ngự là người hiếm hoi đưa trâu, rồi dưỡng trâu mang ra thi thố tại hội chọi trâu Đồ Sơn. Đến nay, anh đã đưa 15 con trâu ra đó thi thố và giành được 2 giải ba, 1 giải nhì.
Hiện anh đang gửi 3 con trâu cho bạn bè ngoài Bắc nuôi, huấn luyện và dưỡng thêm 2 con trâu tại nhà nhằm chuẩn bị cho các mùa chọi trâu vào những năm tới. “Cái này không mấy ai ở miền Tây làm được đâu nghe. Với tôi, thắng thua không quan trọng, chủ yếu góp vui. Với lại, một con trâu chọi có thắng thua gì bán cũng lời gấp nhiều lần trâu thường”, anh Ngự nói.