Tiêu hết thời hoàng kim, dân đào gốc lên bán?

Giá hạt tiêu thấp nhất từ trước đến nay, lượng tiêu tồn kho lên tới 160.000 tấn trong khi nguồn cung đang vượt cầu.

Hiện tại giá hạt tiêu ở Việt Nam (VN) chỉ còn hơn 60.000 đồng/kg, thấp kỷ lục trong 10 năm qua, gần sát với giá thành sản xuất bình quân chung của cả nước là hơn 49.000 đồng/kg. Tại hội nghị do Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA) tổ chức ngày 11-5, nhiều ý kiến lo lắng trước nguy cơ phải giải cứu ngành hồ tiêu.
Chặt tiêu bán rễ
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho hay với giá tiêu như hiện nay nông dân lỗ nặng. Không chỉ vậy, giá tiêu có thể sẽ còn tiếp tục xuống thấp trong vài năm tới.
“Cũng vì cây tiêu hết lợi nhuận cao, giá rẻ, thời tiết khắc nghiệt khiến năng suất giảm nên khi thấy thương lái mua rễ tiêu, một số nông dân đã chấp nhận chặt cây tiêu, đào lấy rễ bán. Trong thời gian tới, nếu giá tiêu tiếp tục giảm, năng suất thấp…, nông dân sẽ chặt tiêu để trồng cây khác có lợi ích kinh tế hơn” - ông Bính cảnh báo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bính cho biết thêm, hiện nay vẫn đang diễn ra tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua rễ tiêu khô. Rễ tiêu khô được bán với giá lên tới 60.000 đồng/kg, bằng giá với giá hạt tiêu khô bán ra thị trường hiện nay.
Vì có yếu tố thương lái nước ngoài, hơn nữa không rõ mục đích các đối tượng này nên Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đã báo cáo với cơ quan công an điều tra, xử lý. Đồng thời khuyến nghị nông dân không nên bán rễ tiêu, nếu có thông tin về những thương lái thu mua phải báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn.
“Theo tôi được biết, rễ tiêu khô hầu như không có tác dụng chữa bệnh nên không thể làm thuốc được. Hơn nữa rễ tiêu là nơi chứa nhiều vi khuẩn nấm bệnh, chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên độc hại chứ chẳng tốt gì. Vì vậy đây chỉ có thể là hành động phá hoại kinh tế, hại ngành hồ tiêu. Bằng chứng, mấy năm trước khi thương lái thông tin mua rễ tiêu khô giá cao, nhiều hộ dân không hiểu biết đào rễ tiêu bán khiến năng suất tiêu giảm, đồng thời xảy ra tình trạng một số đối tượng đào trộm rễ tiêu làm nhiều vườn tiêu bị chết, thiệt hại lớn” - ông Bính chia sẻ.
Để đừng phải giải cứu
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA, cho biết quy hoạch diện tích trồng hồ tiêu cả nước ở mức 100.000 ha. Tuy nhiên, đến nay diện tích trồng hồ tiêu trên thực tế đã tăng vọt lên 152.000 ha, tức vượt quy hoạch trên 50.000 ha. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cung vượt cầu, giá tiêu giảm thê thảm, nông dân chặt tiêu… như hiện nay.
Bên cạnh đó, đối thủ với tiêu VN là Brazil, Indonesia cũng tăng diện tích trồng, tăng xuất khẩu nên sức ép cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng lớn. Vì vậy, ông Hải cho rằng bộ, ngành, địa phương phối hợp với doanh nghiệp để có những giải pháp khẩn cấp giải cứu hồ tiêu như đẩy mạnh công tác khuyến nông để nâng cao trình độ cho người trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến hồ tiêu. Đặc biệt nâng cao trình độ canh tác theo VietGAP, GlobalG.A.P.
Giá tiêu xuất khẩu giảm 42%
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu tiêu bốn tháng đầu năm 2018 ước đạt 88.000 tấn và 311 triệu USD, tăng 15,5% về khối lượng nhưng giảm 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá tiêu xuất khẩu bình quân những tháng đầu năm 2018 đạt 3.692 USD/tấn, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2017.
Ông Willem van Walt Meijer, Giám đốc Công ty Nedspice VN, đánh giá số lượng hàng tồn qua các năm cũng là một yếu tố gây bất lợi và áp lực lên giá cả cho ngành hồ tiêu VN. Bởi theo thống kê của công ty này, số lượng hàng tồn tại nước ta lên tới 160.000 tấn.
Để giảm áp lực này và có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, ông Willem van Walt Meijer cho rằng các doanh nghiệp VN cần củng cố mối liên kết nông dân để làm ra sản phẩm tốt nhất, được thị trường khó tính nhất chấp nhận mua giá cao nhất. Đồng thời ngành hồ tiêu cần rà soát quy trình sản xuất, giảm trung gian để giảm chi phí thấp nhất có thể.
“Cần làm gì để ứng phó với thời kỳ giá thấp? Một trong những giải pháp là cần phải làm sao để sản phẩm truy xuất được nguồn gốc. Biết chính xác sản xuất ở đâu, ai sản xuất, sản xuất như thế nào; ai mua và mua từ ai... Khi đó tiêu VN sẽ đáp ứng yêu cầu các thị trường lớn, có giá trị cao như Mỹ, châu Âu” - ông Willem chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhìn nhận: Với cây tiêu, không nên chạy theo năng suất, sản lượng nữa mà phải tập trung nâng cao chất lượng. “Bộ NN&PTNT đang tập trung chọn những giống tiêu tốt để công nhận giống, đồng thời tìm ra những quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã ban hành quy trình phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu. Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi, giúp ngành hồ tiêu phát triển bền vững” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Kiểu mua hàng nông sản kỳ lạ của thương lái Trung Quốc
Mới đây Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đã cảnh báo tình trạng thu mua rễ tiêu với mục đích không rõ ràng và bất thường, cũng như những thiệt hại nếu đào rễ tiêu bán cho thương lái.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng cần sự can thiệp từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vì việc phá hoại kinh tế, phá hoại nền nông nghiệp VN đã diễn ra nhiều năm nay. Mục đích mua hàng nông sản kỳ lạ của thương lái Trung Quốc là làm giá thu lợi. Thậm chí họ dùng nhiều thủ đoạn không chỉ lừa tiền của nông dân mà còn phá hoại nông nghiệp và kinh tế VN.
“Họ thu gom rễ tiêu khô, lá điều khô khiến nông sản giảm năng suất. Giết trâu bán móng khiến những người nông dân mất đi kế sinh nhai, mất sức kéo. Đỉa, ốc bươu vàng mà nông dân VN thu gom, sau khi thương lái Trung Quốc biến mất sẽ không bán được cho ai, đổ đầy đồng gây hại môi trường” - ông Xuân dẫn chứng.

Đọc nhiều nhất

Tin mới