Tổng tài sản của Eximbank sụt giảm, nợ xấu vẫn ở mức cao 3,3%

(Kiến Thức) - Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB), đến 31/3/2018, tổng tài sản của Eximbank sụt giảm, từ hơn 149.369 tỷ đồng cuối 2017 xuống 143.630 tỷ đồng. 

Kinh doanh sụt giảm

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018. Theo báo cáo tài chính này, tính đến ngày 31/3/2018, tổng tài sản của Eximbank sụt giảm, từ hơn 149.369 tỷ đồng cuối 2017 xuống còn 143.630 tỷ đồng.
Dù không giảm mạnh nhưng chỉ tiêu trên phản ánh khả năng cạnh tranh để mở rộng thị phần, mở rộng quy mô hoạt động tiếp tục suy giảm. Quy mô tổng tài sản trên khiến ngân hàng Eximbank ngày càng lùi xa so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn trên thị trường.
Bởi, khoảng 5 năm trước, đây là một trong 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn mạnh nhất trong khối. Tuy nhiên, đến nay, quy mô tổng tài sản chỉ bằng phân nửa so với những thành viên dẫn đầu, trong khi một số thành viên mới nổi như Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) đã có so sánh quy mô gần ngang bằng.
Tong tai san cua Eximbank sut giam, no xau van o muc cao 3,3%
Tổng tài sản của Eximbank sụt giảm. Ảnh minh họa: EIB.

Sau vụ khách hàng mất tiền, Eximbank mất gần 1.000 tỷ. Nguồn: VTC1

Thậm chí, trong kỳ này, thu nhập lãi thuần của ngân hàng sụt giảm, chỉ đạt 667 tỷ đồng. Các hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi thuần lần lượt là 78,4 tỷ đồng và 57,2 tỷ đồng. Thu nhập từ hoạt động khác là 54,3 tỷ đồng. Song hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bị lỗ 24,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngân hàng ghi nhận khoản lãi từ góp vốn, mua cổ phần hơn 521,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước báo lỗ 15 tỷ đồng. Theo báo cáo lưu chuyển dòng tiền đầu tư, trong quý I/2018, Eximbank ghi nhận số tiền thu từ bán vốn là hơn 1.736 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, tổng tiền gửi của khách hàng tại Eximbank đã giảm 4% so với cuối năm 2017, từ gần 117.540 tỷ đồng xuống 112.830 tỷ đồng.
Nguyên nhân được đánh giá là do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những vụ việc rủi ro tiền gửi có giá trị lớn của khách hàng.
Ngoài ra, với tiền gửi không kỳ hạn, chỉ tiêu cạnh tranh mạnh nhất giữa các ngân hàng thương mại hiện nay, cũng như gián tiếp phản ánh cơ sở khách hàng và giá trị gia tăng trong phát triển các dịch vụ thanh toán, giao dịch…, quý 1/2018 Eximbank giảm từ hơn 16.182 tỷ cuối 2017 xuống còn 15.114 tỷ.
Nợ xấu của Eximbank vẫn ở mức cao 3,3%
Bên cạnh đó, về chất lượng tín dụng, nợ xấu của Eximbank vẫn ở mức cao 3,3% tổng dư nợ với hơn 2.337 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn tăng mạnh lên hơn 1.195 tỷ đồng, gấp gần 3 lần lợi nhuận làm ra trong quý I/2018.

Theo ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, năm 2018, ngân hàng sẽ xử lý tiếp các tồn đọng, cấu trúc lại tài sản Nợ - Có theo hướng phát triển dài hạn. Nếu đến năm 2020, tăng trưởng tổng tài sản hằng năm đạt mức 25% thì ngân hàng sẽ trở lại Top ngân hàng lớn. Nhưng đây được cho là mục tiêu khó khi Eximbank còn nhiều vấn đề cần xử lý.

Mặt khác, từ năm 2013 đến năm 2017 cổ đông không được chia cổ tức vì còn nhiều nợ xấu phải xử lý.

Nếu năm 2018, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 1.600 tỷ đồng, ngân hàng sẽ có lợi nhuận để lại chưa chia là 1.400 tỷ đồng, nhưng nguồn tiền này để xử lý các khoản nợ xấu nên Hội đồng quản trị chưa bàn đến chia cổ tức.

Trong đề án tái cấu trúc Eximbank từ năm 2015-2017, Ngân hàng Nhà nước đã phải hỗ trợ Eximbank bằng việc cho xử lý những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được chuyển từ xử lý trong 5 năm sang 10 năm.

Như vậy, năm 2018 phải đưa con số nợ xấu bán cho VAMC là 2.400 tỷ đồng và đến cuối năm 2019 xử lý được toàn bộ nợ đã bán cho VAMC thì mới mong đến năm 2020 đưa Eximbank về hoạt động thực và chia cổ tức cho cổ đông.

Đọc nhiều nhất

Tin mới