TPHCM: “Vỡ” đường dây đầu tư tiền ảo đa cấp 15.000 tỉ đồng?

Theo đơn tố cáo của người dân, Modern Tech đã dụ dỗ hơn 32 nghìn nạn nhân cùng tham gia và huy động được hơn 15.000 tỷ đồng đầu tư vào một loại tiền ảo tên là Ifan, Pincoin.

Vào ngày 8/4, hàng chục người đã kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP. HCM tố cáo bị công ty chiếm đoạt lừa đảo hơn 15 ngàn tỷ đồng liên quan đến việc công ty này huy động vốn đầu tư vào một loại tiền ảo tên là Ifan, Pincoin theo hình thức gọi vốn ban đầu ICO.
Người dân giăng băng rôn phản ứng việc công ty Modern Tech huy động vốn tiền ảo đa cấp tại trụ sở công ty.
Người dân giăng băng rôn phản ứng việc công ty Modern Tech huy động vốn tiền ảo đa cấp tại trụ sở công ty. 
Theo phản ánh của người dân, Modern Tech gồm 7 người Việt Nam sáng lập chính quảng cáo một dự án huy động vốn mang tên Ifan gắn mác dự án đến từ Singapore, Pincoin đến từ Ấn Độ.
Thời gian qua, Modenrn Tech đã tổ chức các sự kiện tại TPHCM và Hà Nội để huy động vốn từ chủ đầu tư. Theo quảng cáo đồng coin Ifan này đang trong quá trình gọi vốn ban đầu, được tạo ra để thanh toán ứng dụng V-FAN (1 ứng dụng cho fan hâm mộ Sao mua nhạc, MV, đặt vé trực tuyến), đang ICO để gọi vốn với gói khởi điểm 1USD/coin. Lộ trình đến tháng 12/2017 đạt giá 12,8 USD tại thời điểm trước khi lên sàn giao dịch vào đầu năm 2018.
Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo Ifan (giống như một loại cổ phiếu có giá trị, nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, Modern Tech lại phát hành ra đồng tiền số này để huy động vốn nhằm tránh việc kiểm tra từ Ủy ban chứng khoán nhà nước).
Ifan cam kết khi tham gia nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Đây là mô hình kinh doanh “đa cấp” theo kiểu kim tự tháp.
Theo đơn tố cáo của người dân thì bằng cách trên, Ifan dụ dỗ hơn 32 nghìn nạn nhân cùng tham gia và huy động được hơn 15 nghìn tỷ đồng tiền vốn (con số theo đơn tố cáo của người dân). Điều đáng nói, tất cả các chủ đầu tư sau đó không hề được nhận bất cứ lợi nhuận thực tế nào. Hàng ngàn người vì đó lâm vào cảnh tán gia bại sản khi đầu tư hàng tỷ đồng vào Ifan.
Theo tìm hiểu ban đầu của chúng tôi, dự án iFan yêu cầu chủ đầu tư phải mua lượng token tối thiểu 1.000 USD. Sau đó người đầu tư phải trải qua quá trình cho vay với lãi suất "khủng" lến đến vài chục phần trăm mỗi tháng. Việc này nhằm kéo dài thời gian sống cho dự án. Trong lúc cho vay, người đầu tư được khuyến khích kêu gọi mọi người vào để hưởng hoa hồng theo nhiều mức. Chính số tiền của những người vào sau được dùng để trả cho những người trước.
Mặc dù hứa hẹn chi trả phần trăm nhưng sau khi thu được số tiền lớn Ifan tuyên bố quy đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số. Ifan quy định giá công bố 5 USD trên một đồng tiền số. Tuy nhiên, giá thực tế của đồng tiền số này trên thị trường chỉ là 0,01 USD/một đồng,
Không chỉ số tiền đầu tư tối thiểu đã cao, số tiền rút ra cũng cao không kém. Ban đầu là 0.02 BTC (khoảng 5 triệu đồng) có lúc tăng đến 0.8 BTC (gần 200 triệu đồng). "Họ nâng giới hạn để không cho người đầu tư rút. Những nhà đầu tư bây giờ cũng chỉ biết đứng nhìn số tiền của mình hiển thị trên màn hình chứ cũng không mong thu hồi nữa rồi" - Trọng Nguyễn, sinh viên tại TPHCM dành hết số tiền có được đầu tư vào iFan, cho biết.
Hiện chúng tôi chưa liên hệ được với Cty Modern Tech để có thông tin phản hồi liên quan về những phản ánh của các nhà đầu tư.

Đọc nhiều nhất

Tin mới