Ảnh minh họa. |
Theo đó, sẽ có khoảng 100.000 biên chế không làm được việc sẽ phải "về vườn". Điều này đang làm nức lòng rất nhiều người dân chúng tôi, vì nó thể hiện sự "quyết làm trong sạch bộ máy công vụ" như nhận định của TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội.
Tôi đồng tình với TS Nguyễn Hữu Dũng là cần phải có những giải pháp mới, mang tính đột phá, cụ thể hơn nữa trong quy chế đánh giá cán bộ, để rồi từ đó có cơ sở mà tiến hành tinh giản. Tuy nhiên, việc dự thảo quy định trong tổng số 100.000 biên chế sẽ bị tinh giản thì có 80% là nghỉ hưu trước tuổi, 20% cho thôi việc là chưa hợp lý.
Bởi lẽ, cần nhớ rằng, đâu phải chỉ những người đã ở vào tuổi chuẩn bị về hưu mới bộc lộ năng lực hạn chế? Việc thi tuyển cán bộ công chức hiện nay vẫn đang có những bất cập như thi theo kiểu hình thức, chọn người theo diện ưu tiên nên có những người dù năng lực không đáp ứng yêu cầu mà vẫn đỗ đạt vào vị trí này, vị trí kia, thuộc diện "có cũng như không" trong bộ máy hành chính. Những người này còn trẻ đấy chứ!
Tuy nhiên, với những người này thì không thể giải quyết chế độ theo kiểu "về hưu trước tuổi" được, mà phải thẳng tay loại họ ra khỏi bộ máy, buộc thôi việc. Khi đó, số buộc phải thôi việc chắc chắn sẽ cao hơn 20% trong tổng số 100.000 người như dự tính.
Do đó, không nên quy định cứng với tỷ lệ 80% và 20% như thế này mà cần phải nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống. Cần mạnh tay loại bỏ cả những người còn trẻ mà không làm được việc, buộc họ thôi việc, chứ không phải chỉ những người sắp về hưu mới bộc lộ vấn đề về năng lực.