Trẻ bị cháy võng mạc, mất thị lực vì bút tàng hình

Trẻ bị cháy võng mạc, mất thị lực vì bút tàng hình
Phụ huynh lo lắng
Chị Nguyễn Thanh Lan (Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, chị rất lo lắng về chiếc bút này, bởi không rõ bút có xuất xứ từ đâu, sử dụng hóa chất gì mà có tác dụng trên. 
Từ thông tin của chị Lan, phóng viên đã làm một cuộc khảo sát tại Hà Nội thì nhận thấy bút tàng hình được bày bán công khai trên thị trường. Người nào có nhu cầu có thể tìm mua tại các hiệu bán hàng văn phòng phẩm, trước cổng trường... Bút có hình dáng bên ngoài chẳng khác gì chiếc bút bi bằng kim loại bình thường. Khi người dùng viết ra, mực nhanh chóng biến mất một cách kỳ lạ. Để xem được nét chữ đó, phía đầu bút có nút bấm đèn. Chỉ cần soi đèn vào khu vực vừa viết có thể thấy được nét viết. 
Ngoài các điểm bán trên, người có nhu cầu còn dễ dàng lựa chọn bút tàng hình với nhiều chức năng trên mạng internet. Với từ khóa "bút tàng hình" người mua sẽ nhận được hàng trăm địa chỉ để đặt hàng qua mạng. Bút ở đây được quảng cáo là bút tàng hình đa năng với nhiều tác dụng như vừa làm bút viết mực vừa viết tàng hình, đèn laser có độ xa 200m, soi tiền giả, làm bút cho điện thoại PDA...  Giá sản phẩm dao động từ 30.000 - 90.000đ. 

Đáng ngại nhất ở bút tàng hình chính là đèn laser.
Đáng ngại nhất ở bút tàng hình chính là đèn laser. 

Nguy hiểm từ mực và đèn laser

Phân tích về bút tàng hình, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Bút tàng hình đã được ứng dụng sản xuất từ rất lâu nhưng với mục đích quân sự... Về nguyên lý có hai cách: Sử dụng hóa chất có chứa chất phát quang. Chất này bình thường không nhìn thấy nhưng chiếu ánh sáng vào thì sẽ hiện ra ánh sáng. Cách thứ hai cũng sử dụng hóa chất, nhưng chất này sẽ chỉ nổi lên khi được nhúng nước hoặc nhiệt độ vừa phải... thì mới phát hiện ra. 

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Hồng Côn nhấn mạnh, bút tàng hình có hóa chất độc hay không thì rất khó nói. Với các hãng có tên hiệu, nguồn gốc rõ ràng thì có thể tin tưởng và chất dễ phân tích nhưng với hàng Trung Quốc nhập theo đường tiểu ngạch thì không hy vọng nhiều. Bởi khó có thể biết người ta dùng chất gì, công nghệ ra sao... Ví dụ, chất phát quang có đến hàng nghìn chất, có những chất độc nhưng có những chất lại lành. Vì thế, để nói độc cũng chưa chính xác. 

Ở góc độ quang học, TS Nguyễn Văn Hải, Công ty ánh sáng Quang Minh cho rằng, nguy hiểm ở bút tàng hình chính là đèn laser. Vì theo ghi nhận của Viện Hóa học, ánh sáng của loại bút này là một loại đi ốt phát quang thuỷ ngân. Nó phát ra chùm sáng ở bước sóng 253.7nm, chức năng hoạt động giống như đèn của các máy soi tiền. 

TS Nguyễn Văn Hải phân tích thêm: Ánh sáng laser được chia làm nhiều cấp độ, nhưng ngay cả với cấp độ nhỏ nhất người ta cũng khuyến cáo không nhìn mắt vào, thậm chí không được nhìn quá 0,25 giây. Khi lọt vào mắt, ánh sáng này gây ảnh hưởng đến mắt rất lớn, thậm chí gây đục thủy tinh thể hoặc cháy võng mạc, mất thị lực... 

"Ánh sáng laser rất nguy hiểm với trẻ nhỏ bởi tính tò mò, hiếu động. Cụ thể, ngoài việc chiếu thẳng ánh sáng vào mắt không đeo kính đã gây nguy hiểm thì trường hợp chiếu vào mắt đeo kính cận hay kính hiển vi càng nguy hiểm hơn. Bởi laser kỵ tối đa chiếu qua bất cứ dụng cụ quang phóng đại nào", TS Nguyễn Văn Hải cho biết.
 
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay trẻ chưa biết rõ tác hại của loại bút này vì thế cần có sự giáo dục của gia đình. Như hạn chế cho trẻ chơi loại bút tàng hình, khuyến cáo và hướng dẫn trẻ về tác hại của laser... 

TIN LIÊN QUAN:

Đọc nhiều nhất

Tin mới