Anh Bùi Quang Thái trú tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội làm nghề lái xe tâm sự, mấy ngày nay nắng nóng, đỗ xe ở đường hay thậm chí các điểm gửi xe ôtô có che nắng thì ghế da vẫn là ám ảnh của cánh lái xe. Anh Thái thường mở điều hòa và khởi động ôtô vài phút rồi lại ra ngoài chờ xe mát. Điều khiến anh lo lắng nhất là mỗi khi ngồi vào ghế xe nóng ran sẽ ảnh hưởng đến "cậu nhỏ" của mình.
Còn anh Minh trú tại Tân Mai, Hà Nội than thở sợ nhất vào trong xe bởi nhiệt độ rất cao, nóng và ngột ngạt hơn bên ngoài. Điều hòa giúp anh bớt nóng nhưng do lạnh đột ngột nên gây ra triệu chứng nghẹt mũi, khó thở, hắt hơi liên tục.
Chị Phương trú tại Linh Đàm, Hà Nội tâm sự đang mang thai lại làm công việc kinh doanh bất động sản nên thường tự lái ôtô đi làm. Nỗi ám ảnh của chị đó là khi ngồi trong xe mát lạnh phải bước ra ngoài khi trời nắng nóng. Mỗi lần xuống hay bước lên xe chị thấy chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, khó chịu.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi - nguyên bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện E Trung ương - cho biết sự thay đổi nhiệt độ giữa xe ôtô và ngoài trời rất nguy hiểm. Sở dĩ nguy hiểm hơn so với sốc nhiệt từ phòng điều hòa ra ngoài trời là vì trong xe còn có thêm khí CO2.
Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn còn dẫn đến bị sốc nhiệt với biểu hiện đau đầu, chóng mặt hoặc choáng váng, tim đập nhanh, thậm chí ngất xỉu hoặc có nguy cơ đột quỵ.
Trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ Lợi khuyên mọi người nên hạn chế tắm nước lạnh. Những ai có tiền căn cao huyết áp, cơ địa không tốt, khi di chuyển bằng xe hơi cần chú ý đến sốc nhiệt vì có thể gây co thắt mạch máu não... ảnh hướng tới tính mạng.
Để nhiệt độ ghế xe không quá nóng ảnh hưởng đến "cậu nhỏ" cần có khăn bông ướt trải lên ghế xe để giảm nhiệt độ của ghế da vì ở chất liệu này có thể lên đến 70 độ C.
Cũng theo các nghiên cứu, khi nhiệt độ ngoài trời ở mức 35 độ C thì chỉ cần đỗ xe khoảng 20 phút, khoang cabin ôtô (không bật điều hòa) có thể lên tới 50 độ C. Nếu thời gian là 40 phút, nhiệt độ lúc này là 65,5 độ C.
Để phòng tránh hiện tượng này, nhiều tài xế đã mở hé cửa kính nhưng hiệu quả không đáng kể, bởi hiệu ứng nhà kính vẫn gây cảm giác khó chịu cho người ngồi trong ôtô.